Doanh nghiệp vẫn “than” về kiểm tra chuyên ngành

Theo Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TPHCM (VCCI-HCM), phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cho thấy hiện có tới hơn 800 văn bản quy phạm pháp luật, 365 thủ tục, hơn 300 biện pháp kiểm tra, kiểm soát liên quan tới quản lý chuyên ngành. Trong đó, có nhiều mặt hàng phải thực hiện nhiều yêu cầu kiểm tra chuyên ngành khác nhau, do nhiều bộ, ngành quản lý. 

Một thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng cho thấy số lượng mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành quá lớn, với khoảng 78.000 nhóm/mặt hàng. Nhiều mặt hàng chịu sự kiểm tra chồng chéo giữa các bộ hoặc giữa các đơn vị trong một bộ.

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành cần phải chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng phương thức quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân. Nên xã hội hóa các trung tâm kiểm định, giám định, cấp giấy chứng nhận… để đảm bảo sự khách quan.

Đồng thời, phải điện tử hóa một cách thống nhất giữa các bộ, ngành quản lý với cổng thông tin một cửa quốc gia. 

Tin cùng chuyên mục