Đổi mới tuyển sinh theo hướng nào?

Việc đổi mới thi, tuyển sinh trong hơn thập niên qua luôn là vấn đề nóng được cả nước quan tâm, nhưng đến nay vẫn chưa tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Mới đây, trong hội nghị tuyển sinh, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ lại cho biết kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay sẽ dừng vào năm 2020 và được cải tiến vào năm 2021, đến năm 2024 sẽ tiếp tục thay đổi.  

Dồn 2 mục tiêu trong một kỳ thi rất khó đánh giá

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học (ĐH) Quốc gia TPHCM, cho rằng kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 làm chặt chẽ hơn, nhưng các trường ĐH quá vất vả, phần mềm chấm thi còn yếu, thủ tục nhiêu khê... nên rất khó bền vững.

“Thi cử là vấn đề rất phức tạp nên không thể làm cập rập như  những năm vừa qua. Cần phải nghiên cứu bài bản, có tầm nhìn xa, không nên năm nào cũng thay đổi, từ quy trình đến thủ tục”, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa băn khoăn. Cũng theo ông, về tuyển sinh ĐH, cần sớm xây dựng ngân hàng đề thi quốc gia để các trường ĐH cần thì sử dụng và trả phí, còn thi như hiện nay -  dồn 2 mục tiêu trong một kỳ thi - thì rất khó đánh giá. “Tốt nhất là có ít nhất 2 - 3 trung tâm khảo thí, dùng bộ đề thi đánh giá tốt chuyên cho tuyển sinh ĐH để các trường sử dụng, còn như hiện nay các trường làm đề thi đánh giá năng lực, kiểm tra năng lực, thì khó đảm bảo đúng chất lượng”, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa nhấn mạnh. 

Đổi mới tuyển sinh theo hướng nào? ảnh 1 Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2019
Còn theo Th.S Hứa Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, cải tiến từ “3 chung” (giai đoạn 2002-2014) và thi “2 trong 1” (từ năm 2015 đến nay) luôn vấp phải nhiều vấn đề, bởi cách làm chắp vá, vội vã.

“Về tuyển sinh ĐH, do các trường không đủ lực để có thể làm đề thi cho khách quan nên mới nảy sinh ra các kỳ thi đánh giá năng lực như hiện nay, nhưng chưa thật sự đủ độ tin cậy và khoa học. Vì vậy, phải tập trung làm ngân hàng đề thi. Khi xây dựng được ngân hàng đề thi (tất nhiên phải đầu tư để có chuyên gia, phải có tài chính) thì các trường ĐH tuyển sinh sẽ rất thuận lợi, nhẹ nhàng hơn”, Th.S Hứa Minh Tuấn đề xuất.  

Cần có các trung tâm khảo thí 

Cuối tháng 4-2019, nhóm nghiên cứu của Viện Đo lường đánh giá phát triển giáo dục đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất phương án đánh giá xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới” (do PGS-TS Nguyễn Phương Nga làm chủ nhiệm), qua đó đề xuất 2 phương án đánh giá để công nhận tốt nghiệp THPT cho Việt Nam.

Cải tiến kỳ thi

Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, nhận xét kỳ thi THPT quốc gia sử dụng cho nhiều mục đích là quá khó. Cùng một lúc mà vừa đánh giá tốt nghiệp, vừa tuyển chọn sinh viên cho các trường ĐH là thiếu khoa học. 
Về lâu dài, việc xét hay thi tốt nghiệp THPT nên giao về địa phương chủ trì và tổ chức đánh giá theo chuẩn đầu ra của chương trình. Trung tâm khảo thí cấp quốc gia cần nhanh chóng triển khai để khâu đánh giá trở thành một dịch vụ cho các trường có thể sử dụng. Vấn đề này vừa phù hợp chủ trương về tự chủ trong công tác tuyển sinh của các trường, vừa đảm bảo chất lượng công tác đánh giá.

Phương án thứ nhất, các trường THPT sẽ cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT cho những học sinh đã học xong chương trình và đạt các điều kiện của Bộ GD-ĐT. Học sinh đã có giấy chứng nhận sẽ đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia để được cấp bằng tốt nghiệp THPT của sở GD-ĐT. Kỳ thi THPT được tổ chức 2 - 3 lần/năm, do sở GD-ĐT tổ chức, thí sinh được chọn thời điểm thi.

Phương án thứ 2, các trường THPT tổ chức thi tại chỗ cho những học sinh đã học xong chương trình THPT, theo các đề thi do trung tâm khảo thí chuyên nghiệp của Bộ GD-ĐT thiết kế.

Thời điểm thi do trường bố trí. Học sinh đạt điểm theo quy định được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT và được đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia để được cấp bằng tốt nghiệp THPT.  

Cả 2 phương án trên đều đề cập đến trung tâm khảo thí; thí sinh chỉ phải thi 3 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, nằm trong chương trình lớp 12. Đến giai đoạn 2024-2025 sẽ thi trên giấy tại các trung tâm khảo thí chuyên nghiệp đặt tại các tỉnh thành, đồng thời thí điểm thi trên máy tính đối với những địa phương/khu vực có điều kiện và tự nguyện thí điểm. Giai đoạn 2026 trở đi sẽ thi đại trà trên cả nước theo mô hình mới trên máy tính.  

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, cũng cho rằng để tháo gỡ bài toán thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển vào ĐH, Bộ GD-ĐT phải sớm xây dựng chính sách hình thành các trung tâm khảo thí độc lập.

Trong bối cảnh dân số đông, xu hướng phân cấp cho địa phương và tự chủ giáo dục ĐH, nên giao cho địa phương tổ chức thi theo ngân hàng đề thi chuẩn. Địa phương chịu trách nhiệm chính đảm bảo chất lượng giáo dục, còn trường ĐH có thể lấy kết quả của kỳ thi ấy, hoặc tổ chức thi riêng theo đề thi chuẩn và kết hợp với hình thức tuyển khác cho phù hợp ngành học.

Nhìn từ thế giới 

TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho rằng từ sau năm 2020, công tác tổ chức thi tuyển vào ĐH cần được đối chiếu, so sánh với tư duy chiến lược và cách làm của các nước tiên tiến trên thế giới để có cái nhìn toàn diện, phạm vi rộng và chốt lại những gì phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Trong đó, cần thăm dò dư luận xã hội và các giới hữu quan vì giáo dục liên quan đến mọi nhà, mọi người.

Tin cùng chuyên mục