Độc đáo lễ hội nông sản lớn nhất Bình Định

Hàng trăm sản phẩm nông nghiệp vô cùng độc đáo được người dân, các đơn vị ở miền Trung - Hoài Ân (Bình Định) "trình làng" tại lễ hội nông sản lớn nhất từ trước đến nay tại Bình Định. 

Ngày 27-5, UBND huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) đã chính thức đưa các gian hàng nông sản tiêu biểu lên trưng bày, phục vụ cho Ngày hội nông sản Hoài Ân lần thứ I, năm 2022.

Khu trưng bày nông sản của hợp tác xã thanh niên Hoài Ân giới thiệu hàng chục sản phẩm

Theo ghi nhận, từ chiều 26 đến sáng 27-5, các đơn vị có thế mạnh về nông nghiệp huyện Hoài Ân đã đưa các gian hàng của mình lên trưng bày, triển lãm. Bên cạnh các sản phẩm có thế mạnh, nhiều sản phẩm mới có tiềm năng cũng được đưa ra trưng bày, như: các sản phầm từ thịt heo (thị heo thảo mộc), nhan trầm, các giống chim, gà mới, sản phẩm đặc trưng các dân tộc miền núi (thổ cẩm, đan lát)…

Hầu hết các gian hàng được bày biện rất đẹp mắt, mang hình ảnh văn hóa nông thôn Việt.
Khu trưng bày các sản phẩm do viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu nông nghiệp đang triển khai tại Hoài Ân
Bưởi da xanh Hoài Ân là đặc sản tiêu biểu của huyện được nhiều gian hàng trưng bày

Phó Chủ tịch UBND xã Ân Tín Nguyễn Trọng Mật cho biết, đợt này xã trưng bày, quảng bá 12 sản phẩm nông nghiệp, gồm: chim trĩ, công xanh, gà lôi, mật ong dú, mật ong bộng, các sản phẩm gạo, thăng long ruột đỏ, nón lá, xơ dừa, dừa xiêm...

"Chúng tôi rất kỳ vọng các sản phẩm của người dân được giới thiệu quảng bá rộng rải để mong tìm được thị trường, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản cho bà con với giá thành ổn định", ông Mật chia sẻ.
Độc đáo lễ hội nông sản lớn nhất Bình Định ảnh 4
Độc đáo lễ hội nông sản lớn nhất Bình Định ảnh 5 Các loài chim, gà mới tại khu nhà trưng bày xã Ân Tín, huyện Hoài Ân

Trong sáng cùng ngày, lãnh đạo UBND, Huyện ủy Hoài Ân đã có mặt để theo dõi, chỉ đạo các đơn vị tổ chức không gian, khu nhà trưng bày sản phẩm nông sản tiêu biểu.

Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết, dịp này có 17 gian hàng từ các địa phương, hợp tác xã, trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu nông nghiệp triển khai trưng bày các gian hàng nông sản với 91 chủng loại sản phẩm. Trong đó, huyện tập trung trưng bày các sản phẩm đặc trưng có thế mạnh của huyện, trong đó có bưởi da xanh, dừa xiêm, trà Gò Loi, trà nụ hoa hòe, gạo hữu cơ, bún khô…

Lãnh đạo UBND huyện Hoài Ân kiểm tra sản phẩm tại các gian hàng trung bày
Nhiều gian hàng bày biện các sản phẩm nông sản hết sức độc đáo

Đặc biệt, ngày hội sẽ trưng bày, triển lãm, giới thiệu và đưa các sản phẩm an toàn đặc trưng, các sản phẩm có nhãn hiệu truy xuất nguồn gốc, sản phẩm được công nhận OCCOP trong huyện tới đông đảo người tiêu dùng.

Ông Phong cho biết, ngày hội là hoạt động thiết thực, tôn vinh những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện nhà; giới thiệu, quảng bá những sản phẩm an toàn, chất lượng đến các doanh nghiệp, nhà phân phối và người tiêu dùng; giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh để thu hút các nhà đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp.

Qua đó, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm và xúc tiến các hoạt động thương mại, tăng cường kết nối chặt chẽ giữa 4 nhà “Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học” trong việc liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân và cũng là hoạt động tôn vinh thành quả lao động của bà con nông dân.

Một gian hàng bày biện trái cây theo bản đồ Việt Nam tại khu trưng bày
Những quả mít Hoài Ân khổng lồ được đưa ra trưng bày

Đây cũng là dịp để thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa nông dân cùng gặp gỡ để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong canh tác, sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ những mặt hàng trái cây, nông sản đảm bảo chất lượng và an toàn. Ngoài ra, thông qua ngày hội tạo ra không gian để kết nối giao thương, tạo điều kiện để doanh nghiệp, doanh nhân với nông dân cùng hợp tác, liên doanh, liên kết trong chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm…

Dịp này, sẽ có 7 hợp đồng được ký kết về thỏa thuận hợp tác, hợp đồng hợp tác nhằm bao tiêu, tiêu thủ nông sản giữa các đơn vị tại huyện với các DN, đơn vị bên ngoài, trong đó có các DN tại TPHCM.

Ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân chia sẻ, Hoài Ân là huyện trung du, miền núi được bao bọc bởi 2 dòng sông Kim Sơn và An Lão cùng 22 hồ chứa nước, với thổ nhưỡng, khí hậu đặc biệt thích hợp để phát triển các loại cây trồng, nhất là cây ăn quả.

Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc tham quan, kiểm tra các sản phẩm trưng bày trước ngày hội

Hiện nay, huyện cũng đã tổ chức quy hoạch các vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích trên 1.590ha/10 xã; thực hiện dự án hỗ trợ phát triển một số loại cây trồng có thế mạnh của địa phương với nhiều mô hình được triển khai thực hiện; các tiến bộ khoa học được áp dụng rộng rãi trong quá trình sản xuất.

Toàn huyện hiện có trên 3.120 ha cây ăn quả với các loại cây chất lượng như: bưởi da xanh, dừa xiêm, bơ sáp, mít thái, quýt đường…; đặc biệt là bưởi da xanh và dừa xiêm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao (lợi nhuận trên 150 triệu đồng/ha/năm).

Hoài Ân không chỉ là nơi nuôi heo lớn nhất miền Trung mà còn có thế mạnh trồng cây ăn quả

Bên cạnh đó, chăn nuôi cũng là thế mạnh của huyện với thương hiệu Heo Hoài Ân, Gà ta thả vườn Hoài Ân. Trên địa bàn huyện có 5 Trang Trại chăn nuôi heo với quy mô lớn áp dụng công nghệ cao và 1.960 trang trại quy mô vừa và nhỏ. Hiện nay, tổng đàn heo đạt 240.000 con; đàn trâu, bò đạt 24.900 con; đàn gia cầm đạt 693.000 con.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại lễ hội

Các sản phẩm đặc trưng về nông nghiệp của huyện, như: dừa xiêm, bưởi da xanh, trà Gò loi, heo và gà ta thả vườn Hoài Ân đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể. Toàn huyện có 14 sản phẩm được UBND tỉnh đánh giá, xếp hạn sản phẩm OCCOP và 28 sản phẩm đăng ký giao dịch trên sàn thương mại điện tử của tỉnh...

Tin cùng chuyên mục