Doanh nghiệp thực phẩm duy trì sản xuất ổn định

Nhờ linh hoạt các giải pháp kinh doanh, nửa đầu năm 2021, dù dịch bệnh còn phức tạp song nhiều doanh nghiệp (DN) thực phẩm, đồ uống vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Với đà hiện nay, các DN cho biết sẽ có nhiều phương án để khai thác tốt thị trường trong thời gian tới.

Tăng trưởng khả quan

Theo đánh giá của các đơn vị nghiên cứu thị trường, trong khi nhiều ngành hàng có chỉ số tăng trưởng âm thì ngành hàng thực phẩm (F&B) đã có tốc độ phục hồi khả quan, thể hiện qua kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2021. Có thể kể tới một số DN như Mộc Châu milk đạt doanh thu 1.411 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ; lãi sau thuế 137 tỷ đồng, tăng 29% so cùng kỳ.

Tương tự, Công ty Sữa quốc tế ghi nhận doanh thu 2.380 tỷ đồng, tăng 40,6%; lợi nhuận sau thuế 405,8 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ. Ở lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, Tập đoàn Kido cho biết đạt doanh thu thuần 6 tháng là 4.898 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu ngành dầu ăn tăng 36% và chiếm tỷ trọng 83%, ngành thực phẩm tăng 22% và chiếm tỷ trọng 17%...

Theo các DN, để có kết quả này DN đã linh hoạt chuyển đổi kênh ứng phó với tình hình thực tế trong mùa dịch như: đẩy mạnh đưa sản phẩm vào kênh MT (siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi,…); ứng dụng công nghệ số thúc đẩy kênh bán hàng trực tuyến tiếp cận người tiêu dùng.

Doanh nghiệp thực phẩm duy trì sản xuất ổn định ảnh 1 Doanh nghiệp ngành thực phẩm linh hoạt tổ chức nhiều giải pháp kinh doanh

Trên thực tế, ngành F&B tại Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng khi doanh thu toàn thị trường hơn 700.000 tỷ đồng trong năm 2020 (theo báo cáo của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor). Dự báo doanh thu của ngành F&B ở Việt Nam trong 2 năm tới có thể đạt quy mô gấp đôi và tiếp tục là “miếng bánh” hấp dẫn các nhà đầu tư. Đây cũng là điều dễ hiểu khi dịch bệnh dù phức tạp song DN ngành này vẫn duy trì mức tăng trưởng khả quan. 

Linh hoạt trước thách thức

Tuy vậy, các DN cho biết với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, nhiều DN đối mặt với khó khăn như: phát sinh chi phí đáp ứng “3 tại chỗ” để có thể tiếp tục sản xuất, việc vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm đi qua các vùng dịch mỗi nơi một kiểu… 

Chính vì thế, trong hoạt động những tháng cuối năm, các DN đều có kế hoạch cụ thể. Đơn cử, Vissan đã triển khai mở rộng kinh doanh các sản phẩm thịt heo, thịt bò đến nhiều kênh phân phối khác nhau, đặc biệt chú trọng kênh bán hàng online, rà soát các sạp chợ truyền thống để phục vụ kinh doanh có hiệu quả…

DN này cũng xây dựng kế hoạch kinh doanh sản phẩm khay vỉ, trong khi chờ dự án đầu tư dây chuyền đóng gói thịt mát Vissan đưa vào sử dụng; cùng với đó là chương trình khuyến mãi tại các kênh bán hàng nhằm kích cầu mua sắm giai đoạn sau Covid-19. Trong khi đó, Kido cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng các ngành hàng mới để ngay khi kiểm soát dịch bệnh sẽ chính thức ra mắt thị trường. Đồng thời chú trọng nghiên cứu thị trường để mở rộng danh mục sản phẩm ngành dầu ăn, ngành kem, đặc biệt các sản phẩm cốt lõi và cao cấp có lợi nhuận cao, phù hợp xu hướng. 

Ngoài vấn đề trên, dịch Covid-19 đã và đang khiến các nhà kinh doanh F&B nhận ra cần phải phát triển thương hiệu của mình trên nền tảng trực tuyến (online) nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Bởi đây là bước đi cần thiết để có thể bắt kịp xu hướng và cũng là giải pháp thông minh trong hoàn cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Theo các chuyên gia, tình hình dịch bệnh có thể kéo dài, để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng, ngoài giải pháp trên, DN cần tiếp tục theo dõi tình hình và diễn biến dịch bệnh để có biện pháp ứng phó và dịch chuyển kinh doanh kịp thời. Mặt khác, cần ổn định nguồn cung, đảm bảo hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng hàng hóa không bị gián đoạn.

Tin cùng chuyên mục