Đối chất làm rõ việc Vũ “nhôm” biến công sản thành của riêng

Ngày 11-6, Tòa án cấp cao tại Hà Nội tiếp tục ngày làm việc thứ 2 phiên xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của các bị cáo và kháng nghị của Viện Kiểm sát liên quan với hành vi vi phạm của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") trong việc thâu tóm 7 công sản tại TP Đà Nẵng và TPHCM.

Trong buổi sáng, HĐXX chủ yếu làm rõ các tải sản trong việc mua bán, sang nhượng và cho thuê. Tại đây, đại diện các đơn vị liên quan đã tham gia cho biết ý kiến về một số tài sản.

Đối chất làm rõ việc Vũ “nhôm” biến công sản thành của riêng ảnh 1 Ông Tô Văn Hùng, giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng thông tin thêm về các tài sản mà Vũ "nhôm" thâu tóm

Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Vinh Quang truy tới cùng việc các văn bản gửi Bộ Công an của Vũ “nhôm” có nội dung như thế nào? Theo đó, tại tài sản 129 Pasteur (TPHCM), Vũ nói trong văn bản đề nghị có nội dung “Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79 là doanh nghiệp bình phong của Tổng cục V, được biết thành phố có chủ trương…”, Vũ “nhôm” khẳng định, có nội dung đó, mục đích là để phục vụ cho công tác nghiệp vụ theo chỉ đạo của Tổng cục V, giao bị cáo phát triển kinh tế tiềm lực theo Luật Nhà nước.

Đến đây Vũ xin được bổ sung ý kiến, nhưng bị chủ tọa đề nghị dừng.

“Những người phía sau bị cáo đang ngồi ở vị trí đó là liên quan tới bị cáo, nếu làm tốt, đàng hoàng thì những người ngồi sau không bị liên lụy. Còn bản chất mua xong có phục vụ nhiệm vụ của ngành hay không? Hay mua xong bán ngay? Không được lấy lý do phục vụ cho việc ngành, vấn đề này ở phiên sơ thẩm đã làm rõ 1 phần, nhưng phúc thẩm sẽ làm rõ sâu hơn”, chủ tọa Nguyễn Vinh Quang cho hay.
Chủ tọa nói, đồng ý là nhà nước khuyến khích phát triển kinh tế, nhưng phải đúng pháp luật.

Trong khi đó, đối chất lại lời khai của Vũ “nhôm”, bị cáo Phan Hữu Tuấn cho rằng, khi văn bản trình lên lãnh đạo Bộ Công an, nội dung văn bản không có nói “mua xong bán luôn”, đồng thời cho biết: “Nhiệm vụ của Vũ thông qua đó để phát triển công ty bình phong, không có tài sản này mà Vũ đề nghị mua xong rồi bán”.

Cùng với đó, chủ tọa đề nghị Vũ “nhôm” cho biết việc xin được nhận sử dụng đất đối với 2 tài sản (Đất công viên An Đồn cũ ; Dự án Vệt) là của pháp nhân Công ty cổ phần Bắc Nam 79 hay không? Vũ nói đúng. Cụ thể, Vũ khai, việc ký hợp đồng nhận 2 tài sản này, Công ty cổ phần Bắc Nam 79 ký với Công ty quản lý và khai thác đất TP Đà Nẵng. Sau khi Công ty cổ phần Bắc Nam 79  nhận quyền sử đụng đất, thì Vũ chuyển quyền sử dụng đất sang tên cho mình, sau đó cho Công ty IVC thuê.

Hồ sơ thể hiện, từ tháng 5-2016, Vũ cho Công ty TNHH I.V.C (do Ngô Áng Hùng, anh rể Vũ làm giám đốc, Vũ có 66,67% cổ phần, Hùng có 30% cổ phần, Phạm Minh Cương có 3,33% cổ phần) thuê khu đất này để xây dựng và kinh doanh Trường Mẫu giáo ABC với giá 30 triệu đồng/tháng. Tính đến thời điểm bị bắt (tháng 1-2018), Vũ đã được hưởng lợi từ việc cho thuê khu đất này là 540.000.000 đồng.

Trong khi đó, theo ông Tô Văn Hùng, giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng, Công ty khai thác đất Đà Nẵng là đơn vị nhà nước, do UBND TP quản lý, tài sản công ty này do TP quản lý. Việc có được 2 tài sản trên do Công ty cổ phần Bắc Nam 79 là người nộp tiền chuyển nhượng, ông Hùng xin được về xem lại hồ sơ để rõ hơn, tòa đề nghị, đối với các dự án sau, TP Đà Nẵng và TPHCM cần chuẩn bị trước để tránh mất thời gian.

Đối chất làm rõ việc Vũ “nhôm” biến công sản thành của riêng ảnh 2 Phan Văn Anh Vũ giải thích việc có được một số tài sản ở Đà Nẵng. Ảnh: MH

Đối với tài sản tại Công an An Đồn cũ, số tiền mà Công ty của Vũ “nhôm” đã nộp hơn 52 tỷ đồng. Việc chuyển nhượng 2 tài sản trên theo ông Hùng căn cứ vào Luật đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, các hình thức chuyển đổi, tài sản trên đất theo phương thức đấu giá. “Việc bán chỉ định của 2 tài sản trên là trái quy định của Luật”, ông Hùng khẳng định.

Liên quan tới 2 tài sản 319 Lê Duẩn và số 16 Bạch Đằng (TP Đà Nẵng), Vũ “nhôm” cho biết, Công ty cổ phần Bắc Nam 79 đề nghị được mua tài sản trên đất và chuyển quyền sử dụng với 2 tài sản trên, sau đó được ký hợp đồng với Công ty quản lý khai thác đất và Công ty quản lý nhà Đà Nẵng. Sau khi được ký và được mua 2 tài sản trên, Vũ nói có chuyển tài sản 319 Lê Duẩn sang tên cho mình, đồng thời sau đó cho thuê lại tài sản này (giá thuê tại thời điểm đó năm 2013-2017 là 110 triệu/tháng; từ 2017-2020 là 121 triệu/tháng).

Đơn vị thuê đã trả tiền thuê cho Vũ trước thời điểm Vũ bị bắt, nhưng Vũ nói không nhớ (sau đó tòa công bố tiền thuê 48 tháng tương đương hơn 5 tỷ đồng tiền). Trong khi đó, ông Tô Văn Hùng khẳng định, Công ty quản lý nhà Đà Nẵng là đơn vị nhà nước, việc ký hợp đồng bán cho Công ty cổ phần Bắc Nam 79 gồm những tài sản 319 Lê Duẩn, còn đối với tài sản 16 Bạch Đằng là cho thuê đất và 1 hợp đồng bán tài sản trên đất, nhưng quá trình thực hiện Công ty cổ phần Bắc Nam 79 thực hiện theo 2 hợp đồng song song.

Tin cùng chuyên mục