Đối tác chiến lược quan trọng ở châu Á

Ngày 10-9, tại Ấn Độ, buổi lễ chính thức trao 5 máy bay chiến đấu Rafale đầu tiên của Pháp cho Không quân Ấn Độ (IAF) diễn ra có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly và lãnh đạo các tập đoàn quốc phòng hàng đầu của Pháp như Dassault Aviation, Thales Group, Safran và MBDA.
Máy bay chiến đấu Rafale. Ảnh: AFP/TTXVN
Máy bay chiến đấu Rafale. Ảnh: AFP/TTXVN

 Đây cũng là một trong những chuyến công du chính thức đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19. Truyền thông Pháp nhấn mạnh, chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Florence Parly nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác quốc phòng “hướng về phía trước” với New Delhi.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly sẽ hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ Rajnath Singh và Cố vấn An ninh quốc gia Ajit Doval. Các cuộc hội đàm sẽ đề cập đến hàng loạt vấn đề, trong đó có quan hệ đối tác công nghiệp và công nghệ phù hợp với chương trình “Sản xuất bởi Ấn Độ” (Make in India), hoạt động hợp tác quốc phòng, đặc biệt là an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các phương thức tiếp tục các cuộc tập trận chung trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hợp tác chống khủng bố cũng như các vấn đề chiến lược lớn của khu vực và quốc tế.

Ngay trước chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng, Chính phủ Pháp đã ra tuyên bố khẳng định, Ấn Độ là đối tác chiến lược “quan trọng nhất” của nước này ở châu Á, do đó các lĩnh vực quốc phòng - an ninh, hợp tác hạt nhân dân sự và thương mại - đầu tư là những trụ cột chính của quan hệ đối tác chiến lược Ấn - Pháp. Ngoài ra, hai nước đang hợp tác ngày càng nhiều trong các lĩnh vực mới ở khu vực Ấn Độ Dương, biến đổi khí hậu, tăng trưởng và phát triển bền vững.

Trước sự kiện này vài ngày, Chính phủ Đức cũng vừa thông qua chiến lược có tên gọi “Định hướng đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, nhằm thúc đẩy can dự mạnh mẽ hơn nữa của Berlin với vai trò là một bên tạo lập và là đối tác của khu vực vốn ngày càng có ý nghĩa quan trọng trên thế giới, trong đó đẩy mạnh quan hệ với các nước ASEAN, Ấn Độ và Australia. Chính phủ Đức cũng muốn lấy định hướng của mình làm cơ sở nền tảng cho chiến lược chung của Liên minh châu Âu (EU) đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thời gian tới, Đức sẽ hợp tác với các đối tác EU, đặc biệt là Pháp, để xây dựng chiến lược chung của khối.

Giữa những căng thẳng địa chính trị và đại dịch Covid-19 trên thế giới, đối với châu Âu, Ấn Độ đã và đang trở thành một đối tác có ảnh hưởng lớn ở châu Á mà lục địa già đang nhắm tới để can dự sâu vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hồi giữa tháng 7, Ấn Độ và EU đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến nhằm tăng cường quan hệ và vạch lộ trình đối tác chiến lược. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã tán thành “Đối tác chiến lược Ấn Độ - EU: Lộ trình đến năm 2025” để hướng dẫn hành động chung và tăng cường hơn nữa Quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - EU trong 5 năm tới.

Tin cùng chuyên mục