Doanh nghiệp tư nhân đóng góp ngân sách nhiều nhất

Đóng góp vào ngân sách Nhà nước của khu vực DN năm 2017 đạt 954.100 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2016.  Đáng chú ý, DN ngoài nhà nước đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước với 407.600 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2016; khu vực DNNN đóng góp 280.500 tỷ đồng; khu vực FDI chỉ đóng góp 265.000 tỷ đồng.

Ngày 13-10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì buổi họp báo công bố chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp (DN) cả nước và các địa phương năm 2017. Chỉ tiêu đánh giá này do Bộ KH-ĐT, Tổng Cục Thống kê, Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp xây dựng.

Lần đầu tiên lượng hóa hiệu quả phát triển DN

Đây là năm đầu tiên Bộ chỉ tiêu này được công bố vào đúng ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10). Việc công bố Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển DN cả nước và các địa phương sẽ là sự kiện thường niên được tổ chức nhân ngày Doanh nhân Việt Nam hàng năm.

Việc công bố Bộ chỉ tiêu sẽ đưa ra được bức tranh toàn cảnh về tình hình phát triển DN Việt Nam; giúp các địa phương thấy rõ mình đang nằm ở đâu trên bản đồ phát triển DN Việt Nam.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN và với tình cảm cá nhân, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã gửi đến đội ngũ doanh nhân và DN Việt Nam những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Doanh nghiệp tư nhân đóng góp ngân sách nhiều nhất ảnh 1 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì họp báo. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng chúc đội ngũ DN, doanh nhân ngày càng phát triển lớn mạnh, luôn có tinh thần, ý chí của dân tộc Việt Nam; xây dựng văn hóa kinh doanh trên tinh thần giác ngộ chính trị; có trách nhiệm cao với xã hội và luôn luôn là đội ngũ xung kích, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng bày tỏ sự kỳ vọng, tin tưởng về sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng phát triển DN và đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Cách đây gần 20 năm, Trung ương đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân và tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành liên tiếp 2 nghị quyết về phát triển, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân như một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Ngày 9-12-2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 09 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH với mục tiêu là xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các DN hoạt động có chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao, góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam, tự chủ và hội nhập quốc tế.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN với tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và DN. Hàng năm, Chính phủ đều ban hành Nghị quyết 19 để đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Chính phủ xác định mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 nước ta có khoảng 1 triệu doanh nghiệp.

“Bộ chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển DN cả nước và các địa phương là bức tranh nói lên tình hình sức khỏe của DN về doanh thu, chi phí, lợi nhuận, lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước…”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu.

Bộ chỉ số này cũng là cơ sở tốt để Chính phủ, các cơ quan Nhà nước, các địa phương tham khảo, nghiên cứu và đề ra chính sách phù hợp, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 35. Cuốn sách Trắng về thực trạng DN Việt Nam năm 2017 cũng sẽ được xuất bản trong quý 4-2018.

Phó Thủ tướng cho rằng, các bộ và các ngành sử dụng bộ chỉ số này để phân tích, đánh giá, đối chiếu và rà soát lại các chính sách của mình trong từng ngành, từng lĩnh vực. Đối với các địa phương, trên cơ sở số liệu của Bộ chỉ tiêu cũng phải phân tích, đánh giá thực trạng của DN địa phương mình, tính toán kỹ, có phương án phù hợp thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về phát triển DN; tiếp tục cải cách, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh địa phương.

“Các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải cách các điều kiện kinh doanh một cách thực chất và hiệu quả hơn”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Doanh thu của khu vực FDI tăng cao nhất 

Theo công bố của Bộ KH-ĐT về chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển DN cả nước và các địa phương năm 2017, tính đến thời điểm 1-7-2018, cả nước có 702.710 DN đang tồn tại thuộc diện quản lý thuế của Tổng Cục Thuế (không tính những DN giải thể, DN ngừng hoạt động chờ giải thể, nhà thầu phụ, chi nhánh. Trong số đó có 647.759 DN tồn tại có báo cáo tài chính hoặc không có báo cáo tài chính nhưng Tổng Cục thống kê điều tra được; gần 28.000 DN có trong danh sách quản lý thuế nhưng không có báo cáo tài chính và Tổng Cục thống kê không điều tra được. Trong số đó có 647.759 DN có 560.417 DN đang có hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc có chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh; gần 81.000 DN đang tồn tại nhưng không có kết quả sản xuất kinh doanh (doanh thu bằng không..); 33.390 DN ngừng hoạt động chờ giải thể. Tổng số DN thực tế đang hoạt động tại thời điểm 31-12-2017 của cả nước là 560.417 DN, tăng 11% so với cùng thời điểm năm 2016.

Doanh nghiệp tư nhân đóng góp ngân sách nhiều nhất ảnh 2 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp báo sáng 13-10-2018. Ảnh:VGP
Tại thời điểm 31-12-2017, khu vực DNNN có 2.486 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động, giảm 6,6% so với năm 2016; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước có 541.753 doanh nghiệp, tăng 10,9%; khu vực FDI có 16.178 doanh nghiệp, tăng 15,5%.

Cũng theo Bộ chỉ tiêu, số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước năm 2017 đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay với 126.859 doanh nghiệp, tăng 15,2% so với năm 2016.

Cũng trong năm 2017, tổng số lao động đang làm việc trong khu vực doanh nghiệp là 14,51 triệu người, tăng 3,6% so với năm 2016. Tổng số vốn đăng ký của các DN thành lập mới trong năm 2017 là gần 1.300 ngàn tỷ đồng, tăng 45,4% so với năm 2016. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2016.

Năm 2017, tổng số DN ngừng hoạt động trên phạm vi cả nước là 60.553 DN, giảm 0,2% so với năm 2016. Số lượng DN ngừng hoạt động xấp xỉ 50% số DN thành lập mới. Trong đó, TPHCM có 21.567 DN ngừng hoạt động, chiếm 35,6% số DN ngừng hoạt động của cả nước; Hà Nội chiếm 22%. DN thành lập mới của Hà Nội, TPHCM chiếm tới 60% DN thành lập mới của cả nước.

Tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh của toàn bộ khu vực DN tại thời điểm 31-12-2017 đạt 33 triệu tỷ đồng, tăng 17,5% so với 2016. Nếu tính theo khu  vực thì khu vực dịch vụ hiện thu hút vốn chiếm tỷ lệ cao trong toàn bộ khu vực DN, thu hút tới 21,3 triệu tỷ đồng vốn cho sản xuất kinh doanh.

Còn theo loại hình DN thì khu vực ngoài nhà nước thu hút tới 17,5 triệu tỷ đồng, chiếm 53% vốn của toàn bộ khu vực DN, tăng 16,5% so với năm 2016. Khu vực DNNN mặc dù đang giảm về số lượng nhưng các DNDN có quy mô lớn nên vốn thu hút vẫn còn lớn với 9,5 triệu tỷ đồng, chiếm 29%. Khu vực FDI số số lượng DN ít nhưng hầu hết là quy mô lớn nên thu hút 5,9 triệu tỷ đồng, chiếm 18%.

Năm 2017, tổng doanh thu của khu vực DN đạt 20,66 triệu tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2016. Theo loại hình DN, tổng doanh thu của khu vực DN ngoài nhà nước là 11,7 triệu tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2016; khu vực FDI là 5,8 triệu tỷ đồng, tăng 20%; khu vực DNNN là 3,1 triệu tỷ đồng, tăng 9%.

Lợi nhuận trước thuế của khu vực DN năm 2017 đạt gần 880.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2016, trong đó tính theo khu vực kinh tế thì khu vực nông nghiệp tạo ra lợi nhuận thấp nhất, chỉ gần 5.000 tỷ đồng.

Còn theo loại hình DN thì khu vực FDI tạo ra lợi nhuận lớn nhất với 384.000 tỷ đồng, chiếm 43,8%, khu vực DN ngoài nhà nước tạo ra khoản lợi nhuận khiêm tốn với gần 292.000 tỷ đồng; khu vực DNNN tạo ra lợi nhuận 200.000 tỷ đồng.

Về đóng góp vào ngân sách Nhà nước, báo cáo cho hay, đóng góp vào ngân sách Nhà nước của khu vực DN năm 2017 đạt 954.100 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2016.  Đáng chú ý, DN ngoài nhà nước đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước với 407.600 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2016; khu vực DNNN đóng góp 280.500 tỷ đồng; khu vực FDI chỉ đóng góp 265.000 tỷ đồng.

Về phía địa phương, TPHCM đóng góp ngân sách nhà hước của khu vực DN nhiều nhất với 231.900 tỷ đồng, chiếm 24,3% cả nước.

Vẫn theo báo cáo mà Bộ KH-ĐT công bố, thu nhập bình quân tháng một lao động năm 2017 của toàn bộ khu vực DN đạt 8,3 triệu đồng, tăng 10% so với 2016. Trong đó lao động làm ở DNNN có mức thu nhập bình quân cao nhất với gần 12 triệu đồng/tháng, lao động làm ở DN tư nhân có mức thu nhập thấp nhất.

Có thể thấy, giai đoạn 2010-2017 mỗi năm tăng 10,5% số DN. Trong đó, khu vực DNNN mỗi năm giảm 3,9%, DN tư nhân tăng thêm 10,5% và FDI tăng 12,2%. Mỗi năm doanh thu của các DN tăng 15,6%, trong đó doanh thu của khu vực FDI tăng cao nhất với gần 23%, còn DNNN chỉ tăng hơn 6%, DN tư nhân tăng 16%..

Tính chung, hiện nay khu vực DN đóng góp lớn nhất vào quy mô phát triển của nền kinh tế, chiếm trên 60% GDP của toàn bộ nền kinh tế. Bình quân giai đoạn 2010-2017, số DN thực tế hoạt động tăng 10,5%/năm; số lao động thu hút làm việc trong khu vực DN tăng 5,9%/năm;  vốn sản xuất kinh doanh tăng 15,4%/năm; doanh thu tăng 15,6%/năm; lợi nhuận tăng 13,7%/năm và đóng góp cho ngân sách Nhà nước tăng 12,4%/năm.

Tin cùng chuyên mục