Đổi mới dạy học nhờ công nghệ

Năm học 2019-2020 đánh đấu sự chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp dạy học hiện đại tại các trường phổ thông trên địa bàn TPHCM. Đây là một trong những bước chuẩn bị quan trọng để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, làm sao để thiết bị công nghệ thật sự phát huy hiệu quả, qua đó phát triển khả năng tư duy và sáng tạo cho học sinh là bài toán khó đặt ra cho các đơn vị.

Lợi thế của kho học liệu mở

Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) vừa triển khai chuyên đề “Dạy học trải nghiệm qua môn tự nhiên xã hội” dành cho học sinh khối 3. Cô Trần Bích Ngọc, giáo viên chủ nhiệm lớp 3/7, cho hay để tổ chức bài giảng “Thành phố nơi em đang sống”, giáo viên phải tích hợp kiến thức các môn Đạo đức, Lịch sử, Địa lý, Mỹ thuật và Âm nhạc.

Suốt tiết học, học sinh được giới thiệu nhiều hình ảnh trực quan, sinh động từ tranh vẽ tay của chính các em, ảnh chụp 3D và các đoạn video clip về một số địa danh nổi tiếng của TPHCM như dinh Thống Nhất, chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, tòa nhà 68 tầng…

Nhiều học sinh cho biết rất hào hứng với cách học “ngồi một chỗ được đi du lịch nhiều nơi” thông qua sự hỗ trợ đắc lực của các thiết bị công nghệ như máy chiếu, bảng tương tác, kho ảnh tư liệu số…

Đổi mới dạy học nhờ công nghệ ảnh 1 Chuyên đề “Dạy học trải nghiệm qua môn tự nhiên xã hội” dành cho học sinh khối 3, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1)
Ở bậc THCS, từ đầu năm học 2019-2020, Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) đã triển khai phần mềm học liệu số Mozabook. Đây là kho học liệu 3D khổng lồ với nhiều bài giảng mô phỏng ở nhiều môn học, giúp học sinh tiếp cận kiến thức thông qua các trải nghiệm sống động về màu sắc, âm thanh và hiệu ứng.

Đơn cử, với dự án học tập mang tên “Sứ mệnh xanh”, học sinh được xem các đoạn phim tư liệu về đường đi của rác thải, sự nguy hại của ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước. Sau đó, với sự kết hợp của kính thực tế ảo, các em được sắm vai những nhà thám hiểm thực thụ, được “thấy tận mắt, nghe tận tai” ảnh hưởng của rác thải đến môi trường sống.

Em Bùi Bảo Trân, học sinh lớp 7/8, Trường THCS Lê Quý Đôn, tâm sự so với việc ngồi trên lớp, nghe thầy, cô giảng bài và ghi chép vào vở, việc học với các thiết bị công nghệ như tivi tương tác giúp em dễ hiểu bài và nhớ lâu kiến thức.

Hiện nay, ngoài phòng học STEM với kính thực tế ảo tại Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3), nhiều trường khác cũng đầu tư, nâng cấp phòng thí nghiệm môn Vật lý, Hóa học, Sinh học theo định hướng giáo dục STEM, như Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), THPT Thủ Thiêm (quận 2), THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận)…

Đây là nỗ lực của các đơn vị trong việc cải tiến mạnh mẽ phương pháp giảng dạy, mang đến cho học sinh cách tiếp cận kiến thức đa chiều, nhằm kích thích tối đa khả năng sáng tạo và tư duy của học sinh.

Đẩy mạnh xã hội hóa

Hiệu trưởng một trường THPT vừa mạnh dạn đầu tư mô hình STEM “trả góp” cho biết, nếu chỉ trông chờ ngân sách nhà nước thì trường công lập rất khó tổ chức các mô hình dạy học sáng tạo. Từ thực tế đó, các trường đã hợp tác với các đơn vị tư nhân đầu tư phòng học STEM theo mô hình trả góp.

Giải pháp này ngoài việc giúp các trường giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, còn tạo ra nguồn động lực quan trọng thúc đẩy phong trào dạy học hiện đại trong nhà trường. Trong quá trình hoạt động, người học sẽ đóng góp lại một phần kinh phí đầu tư, kết hợp với nguồn thu từ chính các hoạt động, sản phẩm mà phòng học này mang lại.

Nhờ cách làm này, đến nay nhiều trường THPT đã đầu tư được phòng học STEM với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, phục vụ hiệu quả yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy năng lực và phẩm chất người học.

Theo TS Phạm Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, việc đưa STEM vào giảng dạy là một trong những hình thức đổi mới hoạt động theo định hướng tăng cường năng lực tiếp cận cho học sinh, giúp các em vận dụng kiến thức các môn học để triển khai các ý tưởng, tạo ra sản phẩm giải quyết những tồn tại trong cuộc sống.

“Tôi nghĩ cơ sở vật chất mới là điều kiện cần; quan trọng hơn là sự dám nghĩ, dám làm, dám chủ động thay đổi của giáo viên để mang đến những giờ học sáng tạo, mới mẻ cho học sinh”, TS Phạm Đăng Khoa bày tỏ.

Tại hội nghị triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2019-2020, Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá, những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục đã ý thức được việc phối hợp với các đơn vị tư nhân tổ chức nhiều chuyên đề giảng dạy theo định hướng giáo dục STEM. Song song đó, một số cuộc thi giáo viên dạy giỏi theo dự án, dạy học ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng khẳng định được chỗ đứng; đem đến nhiều bài giảng, sản phẩm dự thi chất lượng cao, thể hiện được sự chủ động đổi mới của giáo dục TP.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều ý kiến lo ngại việc đổi mới phương pháp chưa đồng đều giữa các đơn vị, vẫn còn tình trạng giáo viên một số nơi “gồng lên” để thay đổi phương pháp, chứ chưa đem lại hiệu quả thật sự cho học sinh.

Để khắc phục tình trạng đó, đổi mới phương pháp cần sự thay đổi đồng bộ từ giáo trình, cơ sở vật chất đến yêu cầu kiểm tra, đánh giá học sinh; đòi hỏi không chỉ sự kiên trì, quyết tâm của giáo viên mà cả sự đồng lòng, ủng hộ của phụ huynh và học sinh.

Tin cùng chuyên mục