Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam vừa đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi một số nội dung của Thông tư 03/2021/TT-NHNN (Thông tư 03) về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, từ khi bùng phát dịch lần thứ 4 tại Việt Nam tới nay, các hãng hàng không đã lâm vào tình trạng nguy hiểm, doanh thu giảm 80-90%, dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng, nợ gốc và lãi tăng cao. Trong khi đó, các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng bị cạn kiệt, cơ hội tiếp cận với vốn vay rất khó khăn.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không tháo gỡ khó khăn về vốn, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam kiến nghị Ngân hàng nhà nước nhiều giải pháp:
Thứ nhất, mở rộng đối tượng và các khoản nợ được cơ cấu lại, cụ thể là áp dụng việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ phải trả và phát sinh mới trong thời gian dịch bệnh bùng phát (cho cả các khoản giải ngân trước và sau ngày 10-6-2020).
Trên thực tế, khó khăn của doanh nghiệp hiện tại là do thiếu dòng tiền ngắn hạn để chi trả các khoản duy trì hoạt động sản xuất. Việc quy định chỉ tái cơ cấu nợ cho các khoản vay trước 10-6-2020 khiến cho các khoản vay ngắn hạn gần như không nằm trong diện tái cơ cấu theo Thông tư 03.
Điều này gây sức ép lớn lên dòng tiền ngắn hạn của doanh nghiệp, làm doanh nghiệp không thể trả nợ đúng hạn, từ đó phát sinh nợ xấu khiến không thể vay mới để duy trì hoạt động.
Thứ hai, cần kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi; giữ nguyên nhóm nợ; việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí trong khoảng thời gian từ 23-1-2020 cho đến ngày liền kề sau 3 tháng - 6 tháng kể từ khi Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 hoặc công bố trạng thái bình thường mới, thay vì giới hạn thời hạn tại 31-12-2021.
Lý do là sau khi hết dịch bệnh thì doanh nghiệp vẫn cần thời gian từ 3 tháng đến 6 tháng để ổn định trở lại, trong khi Covid-19 đã ảnh hưởng xuyên suốt năm 2020 cho đến nay và dự kiến còn tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài ít nhất là hết năm 2021.
Thứ ba, đối với các khoản vay trung và dài hạn, cần kéo dài thời gian cơ cấu lên 18-24 tháng hoặc thực hiện theo Thông tư 01 là 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay.
Thứ tư, Thông tư 01 và Thông tư 03 chỉ quy định cơ cấu lại nợ đối với các khoản vay, cho thuê tài chính, trong khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ở nhiều khía cạnh, do đó Hiệp hội kiến nghị bổ sung áp dụng việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giãm lãi đối với dư nợ phát sinh từ các nghiệp vụ cấp tín dụng khác như bảo lãnh, LC, bao thanh toán…
Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cũng đề xuất Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét và ban hành cơ chế về tái cấp vốn tương tự như Thông tư 04/2021/TT-NHNN để các ngân hàng thương mại cho các hãng hàng không tư nhân đã và đang bị ảnh hưởng trưc tiếp bởi Covid-19 vay tùy theo quy mô kinh doanh của từng hãng, với số tiền từ 4.000 tỷ - 5.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và có thể được gia hạn khi ảnh hưởng của dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Tin cùng chuyên mục

Kỳ vọng vào Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL

Đồng Tháp: Khai mạc triển lãm sản phẩm OCOP, văn hóa - du lịch

Sáu lưu ý hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%-8,5%

Giới thiệu ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

TPHCM "bắt tay" với Hoa Kỳ giảm ùn tắc cho cảng Cát Lái

Đất đai là “điểm nghẽn” trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

TPHCM: Mỗi hecta đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ đô thị tạo ra giá trị trung bình 55 tỷ đồng/năm

Sẽ bố trí cán bộ chủ chốt đáp ứng yêu cầu chuyên môn lĩnh vực chứng khoán

TPHCM cần hơn 72.500 tỷ đồng phát triển nhà ở
