Đổi mới dạy và học: Có những công việc chỉ cần chứng chỉ chuyên môn, không cần bằng đại học

Lãnh đạo các trường đại học (ĐH) sẽ đưa ra tuyên bố chung về vai trò lãnh đạo của đại học trong thế kỷ 21 cũng như công bố chương trình hành động để đạt được mục tiêu chung.
Các đại biểu dự hội nghị
Các đại biểu dự hội nghị

Trong 2 ngày 17 và 18-6, tại Hà Nội, Trường Đại học VinUni khởi xướng tổ chức “Hội nghị quốc tế thường niên về đổi mới dạy và học” lần thứ nhất, tập trung vào đổi mới sáng tạo trong dạy và học với mục tiêu tái định vị vai trò của giáo dục đại học (GDĐH) trong thế kỷ 21. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Bộ GD-ĐT cùng các nhà lãnh đạo học thuật, chuyên gia giáo dục nổi tiếng đến từ các cơ sở giáo dục và các trường ĐH hàng đầu trong và ngoài nước.

“Hội nghị quốc tế thường niên về đổi mới dạy và học” - Teaching and Learning Summit – lần đầu tiên được tổ chức, quy tụ gần 400 nhà lãnh đạo giáo dục quốc tế từ ĐH British Columbia (Canada), ĐH Duke-NUS (Singapore), Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), ĐH Kinh doanh Sydney (Australia), ĐH Thiên Tân (Trung Quốc)… cũng như lãnh đạo các trường uy tín của Việt Nam như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Bách Khoa - ĐH Quốc Gia TPHCM, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại thương, ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Y Hà Nội…

Đổi mới dạy và học: Có những công việc chỉ cần chứng chỉ chuyên môn, không cần bằng đại học ảnh 1 Đông đảo chuyên gia quốc tế tham dự hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, mục đích của hội thảo nhằm cập nhật những vấn đề thực tiễn về giáo dục của thế kỷ 21, trao đổi, thảo luận về các phương pháp giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập ở bậc ĐH tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục tại trường THPT, các cơ sở giáo dục thường xuyên.

Đây là một diễn đàn mở, tạo cơ hội để các nhà khoa học, các cán bộ quản lý giáo dục, các giáo viên, giảng viên phát triển quan hệ hợp tác, trao đổi, nghiên cứu với các đồng nghiệp trong cùng một lĩnh vực nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, nghiên cứu.

Đồng thời, nhận diện và thúc đẩy văn hóa học tập suốt đời; phát triển hợp tác trong mạng lưới quản trị giáo dục; thảo luận, đóng góp ý kiến cho bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại đơn vị học tập đối với các cơ sở GDĐH và định hướng quy trình triển khai, làm cơ sở để Bộ GD-ĐT hoàn thiện và công bố phương án triển khai mở rộng Bộ tiêu chí trong các cơ sở GDĐH.

“Khi tham gia mạnh mẽ hơn trong hệ thống giáo dục thường xuyên, các trường ĐH sẽ thể hiện mình là một thành viên hàng đầu, có năng lực lớn nhất sẽ đóng vai trò của một đầu tàu thúc đẩy toàn bộ hệ thống chuyển động nhanh hơn và tốt hơn”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết.

Đổi mới dạy và học: Có những công việc chỉ cần chứng chỉ chuyên môn, không cần bằng đại học ảnh 2 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ 

Trình bày đề dẫn về “giáo dục trong thế kỷ 21”, GS Sanjay Sarma, Phó Chủ tịch Trung tâm Học tập Mở, Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho rằng, thế giới biến đổi không ngừng và sinh viên ngày nay phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải trong tương lai. Các trường ĐH cần đưa ra cách tiếp cận đột phá trong giáo dục, sử dụng nguồn học liệu mở, dùng công nghệ để cải tiến chương trình giảng dạy và phương pháp sư phạm nhằm chuẩn bị cho một tương lai hậu Covid-19 đầy thách thức nhưng cũng rất nhiều cơ hội cho khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ.

“Khi dịch Covid-19 xảy ra, có nhiều thay đổi tác động đến đào tạo của chúng ta: chúng ta đã thực sự dạy, trang bị cho sinh viên những kỹ năng, kiến thức tốt nhất để các em ra trường có thể làm được việc hay chưa? Chúng ta đào tạo đã theo nhu cầu thị trường chưa? Thực tế, nhiều sinh viên ra trường nhưng không có đủ kiến thức nền cũng như kỹ năng để làm việc suốt đời”, GS Sanjay Sarma nói.

Do đó, sinh viên phải được học suốt đời. 4 năm ĐH chỉ là kiến thức nền, còn để làm việc suốt đời, sinh viên phải tiếp tục được học, được đào tạo, mà giáo dục trực tuyến là công cụ lý tưởng để đào tạo cho họ. “Cần thay đổi nhận thức, có những công việc không cần bằng ĐH, chỉ cần chứng chỉ về chuyên môn nào đó. Và cũng chỉ có một số lĩnh vực, một số vị trí mới cần phải học đến thạc sĩ, tiến sĩ, hay tiếp tục nghiên cứu để có học hàm cao hơn”, GS Sanjay Sarma nêu quan điểm.

GS Sanjay Sarma cho rằng, do tác động tiêu cực của đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao, cạnh tranh trên thị trường lao động ngày càng khốc liệt. Số người xin nghỉ việc nhiều hơn, nhiều người nhận ra mình cần phải cập nhật lại kiến thức, kỹ năng làm việc của mình, nhất là để phục vụ việc làm trực tuyến. Nhu cầu học tập, đào tạo trực tuyến ngày càng tăng, và đó là cơ hội của các trường ĐH. Do đó, ĐH cần áp dụng các mô hình mới, sử dụng nhiều công cụ đào tạo online để phục vụ nhu cầu người học.

“Cách dạy hiện nay dạy, kiểm tra bài vở, đã quá cũ rồi, không phù hợp với hiện nay nữa. Cần hướng đến các hình thức đào tạo mới, ứng dụng CNTT thông tin mạnh mẽ. Cách dạy không một chiều, thuyết giảng mà phải là một tổ hợp từ thuyết trình, thực hành, khơi gợi cảm hứng cho sinh viên”, GS Sanjay Sarma nêu.

Trong khuôn khổ hội nghị, các phiên hội thảo chuyên đề do các chuyên gia giáo dục chủ trì đề cập đến các bài học kinh nghiệm khi áp dụng phương pháp sư phạm quốc tế như học tập theo nhóm, học tập theo dự án, học tập trải nghiệm… trong điều kiện thực tế tại Việt Nam. Hội nghị cũng đưa ra các xu hướng mới có tiềm năng thành công đột phá như đưa nghiên cứu vào giảng dạy, giáo dục khởi nghiệp, trao quyền cho sinh viên, học tập tự định hướng và hệ sinh thái học tập trực tuyến.

Đổi mới dạy và học: Có những công việc chỉ cần chứng chỉ chuyên môn, không cần bằng đại học ảnh 3 Các chuyên gia tham gia chia sẻ tại hội nghị

Hội nghị cũng có các phiên thảo luận về giáo dục y khoa do GS Lê Quang Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Y Khoa Quốc gia và Giáo sư Maurizio Trevisan, Viện trưởng Viện Khoa học Sức khỏe, trường ĐH VinUni chủ trì. Hội nghị cung cấp bức tranh tổng thể về bối cảnh phát triển của giáo dục y khoa tại Việt Nam, đồng thời chia sẻ các công nghệ tiên phong nhất về dạy học mô phỏng, dạy học theo nhóm cũng như các kỹ năng chuyên biệt trong phỏng vấn, giao tiếp với bệnh nhân theo các kịch bản mô phỏng “ảo như thật”.

Tại hội nghị cũng diễn ra tọa đàm bàn tròn cấp cao giữa lãnh đạo các trường ĐH gồm 5 nội dung lớn: chuyển đổi số trong GDĐH; bình đẳng trong giáo dục; trách nhiệm xã hội của trường ĐH; kết nối giữa GDĐH và giáo dục thường xuyên, giáo dục phổ thông; vai trò của ĐH trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Dưới sự chứng kiến của Bộ GD-ĐT, lãnh đạo các trường ĐH sẽ đưa ra tuyên bố chung về vai trò lãnh đạo của đại học trong thế kỷ 21 cũng như công bố chương trình hành động để đạt được mục tiêu chung. Song song với tọa đàm là phiên thảo luận góp ý về bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại đơn vị học tập đối với các cơ sở GDĐH do lãnh đạo Bộ GD-ĐT chủ trì.

Hội nghị thường niên lần thứ 2 sẽ do ĐH Hà Nội đăng cai tổ chức vào năm 2023.

Tin cùng chuyên mục