Đổi mới tuyển sinh 2022: Phải bảo đảm công bằng cho thí sinh

Thí sinh đăng ký trực tuyến nên sẽ có mã định danh - chính là số căn cước công dân của thí sinh. Thí sinh cũng dùng chính mã này để xác nhận nhập học chứ không cần chờ có phiếu kết quả thi tốt nghiệp mới nhập học.

Chiều 16-3, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì hội nghị trực tuyến tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non, đại học (ĐH) năm 2022.

Đổi mới tuyển sinh 2022: Phải bảo đảm công bằng cho thí sinh ảnh 1 Quang cảnh Hội nghị tuyển sinh 2022

Thảo luận về phương án tuyển sinh năm 2022, hầu hết các trường ĐH đều bày tỏ ủng hộ việc sử dụng chung phần mềm để xét tuyển chung, lọc ảo chung để giúp thí sinh tiện lợi, chọn được đúng nguyện vọng, vừa giúp các trường có thể lọc ảo. Việc Bộ GD-ĐT đưa lên mạng dữ liệu thí sinh là rất hữu ích cho các trường.

Tuy nhiên, nhiều trường ĐH còn băn khoăn với những quy định về hệ thống lọc ảo chung.

GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, khi phải đưa lên mạng tất cả các dữ liệu của thí sinh sẽ có nhiều phát sinh cần phải xử lý.

“Phương án lọc ảo chung của bộ, chúng tôi rất băn khoăn vì ĐH Quốc gia Hà Nội có rất nhiều phương án xét tuyển khác nhau. Đề nghị sau khi thí sinh đăng ký xét tuyển, các trường tải về tự xét tuyển, sau đó cập nhật kết quả xét tuyển lên hệ thống chung, như thế phù hợp hơn”, GS Nguyễn Đình Đức phát biểu.  

Ông Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội và đại diện nhiều trường ĐH khác cho rằng, hiện các trường ĐH vẫn dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT là nguồn xét tuyển chính, hơn 50% chỉ tiêu, nên đề nghị Bộ GD-ĐT giữ vai trò chủ đạo trong tổ chức kỳ thi. Bảo đảm kỳ thi trung thực, đề thi chất lượng để các trường yên tâm xét tuyển.

Ông Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng Phòng đào tạo, Trường ĐH Y dược TPHCM cũng đề nghị đề thi phải có độ phân hóa tốt để bảo đảm chất lượng tuyển sinh cho các trường tốp trên.

Ủng hộ phương án tuyển sinh năm 2022 nhưng Sở GD-ĐT TPHCM băn khoăn việc 100% thí sinh sẽ đăng ký trực tuyến, số lượng rất lớn, dễ có sai sót trong quá trình nhập liệu. Do đó quy trình kiểm tra, đối soát dữ liệu phải chặt chẽ, phần mềm tuyển sinh phải được hoàn thiện ở mức cao nhất. Thực tế, năm 2021, dù thí sinh đăng ký trực tuyến không nhiều nhưng có nhiều em sai sót như quên đăng ký nguyện vọng, hết hạn mới phát hiện ra, Sở GD-ĐT đã phải liên hệ với Bộ để thí sinh đăng ký lại…

Đổi mới tuyển sinh 2022: Phải bảo đảm công bằng cho thí sinh ảnh 2  Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Sơn

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, phương thức tuyển sinh 2022 sẽ tiếp tục tinh thần tạo thuận lợi hơn cho thí sinh; tăng cường ứng dụng công nghệ để thí sinh đăng ký xét tuyển đễ dàng hơn, các trường giảm được thí sinh ảo; các trường phổ thông, các sở GD-ĐT giảm được việc liên quan hành chính.

“Chúng ta cung cấp dữ liệu của ngành, kết hợp với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để thuận lợi cho việc tuyển sinh, hạn chế sai sót. Việc cập nhật dữ liệu học bạ cũng giúp tăng độ tin cậy, chính xác trong thi và xét tuyển”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng cũng cho rằng, Bộ GD-ĐT có hệ thống xử lý nguyện vọng và lọc ảo chung. Tuy nhiên, không hẳn là xét tuyển chung, mà hệ thống cho phép thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển, các trường tải dữ liệu về, sau khi xét tuyển xong các trường sẽ tải kết quả lên hệ thống chung. “Hiện chưa xét tuyển chung do các trường xét tuyển khác nhau”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Sơn, vì thí sinh đăng ký trực tuyến nên sẽ có mã định danh - chính là số căn cước công dân của thí sinh. Thí sinh cũng dùng chính mã này để xác nhận nhập học chứ không cần chờ có phiếu kết quả thi tốt nghiệp mới nhập học; khi thí sinh đã xác nhận nhập học thì không còn trên hệ thống chung. Tuyển sinh năm 2022 giữ ổn định như năm 2021, chỉ điều chỉnh những nội dung mang tính kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, cho các cơ sở đào tạo, nhằm đảm bảo bảo đảm khách quan, công bằng giữa các thí sinh, công bằng giữa các cơ sở đào tạo và tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Theo Thứ trưởng, các trường ĐH đa dạng phương thức xét tuyển, đó là ưu điểm của tự chủ đại học, nhưng các trường cũng phải tăng trách nhiệm giải trình. Làm sao bảo đảm công bằng cho thí sinh đối với các phương thức tuyển sinh khác nhau, phát huy tự chủ nhưng phải bảo đảm công bằng.

Thứ trưởng cũng đề nghị các trường cân nhắc kỹ chỉ tiêu tuyển sinh với những ngành có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Việc các trường đưa phương thức tuyển sinh mới vào thì không vấn đề gì, nhưng việc giảm mạnh chỉ tiêu ở phương thức tuyển sinh trường đang dùng sẽ ảnh hưởng đến thí sinh. “Vì các em chưa được chuẩn bị tốt cho việc này, do đó, các trường hết sức cân nhắc, chỉ nên giảm có lộ trình, tránh đột ngột, gây ảnh hưởng đến thí sinh”, Thứ trưởng đề nghị.

Do kế hoạch năm học năm nay chậm hơn vài tuần bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, vì thế kế hoạch tuyển sinh cũng chậm hơn. Dự kiến, tháng 5-2022, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy chế tuyển sinh 2022.

Tin cùng chuyên mục