Đồi núi trước cơn sốt đất

Nhu cầu cải tạo mặt bằng để sản xuất nông nghiệp tăng cao, cùng với đó là sự phát triển mạnh của các mô hình trang trại du lịch, khu dân cư tự phát, phân lô tách thửa, khiến cho nhiều khu vực tại Lâm Đồng bị cày xới. Nhiều trường hợp còn lợi dụng san lấp, cải tạo mặt bằng để khai thác đất trái phép.
Cả ngọn đồi tại xã Mê Linh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) bị san ủi, khai thác đất
Cả ngọn đồi tại xã Mê Linh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) bị san ủi, khai thác đất

Từ san ủi...

Lâm Đồng là tỉnh có địa hình đồi dốc nên khi xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp phải san gạt để tạo mặt bằng. Đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân, từ năm 2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quy định tạm thời về san gạt, cải tạo mặt bằng để sản xuất nông nghiệp, xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có nhiều bất cập, nên sau đó, tỉnh Lâm Đồng dừng việc thực hiện quy định này.

Mặc dù vậy, rong ruổi khắp các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng những ngọn đồi, khu vườn xanh mướt đang bị cày xới, san gạt. Chạy dọc theo tỉnh lộ 725 từ Đà Lạt xuống Lâm Hà, dọc hai bên đường trước đây vốn là vùng trồng dâu tằm, cà phê xanh mát… nhưng giờ đang bị xới tung trước “cơn sốt” bất động sản những năm gần đây. Con đường liên thôn tại xã Mê Linh (huyện Lâm Hà), cả chục xe tải tấp nập qua lại chở đầy đất đỏ bazan. Đoạn đường bê tông từ tỉnh lộ 725 chạy vào thôn 3 khoảng 2km nhưng có tới 5-6 điểm đang san ủi đất vườn. Người người, nhà nhà tranh thủ huy động máy múc đào sâu, giật cấp tạo thế cho khu vườn.

Còn tại TP Đà Lạt, thời gian gần gây, dù lực lượng chức năng tăng cường quản lý hoạt động san gạt đất, cải tạo mặt bằng, nhưng hoạt động này vẫn diễn ra thường xuyên. Vào buổi chiều đầu tháng 6, tại đường Kim Thạch, phường 7, lợi dụng lúc trời bắt đầu mưa nhỏ, một máy múc được ngụy trang, từ bụi cây lăn bánh xích sắt leo lên sườn đồi múc đất, giật thành 4 cấp. Để làm khối lượng công việc trên khu đất khoảng 3.000m2 này phải cần nhiều ngày mới có thể hoàn thành, thế nhưng không bị phát hiện, ngăn chặn. Tình trạng san gạt đất diễn ra ở hầu khắp các địa phương của tỉnh Lâm Đồng, trong đó nhiều dự án phân lô, bán nền đất nông nghiệp sau khi gom đất đã tiến hành san ủi, làm đường, hạ tầng trái phép.

Đến khai thác đất trái phép

Để tạo điều kiện hỗ trợ người dân cải tạo mặt bằng sản xuất nông nghiệp, sau khi dừng việc thực hiện quy định tạm thời về san gạt đất, cải tạo mặt bằng, tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các huyện, thành phố chỉ xem xét xác nhận các bản cam kết giải pháp bảo vệ môi trường, đáp ứng các yêu cầu như: khu vực đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, sau khi san gạt cải tạo mặt bằng phải là đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm hoặc đất nông nghiệp khác. Đồng thời, nếu vận chuyển đất dôi dư ra ngoài khu vực san gạt sử dụng vào mục đích khác, phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo Luật Khoáng sản.

Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp đã tranh thủ vừa san gạt, vừa lấy phần đất dôi dư đưa đi nơi khác san lấp hoặc đem bán. Anh L.T.T. (chủ xe tải ở huyện Lâm Hà) cho biết: “Thông thường các chủ xe tải và máy múc sẽ liên kết, thường chỉ hoạt động theo từng khu vực nhất định để việc vận chuyển đất không phải lưu thông trên các tuyến đường, tránh bị kiểm tra, phát hiện”.

Trở lại tuyến tỉnh lộ 725, anh Hà (ngụ xã Mê Linh, Lâm Hà) chia sẻ: “Năm trước, gia đình tôi mua được hơn 1ha đất đồi dốc, vốn là vườn cà phê, bây giờ có nhu cầu cải tạo làm trang trại nghỉ dưỡng nên đã cho một đơn vị vào múc đất đưa đi nơi khác. Tôi không bán đất nhưng nhà xe lấy đất đi nơi khác thì phải đảm bảo múc, san gạt tạo địa thế tại những vị trí chúng tôi yêu cầu”. Tại khu vực này, ngoài 2 máy múc, có 5-6 xe tải cỡ lớn liên tục ra vào “ăn đất”, đưa đến một khu vực thấp trũng cách hiện trường khoảng 400m.

Bằng những cách thức trên, những quả đồi trồng điều, cà phê, chè, dâu tằm khắp các vùng ở Lâm Đồng bị bạt ngang, trong đó có nhiều quả đồi đã mất hẳn. Tại những điểm san gạt này thường xuyên có người trực để nhận “hợp đồng” chở đất đi tiêu thụ với giá từ 150.000-400.000 đồng/xe từ 8-15m³, tùy vào cự ly vận chuyển.

Theo Sở TNMT tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chỉ có 6 đơn vị được cấp phép khai thác đất san lấp, hoạt động tại 4 xã Phú Hội (huyện Đức Trọng), Gia Hiệp (huyện Di Linh), Ka Đơn (huyện Đơn Dương) và Đạ Kho (huyện Đạ Tẻh) với tổng diện tích được cấp phép gần 10ha. Những khu vực khác nếu tổ chức đào xới, vận chuyển đất ra khỏi khu vực ban đầu đều vi phạm hành vi khai thác đất trái phép.

Sử dụng camera phát hiện san gạt đất

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Nguyễn Văn Sơn cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, các cơ quan chức năng của TP Đà Lạt phát hiện, xử lý 43 trường hợp vi phạm san gạt, cải tạo mặt bằng trái phép; xử phạt 195,54 triệu đồng; tạm giữ 28 phương tiện vi phạm (26 xe múc, 1 xe ủi, 1 xe tải). Trong đó, thông qua hệ thống camera tầm cao của Trung tâm điều hành thành phố thông minh đã phát hiện, xử lý 9 trường hợp vi phạm san gạt đất, cải tạo mặt bằng trái phép.

Tin cùng chuyên mục