Doanh nghiệp vận tải kiến nghị lùi thời hạn lắp đặt camera

Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ, trước ngày 1-1-2022, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo, ô tô vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong quá trình lưu thông. Tuy nhiên, hiện rất nhiều doanh nghiệp chưa lắp camera theo quy định.

Vận tải hành khách gặp khó

Bộ GTVT vừa khẳng định sẽ kiên quyết xử phạt những xe kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát sau ngày 31-12-2021. Thế nhưng, hiện vẫn có những ý kiến trái chiều, bởi các đơn vị kinh doanh vận tải, nhất là vận tải hành khách, đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19.

Vận tải hành khách bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Tại Bến xe 
Miền Đông (quận Bình Thạnh, TPHCM), nhiều xe nằm bãi để chờ khách
Bà Nguyễn Thị Ngọc Trang (Chủ nhiệm HTX Thương mại dịch vụ du lịch Sen Việt) cho biết, đơn vị của bà có hơn 60 xe, nhưng hiện chỉ hoạt động vài chiếc vì không có khách. Dịch bệnh kéo dài khiến HTX cũng như nhiều đơn vị vận tải hành khách khác thật sự gặp khó khăn. Theo bà Trang, chi phí lắp một camera trên 5 triệu đồng. Xe khách từ 29 đến 35 chỗ phải lắp trên 2 camera, sau khi lắp còn phát sinh nhiều chi phí kèm theo. 

Nếu doanh nghiệp vội vàng lắp camera giá rẻ, không đúng chuẩn, sau này phải tháo gỡ thì sẽ rất lãng phí. “Đây là khó khăn thật sự của chúng tôi, chứ không phải mượn cớ dịch bệnh để trì hoãn việc lắp camera. Hiện nay, HTX đã liên hệ một công ty lắp đặt camera và xin mua theo hình thức trả góp. Mong Nhà nước kéo giãn thời gian, hoặc có phương án tốt nhất cho vận tải hành khách”, bà Trang bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Cấp (Giám đốc điều hành Công ty CP Vận chuyển dịch vụ du lịch Miền Nam) kể, công ty đã bán gần hết xe, hiện chỉ còn 4 chiếc nhưng “đắp chiếu” vì không có khách, trong khi tiền nợ ngân hàng vẫn phải trả. “Bây giờ khó khăn, lắp camera hơn 10 triệu đồng, mà lắp xong chạy không có lời thì “chết” liền. Tôi cũng không hiểu quy chuẩn của camera như thế nào mới là đúng”, ông Cấp tâm sự.

Tiếp tục kiến nghị lùi thời hạn

Mới đây, cộng đồng các doanh nghiệp vận tải khách du lịch bằng ô tô tại Việt Nam đã gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ. Theo trình bày của cộng đồng này, họ hoàn toàn đồng tình với chủ trương của Chính phủ tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP, bởi lẽ, việc lắp đặt camera giám sát trên phương tiện vận tải sẽ góp phần nâng cao ý thức của tài xế và hành khách khi tham gia giao thông, từ đó kéo giảm tỷ lệ tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 kéo dài đã làm cho ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến các doanh nghiệp vận tải du lịch bằng xe khách phải ngừng hoạt động, do đó mục tiêu lắp camera trên phương tiện vận tải trước ngày 31-12-2021 khó thực hiện. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp vận tải khách du lịch bằng ô tô tại Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, tiếp tục lùi thời hạn lắp camera chậm nhất đến ngày 31-12-2022.

Đồng quan điểm, ông Hồ Văn Hưởng (Chủ tịch HĐQT HTX Xe khách liên tỉnh - du lịch Thống Nhất) cho rằng, nên lùi việc lắp đặt camera trên phương tiện vận tải đến hết năm 2022, vì hiện tại các đơn vị, doanh nghiệp, nhà xe đều không có nguồn thu. “HTX của tôi chỉ mới gắn camera 5/100 chiếc. Bây giờ phải vì sự sống còn của ngành vận tải, để dần ổn định phục hồi rồi gắn sau”, ông Hưởng đề xuất.

Ông Lê Trung Tính (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM) nhận xét, yêu cầu lắp camera trên phương tiện vận tải trước ngày 1-1-2022 không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, bởi đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động của ngành vận tải nói chung, vận tải hành khách nói riêng, gặp nhiều khó khăn. Dù vận tải hành khách đã được hoạt động lại thì cũng chỉ tạo dựng lại thương hiệu, giữ khách hàng, chứ thu nhập không đủ để trang trải các chi phí. Bây giờ, chi khoản tiền lớn để mua camera gắn thêm trên xe là một gánh nặng, khiến các đơn vị vận tải khó thực hiện. “Bộ GTVT cần thấu hiểu sự khó khăn của ngành vận tải hiện nay. Các cơ quan cấp trên cần giãn thời gian xử phạt để doanh nghiệp nhẹ gánh…”, ông Tính kiến nghị.

Cũng theo ông Tính, một vấn đề nữa cần nhìn lại, đó là hơn 10 năm qua, hàng ngàn doanh nghiệp vận tải cả nước đã bỏ tiền lắp đặt thiết bị GPS theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước. Việc này gây tốn kém, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa tận dụng hết các lợi thế của GPS. “Trước đây, dữ liệu giám sát GPS nhẹ hơn mà các cơ quan còn xử lý lúng túng, nay dữ liệu hình ảnh từ camera truyền về nặng gấp nhiều lần thì hệ thống lưu trữ có đáp ứng được những hình ảnh truyền nhanh theo tốc độ yêu cầu của Tổng cục Đường bộ không?”, ông Tính thắc mắc.

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ, cả nước hiện có trên 208.000 phương tiện sẽ phải lắp camera theo quy định trên. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ lắp đặt chỉ mới khoảng 12-15%. Tại phía Nam, nhiều địa phương có tỷ lệ xe lắp camera rất thấp. Cụ thể, TPHCM chỉ có trên 2.183 trong tổng số 51.879 phương tiện, Đồng Nai có khoảng 600 trên tổng số khoảng 10.000 phương tiện lắp camera.

Tin cùng chuyên mục