Đổi mới, tinh gọn đơn vị sự nghiệp công lập

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có Công điện số 209 về việc sắp xếp tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Công điện yêu cầu các bộ, ngành rà soát, sắp xếp, tổ chức lại theo hướng, giảm tối thiểu 10% số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW. 

Có thể khẳng định, Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 18-NQ/TW là cơ sở để đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa, thông qua việc đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên cả nước. Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ giảm các đầu mối quản lý trung gian không cần thiết, giải thể hoặc cổ phần hóa những đơn vị không thiết yếu; từ đó từng bước giảm biên chế, nhân sự dư thừa, giảm quỹ lương, giảm chi thường xuyên cho ngân sách nhà nước. Ngày 24-1-2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 08/NQ-CP đặt rõ các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2021, giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% (bằng 5.792) đơn vị sự nghiệp công lập và 10% (bằng 205.369) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015; có 10% (bằng 5.792) đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015. Đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% (bằng 5.213) đơn vị sự nghiệp công lập và 10% (bằng 184.832) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Đến năm 2030 chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; giảm 10% (bằng 166.349) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025; giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 - 2025.

Vào thời điểm Nghị quyết số 19-NQ/TW được ban hành, cả nước có 57.995 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó Trung ương 1.206 đơn vị và địa phương 56.789 đơn vị, với tổng số biên chế là gần 2,45 triệu (ngành y tế và giáo dục chiếm gần 70% số biên chế). Khối đơn vị sự nghiệp chiếm tới 38% tổng quỹ lương ngân sách. Số lượng nhiều như vậy, nhưng chỉ 123 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, 1.934 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, 12.968 đơn vị đảm bảo một phần chi thường xuyên. Những con số trên cho thấy, các đơn vị sự nghiệp công lập của cả nước là rất lớn và áp lực về quỹ lương, chi thường xuyên cho hệ thống này là không hề nhỏ. 

Hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập của Việt Nam có quá trình phát triển, đóng góp lớn đối với sự nghiệp phát triển đất nước, đảm bảo an sinh xã hội. Nhưng điểm tồn tại rất lớn là hệ thống đơn vị sự nghiệp hoạt động gắn với hệ thống hành chính, doanh nghiệp, đoàn thể, nhiều nơi vận hành không khác gì thời bao cấp. Tâm lý bao cấp, trông chờ ngân sách nhà nước vẫn phổ biến. Tình trạng tham ô, lãng phí trong các đơn vị sự nghiệp công không phải là ít.

Đến thời điểm này, chưa có kết quả sơ kết về việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW trên toàn quốc, nhưng nhiều mục tiêu đặt ra trong năm 2021 chưa thực hiện được, nên nếu không quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, các mục tiêu đến năm 2025 khó lòng thực hiện được. Cùng với việc giảm tải biên chế, ngân sách nhà nước, tất cả phải hướng tới mục tiêu: một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Đó cũng chính là sự thể hiện tinh gọn, minh bạch, hiện đại và hiệu quả của hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước trong thời kỳ mới.

Tin cùng chuyên mục