Đối thoại an ninh khu vực Delhi: Tái cấu trúc an ninh khu vực

Hôm nay 10-11, Ấn Độ tổ chức Đối thoại An ninh khu vực Delhi về Afghanistan ở cấp Cố vấn An ninh quốc gia/Thư ký Hội đồng An ninh với sự tham gia mở rộng của Iran, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan nhằm thảo luận các biện pháp tái cấu trúc an ninh khu vực.
Một phụ nữ Afghanistan khóc sau vụ tấn công bệnh viện quân y ở Kabul ngày 2-11 Ảnh: REUTERS
Một phụ nữ Afghanistan khóc sau vụ tấn công bệnh viện quân y ở Kabul ngày 2-11 Ảnh: REUTERS

Vấn đề cấp bách

Đối thoại lần này dự kiến xem xét tình hình an ninh trong khu vực phát sinh từ những diễn biến gần đây ở Afghanistan, cũng như cân nhắc các biện pháp để giải quyết các thách thức an ninh liên quan và hỗ trợ người dân nước này trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định. Theo Times of India, ngay cả khi không có tuyên bố chung hoặc thông cáo chung, dự kiến vào cuối cuộc họp, các nước cũng sẽ thảo luận về các biện pháp giải quyết nạn buôn lậu ma túy, hoạt động của các nhóm khủng bố, sự lây lan của chủ nghĩa cực đoan. Bên cạnh mối đe dọa ngày càng tăng từ các nhóm khủng bố, một số nước láng giềng của Afghanistan ở Trung Á và Nga còn lo lắng về bất ổn chính trị và thảm họa kinh tế bên trong đất nước do Taliban kiểm soát, mối nguy nội chiến cũng như tác động của nó trong khu vực.

Đối thoại này là kết quả của quá trình tham vấn giữa Ấn Độ và Nga về vấn đề Afghanistan và cả hai nước đều nhất trí rằng New Delhi nên đi đầu trong việc tổ chức một cuộc họp về Afghanistan. Ấn Độ cho rằng, lãnh thổ Afghanistan đang đối mặt các nguy cơ ISIS-K - lực lượng chân rết của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Afghanistan - hoạt động xuyên biên giới. Trong khi đó, Tajikistan kiên định trong yêu cầu về một chế độ toàn diện ở Kabul; Iran thì đề xuất các cuộc thăm dò để xác định chính phủ tiếp theo ở Afghanistan. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố: “Tôi có thể khẳng định rằng các mối đe dọa khủng bố và ma túy đến từ lãnh thổ Afghanistan, cũng như tình hình chung tại nhiều khu vực ở quốc gia này, vẫn là một vấn đề cấp bách. Tôi có thể nói, tình hình vẫn không thay đổi sau khi Taliban lên nắm quyền”. Bà nói thêm rằng, các cuộc tấn công khủng bố do ISIS-K thực hiện ở các thành phố Afghanistan trong thời gian gần đây là bằng chứng rõ ràng.

Chưa yên tiếng súng

Taliban trở lại nắm quyền tại Afghanistan vào tháng 8 năm nay sau khi Mỹ rút quân khỏi nước này. Hiện chính phủ Taliban chưa được quốc gia nào công nhận là chính phủ hợp pháp ở Afghanistan. Trong khi đó, nền kinh tế Afghanistan đang lâm vào tình trạng khó khăn do bị cắt viện trợ quốc tế, tỷ lệ thất nghiệp và giá lương thực tăng mạnh. Các vụ tấn công đẫm máu do ISIS-K liên tiếp xảy ra những ngày gần đây đe dọa ổn định và an ninh của nước này.

Đại diện đặc biệt của Mỹ về Afghanistan, ông Tom West cho biết, Mỹ lo ngại nguy cơ gia tăng các cuộc tấn công của ISIS-K, đồng thời mong muốn Taliban sẽ đánh bại được lực lượng này. Ngoài ra, Mỹ đã sẵn sàng xúc tiến vòng đàm phán tiếp theo với Taliban. Theo ông Tom West, ở thời điểm hiện tại, Mỹ chưa xem xét mở lại Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Kabul. Hồi giữa tháng 10, Mỹ và lực lượng Taliban đã tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp trong nỗ lực ngoại giao để tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế. Washington đánh giá, cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với Taliban tại Doha (Qatar) đã diễn ra một cách “chuyên nghiệp và thẳng thắn”.

Cuộc gặp tập trung vào các mối quan ngại an ninh và khủng bố, hành lang an toàn cho công dân Mỹ, công dân các nước khác và người dân Afghanistan, cũng như vấn đề nhân quyền, đặc biệt là sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái vào mọi mặt của xã hội Afghanistan… 

Theo số liệu của Chương trình Lương thực thế giới, 22,8 triệu người - phân nửa dân số Afghanistan - sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Trong khi đó, hơn 2.000 cơ sở y tế ở Afghanistan phải đóng cửa, các bệnh viện ở thủ đô Kabul vẫn hoạt động nhưng thiếu điện, nước trầm trọng.

Tin cùng chuyên mục