Đổi mới tư duy để phát triển

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, vừa kết thúc chương trình làm việc với các địa phương trên địa bàn thành phố. Các buổi làm việc xoáy sâu vào những nhiệm vụ trọng tâm cần được đặc biệt quan tâm thực hiện.

Nhiệm vụ cấp bách trong thời điểm này được Bí thư Thành ủy TPHCM chỉ rõ là phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả và đảm bảo an sinh xã hội; song song đó, các địa phương phải nỗ lực thực hiện nhiệm vụ để tạo bước khởi đầu quan trọng cho các kế hoạch phát triển những năm tiếp theo.

Ở mỗi buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Nên không chỉ ghi nhận mà còn chỉ đạo cụ thể, có các cam kết chỉ đạo cơ quan chức năng giải quyết những đề xuất, kiến nghị của các địa phương.

Với câu chuyện xử lý chung cư cũ, xuống cấp, đồng chí Nguyễn Văn Nên đánh giá, cách làm lâu nay là bị động và tạm bợ. Do đó, đồng chí đề nghị phải có cách làm chủ động và chấp nhận sự đánh đổi để xây dựng lại những chung cư khang trang hơn. Muốn vậy phải có cơ chế mới và có sự đổi mới, cải cách, thậm chí có một chút “đau đớn” để vượt qua khó khăn, giúp thay đổi dáng dấp đô thị.

Đổi mới tư duy để phát triển ảnh 1 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi quyết liệt với các sở, ngành về vấn đề chung cư cũ ở quận 5, sáng 10-5-2021. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Từng vấn đề tồn tại cụ thể ở mỗi địa phương cũng đã được đặt ra trong các buổi làm việc, như công tác chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng (tại quận 5, 6, 7, 8, 10, Bình Thạnh…); cải tạo chung cư cũ (tại quận 5, 6, 8)...

Cùng đó là gợi mở của lãnh đạo TPHCM về những giải pháp phù hợp để giải quyết hiệu quả những tồn tại, hạn chế ở từng nơi, như: yêu cầu quản lý thông minh xứng tầm đô thị kiểu mới (quận 7); xây dựng hình mẫu về đô thị xanh, sạch, văn minh, quản lý đô thị thông minh (quận Phú Nhuận, quận 12); đi đầu trong chuyển đổi số để giải quyết những vấn đề do áp lực tăng dân số (quận Bình Tân); yêu cầu về sự đoàn kết để ổn định và phát triển (huyện Hóc Môn); hay xây dựng cơ chế đầu tư tương xứng với tầm vóc và vai trò của huyện Cần Giờ…

Điều này khẳng định sự đồng hành, chia sẻ trước những khó khăn, vướng mắc của lãnh đạo thành phố với các quận, huyện; đồng thời còn là gửi gắm, kỳ vọng của lãnh đạo thành phố đối với các địa phương về việc duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự và đảm bảo đời sống của người dân.

Lãnh đạo các địa phương chính là những người thấu hiểu sâu sắc tình hình trên địa bàn mình, kể cả lợi thế và khó khăn cũng như nhu cầu phát triển trong tương lai. Thế nên, nhiệm vụ quan trọng không chỉ là nỗ lực hoàn thành những công việc, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền (không được đùn đẩy hoặc thận trọng quá mức chờ “xin ý kiến cấp trên”) mà còn phải có giải pháp, cách làm phù hợp nhằm phát huy những kết quả đạt được, tận dụng tối đa lợi thế sẵn có và tạo ra sự phát triển vượt bậc trong thời gian tới.

Cùng đó, các địa phương cần chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách giúp địa phương phát triển, như lời Bí thư Thành ủy TPHCM gợi ý: “Xin tiền khó hơn xin cơ chế”. Qua đó có thể tìm được lối ra để thúc đẩy tiến độ các chương trình, dự án, nhất là các dự án phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị.

Muốn có được các đề xuất về giải pháp mang tính đột phá, trước hết cần có sự quyết liệt và trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên theo nguyên tắc “đúng vai, đúng việc, đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm”.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải mạnh mẽ đổi mới tư duy để đưa địa phương phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đóng góp tích cực vào sự phát triển của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.

Tin cùng chuyên mục