Đổi thay ở Phước Long

Phước Long là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng vào ngày 6-1-1975. 45 năm qua, cuộc sống người dân đã thay đổi, đi lên rất nhiều, nhưng đi kèm với đó là những trăn trở làm thế nào để mảnh đất anh hùng này phát triển nhanh, bền vững trong tương lai gần.

Ký ức chiến tranh

Ông Đoàn Ngọc Châu (72 tuổi, quê Quảng Ngãi) là cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch giải phóng Phước Long. Ngày 10-12-1974, Đại đội đặc công C15 (K11 tỉnh Bình Phước) của ông làm lễ xuất quân Chiến dịch đường 14 - Phước Long, tham gia 5 trận đánh. Đến ngày 18-12-1974, ông bị thương trong trận đánh ở ngã 3 Hiếu Phong và phải nằm điều trị ở trạm xá một thời gian. Chiều ngày 5-1-1975, ông cùng đơn vị ém quân bên ngoài để sáng hôm sau theo chân bộ đội chủ lực vào tiếp quản thị xã Phước Long.

Kỷ niệm đáng nhớ của người lính đặc công năm xưa, chính là được gặp phi công Nguyễn Thành Trung. Ngày 15-3-1975, đơn vị ông nhận nhiệm vụ bảo vệ sân bay Phước Bình, để đón máy bay của ta đáp xuống. Đến ngày 8-4-1975, một chiếc máy bay F5E đáp xuống phi trường nhưng viên phi công rất cẩn thận tìm chỗ ẩn nấp, đến khi biết là bộ đội giải phóng mới ra trình diện và viên phi công nhanh chóng được đón lên xe Jeep chở về Bộ Chỉ huy Miền ở khu căn cứ Tà Thiết (huyện Lộc Ninh), mà sau này ông mới biết đó là Nguyễn Thành Trung, người vừa ném bom Dinh Độc Lập.  

Đổi thay ở Phước Long ảnh 1 Thị xã Phước Long - một địa chỉ du lịch hấp dẫn

Hỏi ông về sự khốc liệt của trận đánh giải phóng Phước Long, ông nói: “Rất ác liệt, bộ đội hy sinh nhiều vì địch phản kích và bên mình cũng bị cháy một số xe tăng, chứ không phải chỉ có địch bị tổn thất”. Đơn vị ông lúc xuất quân vào chiến dịch 28 người, nhưng đến ngày 6-1 chỉ còn 15 người, trong đó 2 người đã hy sinh và còn lại bị thương. Ông vẫn còn nhớ như in cảnh tan hoang của thị xã Phước Long khi được giải phóng, do bom đạn của cả hai bên cày xới, tàn phá và vũ khí, quân tư trang của quân đội Sài Gòn rải rác khắp nơi…

Ký ức chiến tranh vẫn còn đọng lại ở nghĩa trang liệt sĩ thị xã. Khu mộ phía bên trái được xây cất đẹp, ngay ngắn, mỗi mộ có lư hương, bình hoa, được ốp đá hoa cương hẳn hoi. Chúng tôi nhẩm đếm  có 13 hàng mộ, mỗi hàng hơn 20 mộ thì đã có đến khoảng 40 ngôi mộ liệt sĩ hy sinh từ giữa tháng 12-1974, khi bắt đầu chiến dịch đường 14 - Phước Long đến ngày giải phóng thị xã và tập trung ở hai hàng cuối từ dưới lên. Đa số liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch đường 14 - Phước Long quê ở Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Nghệ Tĩnh. Nhiều người hy sinh khi đang ở tuổi đôi mươi và không ít người đã hy sinh trên đường tiến công, trước khi bộ đội ta cắm lá cờ chiến thắng trên nóc dinh Tỉnh trưởng Phước Long vào lúc 9 giờ ngày 6-1-1975. Khu mộ phía bên phải thì rộng hơn, với số lượng mộ nhiều hơn và cũng được xây cất khang trang…  

Đi lên từ cây điều

Để thực tế về đánh giá của các cựu chiến binh là “Phước Long so với ngày mới giải phóng đã thay đổi hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn lần”, chúng tôi về thăm thôn 7 (xã Long Giang), nơi có đông đồng bào dân tộc S’Tiêng sinh sống. Anh Điểu Khuy (Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn) cho biết, thôn có 125 hộ thì có đến 85 hộ đồng bào dân tộc, trước đây bà con sống du canh du cư nhưng từ năm 1985 bắt đầu lập vườn rẫy, được nhà nước cấp hạt gống trồng điều, sau đó là trồng cà phê xen điều. Từ năm 2006, bắt đầu nuôi bò thịt nên không còn cái đói; từ cuối năm 2019 đã xóa hộ nghèo và chỉ còn 5 hộ cận nghèo. Thôn phấn đấu đến cuối năm 2020 này sẽ xóa hết theo chương trình xóa 1.000 hộ nghèo của tỉnh. 

Cả thôn có 92ha điều, gồm 71ha điều chuyên canh, 21ha cà phê xen điều và đàn bò phát triển nhanh với 160 con. Điểu Khuy tâm sự chân chất: “Thôn phát triển hơi chậm, không bằng người Kinh, nhưng cuộc sống từng bước khởi sắc nhờ bà con biết học hỏi cách làm ăn”.

Là một trong những vùng chuyên canh điều lớn của tỉnh, nhiều năm nay, Phước Long đã định hình được hướng đi của ngành chế biến điều. Các nhà máy chế biến lớn nhất tỉnh Bình Phước đều tập trung ở đây; trong đó có nhà máy chế biến điều của Công ty TNHH Lan Cường. Khuôn viên nhà máy có diện tích khoảng 3ha. Điều thô từ khi nhập về được đưa vào máy chế biến, từ sàng, hấp, chẻ tách vỏ, bóc vỏ lụa, phân cỡ hạt… cho đến khi ra thành phẩm, đóng gói (khoảng 20 công đoạn) đều bằng dây chuyền khá hiện đại. 

Chúng tôi được lãnh đạo thị xã Phước Long giới thiệu với Công ty TNHH Vinahe, chủ nhân là anh Nguyễn Hoàng Đạt (31 tuổi), đang là Chủ nhiệm CLB Sáng tạo khởi nghiệp của thị xã và Lan Cường chính là công ty của ba mẹ anh. Nhận thấy chỉ xuất khẩu nhân điều giá trị kinh tế chưa cao nên từ giữa năm 2018, anh xin ba mẹ mở công ty riêng, lấy tên Vinahe (ghép của các chữ tiếng Anh: Việt Nam health) với mong muốn là sản phẩm điều của công ty luôn mang lại sức khỏe cho khách hàng. Công ty đầu tư hơn 7 tỷ đồng mua sắm máy móc, thiết bị, trong đó có áp dụng công nghệ lạnh xông trùng xử lý hạt theo tiêu chuẩn châu Âu. Bước đầu công ty cho ra lò 6 sản phẩm, gồm điều rang muối (chưa bóc vỏ lụa), điều chanh muối, điều xả ớt, bánh Cashewpie, điều phô mai,… được cung cấp cho các siêu thị lớn như Aeon, Vissan, Coopmart...

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, anh Đạt không dùng điều nhập khẩu từ châu Phi làm nguyên liệu chế biến, mà sử dụng điều của Bình Phước có chất lượng hơn hẳn về độ giòn, béo, bóng, thơm và tỷ lệ hạt loại 1 đều hơn. Việc này, giúp vừa chủ động được nguồn nguyên liệu vừa kiểm soát được chất lượng như đã cam kết với khách hàng. Hiện công ty là một trong 7 đơn vị của tỉnh được sử dụng chỉ dẫn địa lý “hạt điều Bình Phước”.      

Giám đốc 8X tâm sự: “Công ty em đang phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại TPHCM để tìm thị trường xuất khẩu. Vừa rồi, nếu không có dịch Covid-19 thì đã xuất qua Đài Loan, Nhật Bản và Úc. Thời gian tới, Mỹ sẽ là thị trường chính mà công ty em nhắm tới”.  

Mơ về du lịch

Chị Ngô Thị Minh Đông (Trưởng phòng VH-TT-DL thị xã Phước Long) ví von: “Du lịch của thị xã như nàng công chúa ngủ trong rừng đang chờ chàng hoàng tử đánh thức”. Và được du khách trong, ngoài tỉnh biết đến nhiều nhất chính là lễ hội văn hóa - thể thao núi Bà Rá, một sự kiện thể thao gắn với giải Việt dã toàn quốc leo núi Bà Rá diễn ra từ ngày 1 đến 6-1 hàng năm.

Từ năm 2006, sự kiện này đã được Phước Long tổ chức hàng năm. Kèm với đó là nhiều hoạt động thể thao - văn hóa hấp dẫn khác, như đua xe đạp, tennis, bóng chuyền, bóng đá, đêm nhạc đờn ca tài tử Nam bộ, biểu diễn cồng chiêng… Ngoài ra, còn có lễ hội Miếu Bà Rá, và lòng hồ thủy điện Thác Mơ luôn là điểm tham quan không thể thiếu của du khách khi đến nơi này. 

Rời Phước Long, chúng tôi kỳ vọng vào một ngày không xa, nơi đây sẽ là một điểm đến trên hành trình du lịch về miền đất cuối dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND thị xã Phước Long Phạm Thụy Luân, thuộc thế hệ được sinh ra sau ngày 30-4-1975, chia sẻ về nhiệm vụ phát triển ổn định ngành công nghiệp chế biến điều và phát triển du lịch - thương mại - dịch vụ sao cho tương xứng với tiềm năng. Anh cũng cho biết, lãnh đạo tỉnh thống nhất giao Đảng bộ thị xã xây dựng các nghị quyết chuyên đề, tập trung sức lãnh đạo ngay trong nhiệm kỳ 2020-2025, để phát triển Phước Long mạnh về mọi mặt.

Tin cùng chuyên mục