Đón đầu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới bước vào giai đoạn “nước sôi lửa bỏng”, giới đầu tư và chuyên gia kinh tế vẫn đang tranh cãi, liệu những diễn biến mới nhất nên được coi như xung đột, đụng độ hay một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. 

Mặc cho các chuyên gia tranh cãi, nhiều nước có liên quan 2 nền kinh tế này đã có những chuyển hướng tránh bế tắc trong giao thương và để đối phó một khi căng thẳng trở thành cuộc chiến. 

Đón đầu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ ảnh 1 Các công ty nước ngoài chọn giải pháp di dời nhà máy ra khỏi Trung Quốc 
 Từ chuyển dịch

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã kêu gọi Mỹ “trở lại với lẽ phải” trong thương mại sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách gia tăng sức ép bằng việc đề xuất một mức thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Ông Trump ban đầu dọa áp thuế 10% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu bổ sung trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc, song mức thuế xem xét hiện nay đã được nâng lên 25%.

Trước những động thái liên tục leo thang này, cảm thấy ảnh hưởng của xung đột thương mại khi có thuế quan, các nhà đầu tư đã chuyển từ trạng thái “đề xuất” sang “thực hiện”. Trong loạt bài đầu tiên viết về đề tài tác động của chiến tranh thương mại ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác nhau ở Trung Quốc như thế nào, tờ South China Morning Post ngày 1-8 đã nhận định, rõ ràng các công ty đa quốc gia có thể sẽ tìm cách phòng ngừa rủi ro bằng cách giảm hoạt động sản xuất ở Trung Quốc, và Đông Nam Á sẽ là điểm hợp lý cho chiến lược tái cân đối này. Để tránh thuế quan của Mỹ, các nhà sản xuất vải Trung Quốc đã rục rịch chuyển công đoạn dệt vải sang các nước Đông Nam Á, như Việt Nam hay Indonesia, để tận dụng xuất xứ hàng hóa “made in Vietnam”, ưu đãi thuế 0% để hưởng lợi xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ, Liên minh châu Âu (EU).

Không chỉ ngành dệt may, nhiều công ty sản xuất hàng điện tử đang chuẩn bị chuyển thêm hoạt động sản xuất sang khu vực Đông Nam Á. Theo hãng tin Bloomberg, Delta Electronics, công ty cung cấp linh kiện điện cho hãng Apple, vừa  tuyên bố ý định chi 2,14 tỷ USD để thâu tóm toàn bộ một liên doanh ở Thái Lan. Đây được xem là bước đệm để Delta mở rộng hoạt động sản xuất tại Thái Lan. Merry Electronics, công ty sản xuất tai nghe cho những hãng như Bose, sẽ chuyển một phần sản xuất từ miền Nam Trung Quốc sang Thái Lan, và kế hoạch này sẽ tùy thuộc vào diễn biến của chiến tranh thương mại trong thời gian tới.

Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều công ty Đài Loan sản xuất hàng cho những thương hiệu điện tử nổi tiếng chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc đại lục để tránh ảnh hưởng của tiền lương tăng. Khi xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang, xu hướng này càng được đẩy mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư được phê chuẩn của các doanh nghiệp Đài Loan vào Trung Quốc đạt 4,2 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, đầu tư của các công ty Đài Loan vào Việt Nam, Malaysia và Ấn Độ tăng mạnh trong cùng khoảng thời gian.

Xu hướng chuyển sản xuất sang Đông Nam Á của các công ty sản xuất hàng điện tử sẽ tùy thuộc nhiều vào việc liệu ông Trump có thực hiện lời cảnh báo đánh thuế thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, thậm chí là đánh thuế toàn bộ 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ mỗi năm. Đối với nhiều lãnh đạo công ty, việc lên kế hoạch đã bắt đầu. Trong một tuyên bố mới đây, tập đoàn Deta nói rằng, vụ thâu tóm ở Thái Lan sẽ giúp công ty này có thêm cơ sở sản xuất, giảm bớt rủi ro do chiến tranh thương mại toàn cầu, tăng cường mạng lưới bán hàng và xích lại gần hơn với khách hàng. Các công ty có xu hướng chuẩn bị chuyển việc sản xuất bán thành phẩm từ Trung Quốc sang Thái Lan trước, rồi sẽ hoàn tất thành phẩm tại đây.

Nếu như tại châu Á, các công ty rục rịch chuẩn bị tháo chạy khỏi Trung Quốc, thì tại Mỹ, các công ty ở nước này đang rủ nhau dời nhà máy ra nước ngoài để tránh thuế. Một khi cuộc chiến thương mại diễn ra với quy mô lớn, lợi nhuận mong đợi của các ngành có liên quan đến sản phẩm nhập khẩu của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm đáng kể hoặc thậm chí thua lỗ. Các công ty công nghệ cao và ngành sản xuất của Mỹ cũng phải đối mặt với sự thay thế nhập khẩu trên thị trường Trung Quốc, lợi nhuận mà họ mong đợi sẽ giảm đáng kể. 

Đến hợp tác đáp trả

Ngoài đối thủ ở châu Á, ông Trump cũng nhắm đến cả đồng minh Liên minh châu Âu (EU) và 2 nước láng giềng Canada và Mexico. Hồi đầu tháng 7 vừa qua, Canada chính thức áp thuế trị giá 12,6 tỷ USD đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, nhằm trả đũa việc Washington đánh thuế mới đối với mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu của Canada. Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã cảm ơn người dân Canada vì đã đoàn kết trước biện pháp áp thuế của Mỹ, đồng thời kêu gọi người dân Canada “đưa ra quyết định phù hợp” khi cân nhắc lựa chọn mua sắm những mặt hàng của Mỹ. 

Tại Mexico, ngày 31-7, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Mexico Juan Carlos Baker cho biết, nước này đang chuẩn bị mọi phương án đối phó trước khả năng Mỹ áp mức thuế mới đối với ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu. 

Đón đầu viễn cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” với Mỹ, trước đó Đức đã chuyển hướng đầu tư sang Mexico và trở thành đối tác thương mại quan trọng thứ 3 của Mexico trên thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư thuộc Bộ Kinh tế Mexico (ProMexico) cho biết, với kim ngạch trao đổi thương mại tăng mạnh trong năm 2017. Trong năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của nước này sang Đức đạt giá trị 6,952 tỷ USD, tăng 76% so năm trước đó. Đây là mức tăng trưởng lớn nhất từ trước tới nay (tính từ năm 1999) và được thúc đẩy chủ yếu do ngành công nghiệp ô tô. Theo thống kê của ProMexico, các hãng ô tô lớn của Đức đều đặt nhà máy ở quốc gia Mỹ Latinh như Volkswagen, Audi… Xuất khẩu xe hạng nhẹ của Mexico sang thị trường Đức đã tăng tới 39% chỉ trong năm 2017, chiếm 33,3% tổng xuất khẩu hàng hóa của Mexico sang Đức. 

Ngoài ra, trong tháng 6 vừa qua, lô hàng thịt heo đầu tiên của Đức đã “đổ bộ” vào Mexico, một phần của chiến lược tăng cường nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn từ châu Âu của Mexico. Các sản phẩm khác như bột mì, đồ uống và pho mát của Đức dự kiến cũng sẽ tăng sự hiện diện ở thị trường Bắc Mỹ này. 

Chưa thể kết luận tốc độ tăng trưởng toàn cầu suy giảm hay không từ căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay, các vụ sáp nhập và mua lại doanh nghiệp đã trở thành một trong những lĩnh vực có sự khởi đầu mạnh mẽ nhất trên thế giới. Đáng chú ý là các nhà đầu tư Trung Quốc tỏ ra không mấy quan tâm đến thị trường Mỹ. Theo một nghiên cứu của hãng luật quốc tế Baker McKenzie và Rhodium Group, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc ra nước ngoài đã chuyển từ Bắc Mỹ sang châu Âu trong giai đoạn vừa qua. Các thương vụ sáp nhập và mua lại của Trung Quốc được công bố gần đây ở châu Âu đạt 22 tỷ USD, vượt xa con số 2,5 tỷ USD giá trị các thương vụ được thực hiện ở Bắc Mỹ. 

Ngày 1-8, Goodbody - công ty môi giới chứng khoán lâu đời nhất của Ireland xác nhận một liên danh của Trung Quốc đứng đầu là Tập đoàn Zhongze và JIC Trust của nhà nước Trung Quốc đã mua lại công ty này với giá 150 triệu EUR. Goodbody cho biết, nhà đầu tư mới sẽ thúc đẩy kế hoạch mở rộng hoạt động của công ty này tại Ireland và Anh, theo đó các khách hàng của công ty trên cũng có thể tiếp cận các dịch vụ mua bán tại các công ty và đối tác của Goodbody ở Trung Quốc. Thương vụ mua bán nói trên nằm trong chuỗi hoạt động của Trung Quốc nhằm đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ tài chính tại các công ty của châu Âu. Ngoài Ireland, Anh gần đây cũng đã thu hút được một số các nhà đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm và quản lý tài sản. 

Ngày  2-8, trả lời phỏng vấn Fox Business News, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross khẳng định, các mức thuế mới mà Mỹ đe dọa áp đặt với gần một nửa số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng rất nhỏ tới thị trường châu Á và không thể dẫn tới “thảm họa”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Trung Quốc kêu gọi những nhà hoạch định chính sách thương mại của Mỹ hãy bình tĩnh và lắng nghe người tiêu dùng trong nước, cũng như những lời kêu gọi từ cộng đồng quốc tế. 

Trước đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng khẳng định, Bắc Kinh đã sẵn sàng đối mặt với các mối đe dọa từ nước Mỹ và sẽ đáp trả để bảo vệ vị thế cũng như lợi ích của người dân. Bộ này nhấn mạnh, những biện pháp của Mỹ sẽ không thể gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào đối với Trung Quốc mà “chỉ khiến các nước và vùng lãnh thổ phản đối chiến tranh thương mại thêm thất vọng”.

Kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, ngày 1-8, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra những đánh giá tích cực trong bối cảnh nền kinh tế số một thế giới đón nhận nhiều tín hiệu tươi sáng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không ngớt lời tung hô. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn hoài nghi về khả năng nền kinh tế Mỹ có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian tới, khi triển vọng kinh tế đang bị phủ bóng bởi những căng thẳng thương mại giữa Washington với nhiều quốc gia trên thế giới. 

Thực tế các nhà đầu tư vẫn lo ngại về “bóng ma” của một cuộc chiến thương mại tổng lực giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang cận kề. Đây cũng được xem là nguyên nhân khiến các chỉ số chủ lực trên thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới đồng loạt sụt giảm trong ngày 1-8, bất chấp những ngôn từ tích cực trong tuyên bố của FED. Như nhận định của ông Jim O’Sullivan - Chuyên gia kinh tế trưởng của Mỹ tại High Frequency Economics: “Một cuộc chiến thương mại leo thang trong giai đoạn sắp tới sẽ tiếp tục là một rủi ro lớn nhất khiến kinh tế Mỹ đi xuống”.

Tin cùng chuyên mục