Doanh nghiệp Việt ở Nga vượt khó

Đại dịch Covid-19 tại Liên bang Nga tác động mạnh tới các doanh nghiệp. Nhiều công ty lâm vào tình trạng đình đốn sản xuất, sụt giảm nguồn thu và thậm chí buộc phải phá sản. Tuy nhiên, khá nhiều doanh nghiệp của người Việt Nam ở Nga vẫn đứng vững trước đợt “sóng lớn” này. 
Xưởng may của Công ty Shveinyi Dvor tại Moscow, Nga
Xưởng may của Công ty Shveinyi Dvor tại Moscow, Nga

Công ty Sostra của người Việt, sở hữu thương hiệu nước tương nổi tiếng Sen Soy - dẫn đầu thị trường Nga về sản phẩm nước tương, là một điển hình. Hiện nhà máy của Công ty Sostra sản xuất hơn 300 sản phẩm thực phẩm khác nhau, sử dụng hệ thống máy móc đóng gói hiện đại của Italy. Công ty đã áp dụng triết lý kinh doanh lâu dài và chắc chắn trong đối phó với Covid-19. Nhờ thế, nhà máy của Sostra đảm bảo công ăn việc làm cũng như thù lao cho khoảng 250 công nhân và nhân viên, trong đó có khoảng 40 người Việt Nam.

Các xưởng may của người Việt ở Nga cũng giúp giải quyết công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam cũng như tạo ra lợi nhuận khá ổn định cho các chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch Covid-19, các xưởng may, vốn đã gặp khó khăn do nền kinh tế Nga tăng trưởng chậm, nay lại càng khó khăn hơn do các quy định cách ly nghiêm ngặt. Chính vì thế, các chủ xưởng may người Việt đang phải xoay xở, thích nghi với điều kiện mới trên thị trường để có thể đảm bảo việc làm cho công nhân cũng như tạo ra lợi nhuận.

Tại một xưởng may có 80 công nhân của Công ty Shveinyi Dvor ở Moscow, không khí làm việc tương đối nhộn nhịp. Chị Bạch Thị Thạch, 32 tuổi, quê Hòa Bình, làm ở xưởng may gần 5 năm, cho biết, từ ngày bùng phát dịch Covid-19, công ty không cho nhân viên ra ngoài. Hàng hóa may cũng ít, công việc kinh doanh kém đi. Trước đây, lương bình quân được 800 USD/tháng, song từ ngày có dịch, lương chỉ ở mức 500-600 USD/tháng. Để có thể bán hàng, duy trì công ăn việc làm cho công nhân, các xưởng may của người Việt đều rất linh hoạt, căn cứ vào nhu cầu thị trường để cân đối sản xuất và đặc biệt là đưa ra những quyết định chiến lược về mẫu mã sản phẩm theo mùa.

Kinh doanh nhà hàng ẩm thực Việt Nam tại thủ đô Moscow từng khá thành công, một phần nhờ người dân Nga ưa chuộng các món ăn Việt. Thời kỳ đỉnh điểm đã có hơn 500 nhà hàng ẩm thực Việt hoạt động tại thủ đô nước Nga. Tuy nhiên, sau giai đoạn cách ly nghiêm ngặt do cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống ở thủ đô Moscow nói chung và các nhà hàng Việt nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Chuỗi nhà hàng Viet Express ở thủ đô Moscow ra đời từ tháng 6-2017, được điều hành bởi 2 sinh viên Lê Trung Sơn (26 tuổi, hiện là nghiên cứu sinh Đại học Kinh tế Plekhanov) và Dương Quang Vương (27 tuổi, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Plekhanov). Viet Express là chuỗi nhà hàng bài bản và có một doanh nghiệp đứng sau hỗ trợ, có phong cách thiết kế riêng cùng các món ẩm thực luôn duy trì hương vị, bản sắc Việt Nam. Trong đại dịch Covid-19, Sơn và Vương vẫn hy vọng vào một tương lai sáng sủa hơn khi cả hai tập trung vào việc vận hành trở lại nhà hàng thứ 3 tại khu công viên giải trí “Đảo ước mơ” ở Moscow.

Tin cùng chuyên mục