Đòn bẩy từ kích cầu tiêu dùng nội địa

Những chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa trong suốt thời gian gần đây như kết nối cung cầu, tăng khuyến mãi giảm giá… đang tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng người tiêu dùng và thúc đẩy doanh số bán ra cho các DN, nhà bán lẻ. 
Nhiều hội chợ hàng Việt được các địa phương tổ chức thu hút khách hàng
Nhiều hội chợ hàng Việt được các địa phương tổ chức thu hút khách hàng

Tăng tốc quảng bá kích cầu nội địa

Sau gần nửa năm im ắng do phải hoãn/hủy các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, từ đầu tháng 6 vừa qua, nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương đã được các địa phương dồn dập tổ chức. Những hoạt động này vừa nhằm mục đích hỗ trợ DN tìm đầu ra cho sản phẩm, thúc đẩy kinh doanh, ổn định sản xuất, vừa giúp người tiêu dùng được tiếp cận sản phẩm hàng Việt giá tốt, đảm bảo chất lượng.

Cụ thể với Hậu Giang, gần đây, tỉnh này đã tham gia nhiều chương trình kết nối cung cầu tại TPHCM và một số tỉnh miền Trung. Ông Nguyễn Văn Thậm, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, cho biết, sau mỗi đợt tham gia, các DN, hợp tác xã (HTX) trong tỉnh đều gặt hái những kết quả rất khích lệ. Đơn cử, hồi đầu tháng 7 vừa qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã tổ chức “Hội nghị kết nối cung cầu khu vực miền Trung năm 2020” bằng Chương trình kết nối cung cầu hàng hóa Hậu Giang với các tỉnh khu vực miền Trung. Cũng tại chương trình kết nối này, cá thát lát Kỳ Như và khóm Cầu Đúc là 2 sản phẩm được nhiều DN và nhà phân phối các tỉnh đặt biệt quan tâm tìm hiểu, ký kết tại hội nghị. 

Trong khi đó, ở TPHCM, rất nhiều hội chợ bán hàng từ tiêu dùng, cho tới hàng nông sản đã được diễn ra thường xuyên. Nổi bật nhất là Chương trình kích cầu tiêu dùng 2020 tại Khu nông sản - Đặc sản Việt ở Khu vui chơi - Mua sắm - Nông sản - Đặc sản Việt Terazone (quận Thủ Đức) đã được tổ chức thành công với sự tham gia của hơn 400 DN đến từ 29 tỉnh thành trong cả nước, thu hút 59.600 lượt khách tham quan và mua sắm.
Tại Đồng Nai, tỉnh này đã lên kế hoạch sẽ tổ chức các hội chợ lớn như: Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tỉnh Đồng Nai, Hội chợ mua sắm cuối năm, cũng như các hoạt động giao thương hàng hóa với TPHCM, Kiên Giang, Quảng Ninh, để tạo thêm cơ hội cho các HTX, DN trong tỉnh mở rộng các kênh quảng bá, tiếp thị, tìm kiếm đối tác, khách hàng. 

Sức hút từ các hoạt động khuyến mãi 

Cùng với nhiều địa phương, các tỉnh như Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng đã ban hành các nội dung để DN, HTX tiến hành những hoạt động kết nối tạo đầu ra cho hàng hóa; đồng thời khuyến khích DN thực hiện bán hàng giảm giá, khuyến mãi cho người tiêu dùng. Ở mỗi địa phương, chương trình đưa ra đều nhận được sự ủng hộ tích cực của DN và người tiêu dùng. Đáng mừng hơn, DN đều ghi nhận doanh số bán ra thông qua những hoạt động này tăng mạnh. Đơn cử sản phẩm ống hút làm bằng cỏ bàng của Cơ sở sản xuất Miền Tây Xanh (huyện Cần Đước, Long An), gần đây đã tham gia một chương trình Kích cầu tiêu dùng lớn ở TPHCM. Theo cơ sở này, trong thời gian diễn ra chương trình trên, các sản phẩm ống hút bằng cỏ bàng của Miền Tây Xanh đã thu hút sự quan tâm, mua sắm của người tiêu dùng, giúp cơ sở vừa quảng bá thương hiệu, vừa bán hàng thuận lợi. Riêng ở các hệ thống siêu thị cũng ghi nhận lượng khách đến cùng doanh số bán ra sau mỗi đợt thực hiện kích cầu thông qua khuyến mãi tăng mạnh tới trên 30%. 

Từ các tín hiệu này, chuyên gia nghiên cứu thị trường của Nielsen khuyến nghị rằng, khách hàng tại Việt Nam rất nhạy cảm về giá. Theo nghiên cứu của Nielsen, 80% người tiêu dùng được hỏi cho biết, họ có nhận thức rõ ràng khi giá cả thay đổi. Ngoài ra, Việt Nam cũng là một thị trường bị ảnh hưởng rất nhiều bởi khuyến mãi, khi có tới 56% doanh thu của DN được tạo ra từ chương trình khuyến mãi. Chính vì thế, với tình trạng nhiều người bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19 hiện nay, có chiến lược đúng đắn về giá cả và khuyến mãi là vô cùng cấp thiết, giúp tạo đòn bẩy cho DN tăng doanh thu, bán hàng hiệu quả hơn.

Bộ Công thương vừa phát động Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam trên quy mô toàn quốc với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Để hưởng ứng chương trình, góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông điệp “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và hỗ trợ kích cầu tiêu dùng nội địa, Bộ Công thương đề nghị các địa phương triển khai tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, giới thiệu hàng Việt Nam; tuyên truyền, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu/giới thiệu hàng hóa của các DN sản xuất hàng Việt Nam đến người tiêu dùng trên địa bàn trong tháng 7-2020. Cùng với đó, vận động các DN kinh doanh, sản xuất, phân phối tại địa phương thực hiện các hoạt động kích cầu mang tên “Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam” thông qua các chương trình ưu đãi, khuyến mãi, giảm giá; ưu tiên kinh doanh, trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm Việt Nam tại các địa điểm thuận tiện, hấp dẫn người tiêu dùng. 

Tin cùng chuyên mục