Đổi mới giáo dục phổ thông - Yêu cầu tất yếu - Bài 3: Tạo nguồn lực phục vụ đổi mới

Từ những tồn tại, yếu kém trong giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) của hiện tại, đặt ra vấn đề: Muốn triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới hiệu quả, mang lại thành công, bên cạnh xây dựng đội ngũ thì yếu tố quan trọng là đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học. Cùng với đó, việc áp dụng các mô hình đổi mới sáng tạo trong nhà trường là tiền đề để đạt mục tiêu chuyển từ “học để biết gì sang học để làm gì”.
Tiêu chuẩn hóa năng lực nhà giáo
Bộ GD-ĐT cho biết, để chuẩn bị nguồn nhân lực cho chương trình GDPT mới, bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDPT giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.
Đồng thời, đã ban hành văn bản quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng theo định hướng cập nhật, đáp ứng yêu cầu của GD-ĐT trong giai đoạn mới.
Xây dựng khung năng lực giáo viên phổ thông các môn học đặc thù; chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm; tiêu chuẩn và quy trình lựa chọn giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên và cán bộ quản lý trường phổ thông cốt cán.
Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ xác định số giáo viên thừa, thiếu ở từng cấp học, môn học và thực hiện tinh giản biên chế đối với giáo viên, cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn tối thiểu theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, giáo viên chúng ta không phải thụ động. Không giáo viên nào là không sáng tạo. Do cách quản lý của chúng ta hiện nay khiến giáo viên “co lại”, thiếu sáng tạo, thiếu dấn thân. Trong chương trình GDPT mới đã quy định rõ giáo viên được giao quyền chủ động.
Đổi mới giáo dục phổ thông - Yêu cầu tất yếu - Bài 3: Tạo nguồn lực phục vụ đổi mới ảnh 1 Một buổi học STEM tại trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM. Hướng dẫn và thực hành kỹ năng “thoát khỏi đám cháy” trên mô phỏng thực tế ảo đa chiều. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Rõ nhất ở môn Văn, chương trình GDPT mới chỉ quy định 6 tác phẩm bắt buộc là đỉnh cao về tư tưởng và nghệ thuật, học sinh không thể không biết. Hơn 100 tác phẩm còn lại gọi là bắt buộc nhưng được lựa chọn. Ví dụ tác giả Nguyễn Huy Tưởng có 2 tác phẩm “Vũ Như Tô” hoặc “Bắc Sơn”, giáo viên có thể chọn dạy tác phẩm nào cũng được nhưng phải dạy về tác giả này.
Ngoài ra, có khoảng 300 tác phẩm gợi ý lựa chọn, người viết sách giáo khoa (SGK) và giáo viên có thể lựa chọn, hoặc chọn các tác phẩm khác mà không nhất thiết phải là các tác phẩm này. Thậm chí, cho phép đưa tác phẩm đang “hot”, bán chạy mà xã hội, học sinh quan tâm vào các giờ học ngoại khóa. 
Tương tự, đối với môn Tiếng Anh, nhiều giáo viên lo ngại yêu cầu chú trọng 2 kỹ năng nghe, nói cho học sinh - vốn là điểm yếu của dạy và học tiếng Anh hàng chục năm qua ở trường phổ thông, sẽ mãi nằm… trên giấy nếu các trường chưa được đầu tư bài bản về nguồn lực giáo viên và trang thiết bị.
Một thành viên ban soạn thảo chương trình GDPT mới bày tỏ, chương trình chỉ có thể triển khai hiệu quả khi phối hợp tốt với các điều kiện dạy học tiên tiến. Do đó, nội dung triển khai chỉ là “điều kiện cần”, yêu cầu quan trọng là giáo viên phải phát huy được sự chủ động, tích cực của người dạy, biết kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn một trường THPT ở quận 10 cho biết, áp lực đặt lên vai các thầy cô là rất lớn. Do đó, nếu không được trang bị đầy đủ các kỹ năng thích ứng với đổi mới dạy học, giáo viên sẽ rơi vào tình trạng dạy học đối phó.
Hiện đại hóa cơ sở vật chất
Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD-ĐT), cho hay Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình GDPT mới nêu rõ mục tiêu ưu tiên và đối tượng ưu tiên.
Chẳng hạn, năm 2019 sẽ tập trung ưu tiên đầu tư giải quyết về phòng học cho cấp tiểu học; mua sắm, bổ sung thiết bị cho cấp tiểu học vì lớp 1 sẽ là lớp đầu tiên thực hiện SGK mới vào năm học 2019-2020. Đến năm tiếp theo thì sẽ cho những cấp học khác theo lộ trình đổi mới SGK.
“Yêu cầu tiên quyết là phải đáp ứng đủ các phòng học, đồng thời xóa bỏ những phòng học tạm và phòng học cấp 4 xuống cấp hết niên hạn sử dụng. Mặt khác, ưu tiên cải tạo, bổ sung các phòng học bộ môn, phòng chức năng cho các nhà trường; đồng thời mua sắm, bổ sung các trang thiết bị dạy học cần thiết”, ông Phạm Hùng Anh nói. 
Về cơ sở vật chất, các địa phương cũng đã chủ động tăng cường đầu tư hàng năm. Đơn cử, tại Hà Nội, riêng năm học vừa qua đã dành 19.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, chiếm  25,5% mức chi từ ngân sách.
Sở GD-ĐT TP Hà Nội cũng đã tổ chức rà soát, điều chỉnh các chuẩn, tiêu chuẩn về trường học, lớp học phù hợp, làm căn cứ xây dựng danh mục thiết bị dạy học tối thiểu theo Chương trình GDPT mới.
Còn ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ, cũng cho biết địa phương đã ban hành kế hoạch xây dựng và duy trì các trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 nhằm tăng cường cơ sở vật chất cho các trường phổ thông, đón đầu chương trình GDPT, SGK mới, trong đó ưu tiên mục tiêu dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, xóa bỏ các phòng học tạm, phòng học bị xuống cấp nặng.
Bên cạnh đó, một số địa phương (như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Nam Định, Thái Nguyên, Ninh Bình…) đã triển khai hiệu quả công tác tự chủ tài chính đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc, giao quyền tự chủ tài chính, bảo đảm chi thường xuyên đối với các đơn vị trường học trên địa bàn. Ngoài kinh phí chi thường xuyên, các địa phương đã bố trí nguồn vốn xây dựng cơ bản để hỗ trợ xây dựng trường chuẩn quốc gia và kiên cố trường, lớp học.
Trong bối cảnh cả đội ngũ giáo viên cũng như cơ sở vật chất vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế như hiện nay, thì việc nỗ lực áp dụng những mô hình đổi mới, quán triệt tinh thần đổi mới để thấm đẫm vào từng cán bộ quản lý, giáo viên, các em học sinh, ở từng nhà trường là điều rất quan trọng.
Thực tế, vừa qua phong trào đổi mới sáng tạo trong dạy và học đã phát triển khá sâu rộng. Những mô hình giáo dục mới đã được áp dụng, dù còn nhiều băn khoăn, như mô hình trường học mới VNEN, sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, giáo dục STEM…
Đơn cử như mô hình trường học mới (VNEN), thực chất đây là một phương thức dạy học mới, theo hướng tổ chức cho học sinh tự học, tự chủ, tự quản; chuyển từ việc truyền thụ kiến thức của giáo viên sang việc tổ chức, hướng dẫn học sinh cách học; lấy hoạt động học sinh làm trung tâm nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, đáp ứng định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Mô hình này tạo tiền đề cho chương GDPT mới không bị lạ lẫm.

Hiện nay, 100% trường học được kết nối Internet (trong đó có 76% nối cáp quang), 80% trường học đã dùng phần mềm quản trị trường học, sổ điểm điện tử được tăng cường sử dụng giúp giảm tải hồ sơ, giấy tờ trong nhà trường. Hàng năm có gần 5.000 cuộc họp và tập huấn qua mạng được tổ chức. Ngành giáo dục đã xây dựng Kho bài giảng e-learning với 5.000 bài giảng tương tác có chất lượng, phục vụ giáo viên và học sinh toàn ngành. Bộ GD-ĐT cũng đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đội ngũ (1,2 triệu hồ sơ cán bộ), cơ sở dữ liệu học sinh (gần 24 triệu hồ sơ học sinh) của 44.000 trường học trên cả nước… Đó là tiền đề rất tốt để ngành giáo dục có thể áp dụng các mô hình đổi mới sáng tạo trong hoạt động dạy và học.

Tin cùng chuyên mục