Đổi mới tiết sinh hoạt dưới cờ: Hướng đến giáo dục toàn diện cho học sinh

Từ đầu năm học 2022-2023 đến nay, nhiều trường phổ thông trên địa bàn TPHCM đã đổi mới nội dung sinh hoạt dưới cờ nhằm tạo hứng thú cho học sinh, qua đó lồng ghép giáo dục kỹ năng sống. Các hoạt động nhằm hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp, TPHCM) tham gia hội thi “Giới thiệu tác phẩm và sách hay về Bác”
Học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp, TPHCM) tham gia hội thi “Giới thiệu tác phẩm và sách hay về Bác”

Học sinh được trao quyền chủ động

Đầu tuần qua, tiết sinh hoạt dưới cờ của học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp) diễn ra trong không khí vui tươi với nhiều hoạt động như biểu diễn văn nghệ, diễn tiểu phẩm, đố vui có thưởng thông qua các tiết mục tham gia Hội thi “Giới thiệu tác phẩm và sách hay về Bác”.

Theo thầy Phan Hồ Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ, tiết sinh hoạt dưới cờ đã được thay đổi từ việc học sinh ngồi nghe giáo viên nói, phát thưởng thi đua hàng tuần cho các lớp chuyển thành lồng ghép giáo dục kỹ năng sống, giúp học sinh có nhận thức đúng đắn và ý thức học tập, làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, trong bối cảnh các trường phổ thông đang triển khai cuốn chiếu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, hoạt động đổi mới tiết sinh hoạt dưới cờ nhằm gắn liền lý thuyết với thực tiễn, qua đó rèn cho học sinh khả năng tự học, phát huy sự chủ động của các em. 

Nguyễn Ngọc Diễm Kiều, học sinh lớp 11A18, Trường THPT Nguyễn Công Trứ, cho biết, để tái hiện một cách hào hùng không khí của một trong những giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc, em và các bạn trong nhóm đã lên YouTube nghe nhiều lần bài diễn văn kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau đó, các bạn chủ động lên ý tưởng, xây dựng kịch bản nhằm chuyển tải thông điệp về lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết đến học sinh toàn trường thông qua tiểu phẩm “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Quá trình tham gia các hoạt động, học sinh được rèn kỹ năng làm việc nhóm, xử lý tình huống, qua đó nâng cao hiệu quả tiếp thu kiến thức của các em.

Trước đó, tại Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8), học sinh khởi đầu tuần mới đầy hứng khởi sau khi hòa mình vào các giai điệu trẻ trung với tiếng hát và đệm đàn guitar do chính học sinh trong trường biểu diễn. Trịnh Gia Phát, học sinh lớp 12A10, Bí thư Đoàn trường THPT Võ Văn Kiệt, chia sẻ, mỗi tuần sẽ có một lớp đăng ký tiết mục năng khiếu theo nhiều hình thức, như kể chuyện, diễn tiểu phẩm, biểu diễn văn nghệ. 

Tạo phong trào thi đua học tập 

Những năm trước đây, nhiều trường học trên địa bàn TPHCM đã đổi mới tiết sinh hoạt dưới cờ thông qua việc lồng ghép các hoạt động chuyên đề, giáo dục kỹ năng sống, sinh hoạt chủ điểm hoặc triển khai các hội thi cấp trường nhằm tạo không khí vui tươi cho học sinh.

Tuy nhiên, năm học 2022-2023, cùng với việc triển khai cuốn chiếu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong đó có yêu cầu tăng cường hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh, Sở GD-ĐT TPHCM chỉ đạo các cơ sở giáo dục đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt dưới cờ, tăng tính tương tác giữa người dạy và người học, qua đó phát huy tinh thần chủ động và khả năng tự học của học sinh. Cô Tống Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1), cho biết, việc thường xuyên đổi mới hình thức sinh hoạt dưới cờ nhằm tạo tâm lý mong chờ và hứng thú cho học sinh. 

Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất của học sinh hiện nay là việc tham gia các hoạt động dưới cờ sẽ ảnh hưởng thời gian học các môn chính khóa, đặc biệt học sinh các lớp cuối cấp. Nguyễn Ngọc Diễm Kiều, học sinh lớp 11A18, Trường THPT Nguyễn Công Trứ, bày tỏ, nếu xem việc tham gia các hoạt động dưới cờ như một hình thức học tập mới, cung cấp không chỉ kiến thức mà cả kỹ năng cho học sinh thì việc sắp xếp thời gian tham gia các hoạt động đòi hỏi sự linh hoạt của người học.

Đơn cử, các bạn có thể chuẩn bị các hoạt động, tập luyện vào giờ ra chơi, thời gian trống tiết hoặc cuối buổi học. Với Trịnh Gia Phát, học sinh lớp 12A10, Trường THPT Võ Văn Kiệt, học tập thông qua hoạt động do chính học sinh thực hiện mang lại hiệu quả tích cực hơn so với phương pháp dạy học truyền thống.

Theo em, để tăng tính chủ động của người học, rất mong các trường tạo thêm điều kiện để học sinh tham gia các hoạt động phản biện, nói chuyện chuyên đề, giao lưu giữa các lớp.

Thầy Phạm Quang Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt 
(quận 8), cho rằng, đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt dưới cờ giúp nâng cao hiệu quả giáo dục học sinh. Trong đó, các vấn đề xã hội như bạo lực học đường, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm được lồng ghép chuyển tải đến học sinh thay vì cung cấp lý thuyết suông.

Tin cùng chuyên mục