Đối phó giá vật tư tăng “phi mã”: Mạnh dạn chuyển đổi tập quán canh tác

Dù năng suất tăng và giá lúa cũng ở mức cao nhưng lợi nhuận của nông dân ĐBSCL lại giảm. Nguyên nhân chính là do giá vật tư nông nghiệp thời gian qua tăng “phi mã”. 
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh của HTX Long Hiệp (Trà Vinh). Ảnh: TÍN DI
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh của HTX Long Hiệp (Trà Vinh). Ảnh: TÍN DI

Giảm chi phí sản xuất

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có công văn “khẩn” gửi Sở NN-PTNT về việc sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp địa phương nhanh chóng chủ trì tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm; tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ nhằm giảm dần hoặc thay thế phân bón vô cơ; áp dụng và nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật, các mô hình sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả… Đây được xem là giải pháp kịp thời, tích cực của nhiều địa phương tại vựa lúa ĐBSCL trong tình trạng giá phân bón tăng lần thứ 3 liên tiếp trong hơn 1 năm qua. 

Trong tháng 3-2022, giá phân bón tại ĐBSCL đã tăng thêm 5-8% so với tháng 2. Giám đốc một công ty phân bón ở ĐBSCL cho hay: “Giá phân bón tăng khiến việc kinh doanh của công ty sụt giảm đến 40% và nông dân là người chịu thiệt khi chi phí sản xuất tăng vọt”.

PGS-TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhìn nhận, vấn đề bây giờ là nông dân phải thay đổi nhận thức từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Do đó, phải tổ chức sản xuất lại như thế nào để có lợi nhuận tối ưu. Năng suất có thể giảm nhưng lợi nhuận không giảm là tốt. Điều này đòi hỏi nông dân phải học tập không ngừng để thay đổi và từ bỏ thói quen cánh tác cũ, cải tiến dần theo hướng tích cực, lợi nhuận gia tăng và tham gia bảo vệ  môi trường.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), lâu nay nông dân vẫn còn lạm dụng quá nhiều phân bón và phần lớn diện tích lúa vẫn đang sử dụng lượng giống nhiều, từ trên 100kg/ha trở lên. Giảm chi phí sản xuất lúa ở khâu sử dụng phân bón và lượng giống gieo sạ là yếu tố quan trọng nhằm giảm giá thành sản xuất hiện nay.

Giúp nông dân xoay chuyển tình thế

Theo ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, tỉnh đã yêu cầu cán bộ ngành nông nghiệp tập trung giúp nông dân giảm giá thành sản xuất. Hiện tại, giá phân bón hóa học tăng cao là cơ hội để ngành nông nghiệp giúp nông dân tiếp cận các quy trình sản xuất phân hữu cơ, vi sinh… với giá thành thấp và thân thiện môi trường. 

Mới đây, HTX Tân Long (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) đã mở rộng mô hình trồng lúa sạch sang huyện Phụng Hiệp. Những năm qua, HTX Tân Long sản xuất gạo chất lượng cao với thương hiệu “Gạo sạch Vị Thủy” đã áp dụng quy trình sản xuất bón phân thân thiện với môi trường. Theo đó, gần 100 xã viên nơi đây sản xuất gần 200 ha lúa theo quy trình sản xuất sạch, bón phân theo tỷ lệ “70% phân hữu cơ và 30% vô cơ”. Nhiều nông dân ở Hậu Giang cũng đã liên kết với HTX sản xuất trên 1.000ha lúa theo quy trình sản xuất giảm phân bón vô cơ, tăng hữu cơ thân thiện với môi trường.

Tại Trà Vinh, HTX Long Hiệp (huyện Trà Cú) đã mạnh dạn chuyển đổi sang hướng sản xuất lúa hữu cơ theo quy trình. HTX áp dụng bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường và cộng thêm 500 đồng/kg cho nông dân làm lúa hữu cơ. Từ 61 thành viên, diện tích canh tác khoảng 50ha, đến nay HTX đã mở rộng lên đến 120ha với 72 thành viên. Ông Trầm Minh Thuần, Giám đốc HTX Long Hiệp, cho biết, sắp tới HTX tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ, phát triển chuỗi cung ứng gạo sạch.  

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, cho biết, mô hình HTX Long Hiệp hoạt động hiệu quả cao nhất trong các HTX của tỉnh nên được các bộ ngành ủng hộ. Từ hiệu quả của HTX Long Hiệp qua các mô hình cánh đồng lớn, trồng lúa hữu cơ… tỉnh Trà Vinh đang tiếp tục nhân rộng trên địa bàn.

PGS-TS Dương Văn Chín cho rằng, vai trò hiện nay của HTX là rất quan trọng để giúp nông dân nhanh chóng thay đổi tập quán canh tác và áp dụng các kỹ thuật tiên tiến. Khi có càng nhiều HTX thì mới có thể nói đến sản xuất trên diện tích lớn. Ngành nông nghiệp và doanh nghiệp cần xây dựng quy trình kỹ thuật chuẩn, để chuyển giao cho các HTX tổ chức thực hiện, từ đó giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, tạo ra nông sản chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tin cùng chuyên mục