Đổi thay đảo Ngọc Vừng

Trên hòn đảo mang tên Ngọc Vừng nằm giữa vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, có một cây đa lớn, do chính Bác Hồ trồng để kỷ niệm lần ra thăm đảo từ cách đây 60 năm. Mỗi năm, đến dịp sinh nhật Bác hoặc Quốc khánh 2-9, người dân trên đảo lại bồi hồi nhớ Bác.
Khuôn viên khu lưu niệm Bác Hồ và cây đa Bác Hồ ở đảo Ngọc Vừng. Ảnh: PHẠM THƠ
Khuôn viên khu lưu niệm Bác Hồ và cây đa Bác Hồ ở đảo Ngọc Vừng. Ảnh: PHẠM THƠ

Khu lưu niệm Bác trên đảo ngọc

Từ Hà Nội, sau hơn 2 giờ ngồi xe ô tô, chúng tôi đến cảng Vũng Đục ở TP Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh). Có nhiều bến tàu để đi ra đảo Ngọc Vừng, như cảng Hòn Gai (TP Hạ Long), cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn), song đây là bến tàu thuận tiện nhất. Sau hơn 1 giờ lênh đênh trên biển bằng tàu, chúng tôi cập vào bến tàu Ngọc Vừng ở phía Bắc đảo. Từ bến tàu, tiếp tục lên xe đi theo con đường chạy men bờ biển hoang sơ, một bên là núi non xanh, một bên là sóng nước mênh mang, chúng tôi di chuyển về trung tâm xã đảo Ngọc Vừng nằm ở phía Nam.

Từ xa, chúng tôi đã nhìn thấy bóng cây đa sừng sững, tỏa bóng sum suê, che mát cả khoảng sân rộng trong khu lưu niệm Bác Hồ ở thôn Bình Hải. Cây đa Bác trồng năm xưa nằm bên trái khu lưu niệm, đến nay vừa tròn 60 năm tuổi. Gốc cây xù xì, chia thành 6-7 nhánh lớn, tỏa ra xung quanh như một chiếc ô khổng lồ.

Theo tài liệu lưu tại khu lưu niệm xã Ngọc Vừng, ngày 12-11-1962, Bác Hồ cùng một số đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng đã đi máy bay từ Hà Nội ra đảo Ngọc Vừng. Trước đó 1 ngày, dù không được biết chính xác vị khách thăm đảo là ai, song mọi người dân đều nghĩ là Bác Hồ... Việc chuẩn bị đón khách diễn ra với không khí khẩn trương và tâm trạng hồi hộp, chờ đợi. Đến chiều, khi chiếc máy bay lượn trên bầu trời rồi từ từ hạ cánh, từ cửa máy bay, Bác tươi cười bước ra, giơ tay vẫy chào quân dân trên đảo. Bác thăm nhà ăn, nhà bếp, thăm các chiến sĩ đang nấu cơm chiều của ban chỉ huy bộ đội đảo Ngọc Vừng, rồi trở ra trước cửa doanh trại. Bác đã căn dặn người dân trên đảo: “Phải làm giỏi về kinh tế, tích cực cấy lúa, trồng màu, đánh cá và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, dạy học cho các cháu, nâng cao đời sống cho mọi người trên đảo. Bộ đội và nhân dân phải đoàn kết. Bộ đội phải giúp dân sản xuất và xây dựng. Nhân dân phải giúp bộ đội chiến đấu và phục vụ chiến đấu”.

Để lưu dấu chuyến thăm quân và dân ở đảo Ngọc Vừng, Bác đã trồng 1 cây đa lưu niệm. Trải qua bao năm tháng, cây đa cứ vươn mình mạnh mẽ, trở thành một di tích lịch sử trên xã đảo, như một chứng nhân chứng kiến những đổi thay của mảnh đất này. Theo anh Phạm Văn Khánh, một người dân của đảo Ngọc Vừng, từ khi anh còn nhỏ tuổi, đã thấy cây đa Bác Hồ trồng xanh tốt, vươn lên tỏa bóng mát, bình yên giữa nhiều đợt thiên tai, dông bão. Để ghi nhớ công ơn của Bác, bên gốc đa già, quân và dân xã đảo đã xây dựng một khu tưởng niệm và bia kỷ niệm…

Tiềm năng du lịch đang chờ đánh thức

Trước đây, Ngọc Vừng là một đảo nghèo và rất hoang sơ, nằm trong hệ thống hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ thuộc vịnh Bái Tử Long ở tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, đời sống của người dân xã đảo Ngọc Vừng đã đổi thay đáng kể, cơ sở hạ tầng trên đảo cũng được đầu tư từng bước khang trang hơn trước, mang lại một diện mạo nông thôn mới cho đảo ngọc. Anh Phạm Văn Khánh cho biết, người dân trên đảo hiện nay không chỉ sống bằng nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt hải sản mà còn kết hợp làm du lịch. Vào mùa đi biển thì gia đình anh cùng bà con đi biển. Đến mùa du lịch, gia đình lại làm du lịch. Anh mở dịch vụ nhận chở khách đi tham quan quanh đảo. Các gia đình khác đầu tư nhà nghỉ, khách sạn, homestay để có nơi nghỉ qua đêm cho khách. Khi khách du lịch vãn dần, gia đình anh lại chăm sóc, thu hoạch thủy sản nuôi trồng... Còn theo ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Vừng, cùng với trồng lúa, hiện nay trên đảo còn khoảng 60 hộ làm nghề đi bắt moi biển làm mắm chắt (một loại đặc sản được khách du lịch rất thích) với sản lượng khoảng 30-50 tấn/vụ. Hiện xã đã thành lập hợp tác xã chế biến mắm chắt đặc sản, tập hợp 60 gia đình cùng đầu tư máy móc, nghiên cứu thiết kế bao bì, nhãn mác hợp quy chuẩn để xây dựng thương hiệu mắm chắt đảo Ngọc Vừng và đang nâng cấp đặc sản này thành sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh.

Theo Chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng Hoàng Văn Quảng, những năm gần đây, đã bắt đầu có các đoàn khách du lịch ra thăm đảo, trung bình khoảng 8.000-10.000 khách/năm, và xu hướng du khách đến ngày càng nhiều hơn sau khi nhiều người biết tới vẻ đẹp trời ban cho đảo ngọc. Trong đó, các di tích, danh thắng trên đảo là những điểm đến không thể thiếu trong hành trình tham quan, như: khu lưu niệm Bác Hồ, cây đa Bác Hồ, di tích thành nhà Mạc, cột cờ quốc gia; các đảo vệ tinh rất nguyên sơ, giàu sinh thái như Phượng Hoàng, Đất Nứt, Hạ Mai, Vạn Cảnh…; các dấu tích thương cảng cổ Vân Đồn ở Cống Hẹp, cảng cá cổ ở thôn Ngọc Nam, cảng cá cổ Cống Yên… Người dân ở đây tin rằng, với bề dày lịch sử và tiềm năng mà thiên nhiên đã ưu ái, nếu tiếp tục được quan tâm đầu tư, trong những năm tới, Ngọc Vừng chắc chắn sẽ là một hòn ngọc sáng ở vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, đúng như ý nghĩa tên gọi của hòn đảo xinh đẹp này.

Tin cùng chuyên mục