Đổi mới sáng tạo - Động lực thúc đẩy phát triển TPHCM

TPHCM xác định tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới và phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. 

Đó là một trong những nội dung quan trọng trong Dự thảo (lần 2) Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, đang được TPHCM tổ chức lấy ý kiến.

Đồng chí Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM phát biểu trong một lần góp ý dự thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cụ thể hóa cơ chế Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân

Dự thảo có 3 phần chính. Phần thứ nhất đề cập đến kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X. Phần thứ hai xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố, xây dựng hệ thống chính trị TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025. Phần thứ ba đề cập đến 4 chương trình phát triển TPHCM giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Ở phần thứ nhất, dự thảo khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ TP cùng sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, TPHCM đã đạt được nhiều thành tựu trên từng lĩnh vực. Theo đó, TPHCM giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước (đóng góp 23% GDP và 27% thu ngân sách cả nước). Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá và ổn định, đạt chỉ tiêu đề ra (8,3%/năm). Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động bằng 2,7 lần năng suất cả nước. Đồng thời, công tác quy hoạch, quản lý và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đạt nhiều kết quả thiết thực. Văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho các đối tượng nghèo, gia đình chính sách có nhiều tiến bộ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, vận động nhân dân cũng có chuyển biến mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã chủ động, cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng bằng việc xây dựng, triển khai Quy định 1374-QĐ/TU, chỉ đạo nghiêm túc giải quyết các thông tin phản ánh, từ đó góp phần giải quyết các nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; góp phần đấu tranh ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; củng cố niềm tin của nhân dân, đóng góp quan trọng trong ổn định, bảo vệ và phát triển TPHCM.

Dự thảo cũng đề cập những hạn chế, yếu kém ở các lĩnh vực, nhiệm vụ và đúc kết 5 bài học kinh nghiệm cụ thể. Trong đó có bài học là các chính sách phải đảm bảo an dân, tạo niềm tin trong nhân dân, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Cùng với đó là yêu cầu giữ gìn đoàn kết, phát huy sự năng động, sáng tạo và dám chịu trách nhiệm của TPHCM. Đồng thời cần cụ thể hóa cơ chế Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước pháp luật về các quyết định của mình.

Nền tảng cho TPHCM phát triển bền vững

Theo dự thảo, chủ đề của Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI là: “Nâng cao trách nhiệm nêu gương và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, xứng đáng với niềm tin của nhân dân; phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực và tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân”.

Dự thảo cũng đề cập những quan điểm, phương hướng phát triển TPHCM trong giai đoạn tới, như việc TPHCM tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới. Trong đó, thành phố xác định định hướng phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động; là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.

Bệnh viện Quân y 7A áp dụng nhiều máy móc và phần mềm thông minh vào khám, chữa bệnh. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trên quan điểm đó, dự thảo xác định những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đặc biệt là phát huy vai trò của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP - vùng động lực mới để phát triển kinh tế trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, bên cạnh bổ sung các cơ chế, chính sách, TPHCM còn xây dựng mới khu công nghiệp kỹ thuật cao, chuyển đổi tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và mở rộng Khu công nghệ cao TP.

Đồng thời, TPHCM cũng tập trung phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; triển khai đề án phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính của đất nước và khu vực châu Á giai đoạn 2020-2030. Cùng với đó là nhiệm vụ phát triển, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thông thế hệ thứ 5 (5G) và sau 5G trong quản lý đô thị; chuyển đổi số trong quản trị, xây dựng chính quyền điện tử… Đồng thời, TPHCM cũng thực hiện nhiều giải pháp đổi mới quản lý, trong đó sẽ xây dựng các cơ chế để tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào quá trình xây dựng chính sách và thể chế; đề cao vai trò giám sát, phản biện xã hội, tạo sự thống nhất, đồng lòng chung tay xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM. 

Trong giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Dự thảo đề cập 24 chỉ tiêu phát triển chủ yếu. Trong đó 10 chỉ tiêu bổ sung so với nhiệm kỳ trước, tập trung vào hiệu quả quản lý, như lần đầu tiên có các chỉ tiêu: tốc độ tăng năng suất lao động xã hội (bình quân 7%/năm); tổng tỷ suất sinh (đạt ít nhất 1,4 con/phụ nữ đang trong tuổi sinh đẻ vào năm 2025); xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới đốt rác thành điện hoặc tái chế (với tỷ lệ 80% vào năm 2025); mật độ đường giao thông đạt 2,5km đường/km²; diện tích cây xanh đô thị không dưới 3m²/người (đến năm 2025)…

Tin cùng chuyên mục