Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm: Tăng tốc về đích

Dù không gặp quá nhiều khó khăn như các doanh nghiệp (DN) dệt may, da giày, đồ gỗ và mỹ nghệ, nhưng bản thân các DN trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng phải nỗ lực hết mình mới có thể đạt được sản lượng và doanh thu trong năm 2020.
Chế biến trứng tại Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt. Ảnh: CAO THĂNG
Chế biến trứng tại Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt. Ảnh: CAO THĂNG

Nỗ lực vượt khó

Theo nhận định của ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng không chừa bất cứ một DN nào. Ở nhóm DN thực phẩm, cho dù hầu hết các DN vẫn duy trì sản xuất nhưng do thực hiện chủ trương giãn cách xã hội, tất cả các trường học, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa nên công ty đã phải tạm ngưng cung cấp một sản lượng rất lớn. Để đảm bảo đầu ra cho bản thân DN và các đối tác chăn nuôi, công ty buộc phải tăng cường khuyến mãi, giảm giá từ 20%-30% để kích cầu tiêu dùng.

Điều đáng mừng là từ hơn một tháng qua, sản lượng cung ứng ra thị trường đang tăng dần trở lại, nên nhiều khả năng sức mua sẽ phục hồi trong thời gian tới. Để đảm bảo nguồn cung cho thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán 2021, Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt đang củng cố lại hệ thống chuồng trại, tăng cường kết nối với các đối tác để ổn định nguồn cung và giá cả. Theo dự báo của ông Trương Chí Thiện, hiện nguyên liệu đầu vào, thức ăn chăn nuôi vẫn khá ổn định nên DN cũng không gặp nhiều khó khăn trong việc tăng sản lượng trứng để đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Bên cạnh những nỗ lực từ tự thân, các DN của TPHCM đã và đang nhận được sự đồng hành từ lãnh đạo TP cùng các sở ngành trong việc tháo gỡ khó khăn giúp sản xuất, kinh doanh tăng tốc sau dịch Covid-19. Sở Công thương TPHCM luôn đồng hành với DN, nhất là trong tình hình khó khăn hiện nay, theo phương châm tháo gỡ được gì phải tháo gỡ nhanh chóng, hỗ trợ tối đa được đến đâu thì phải hỗ trợ đến đó.

Giám đốc Sở Công thương TPHCM Phạm Thành Kiên

Về Chương trình bình ổn thị trường, năm nay Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt vẫn giữ nguyên sản lượng trứng đăng ký cung cấp cho chương trình ngang bằng với năm ngoái. Ngoài ra, công ty cũng tăng khả năng dự trữ, đề phòng trường hợp thị trường thiếu hụt, giá bán tăng thì DN có đủ năng lực để cung ứng theo sự điều tiết của các sở, ngành chức năng.

Ở nhóm mặt hàng rau củ quả, ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty Thảo Nguyên cho hay, năm nay công ty tiếp tục tham gia bình ổn đối với 15 mặt hàng, sản lượng 30 tấn/tháng, bằng với sản lượng của năm 2019. Toàn bộ lượng hàng tham gia chương trình bình ổn đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, giá bán hầu hết các loại rau củ quả ổn định; riêng rau ăn lá giá có tăng đôi chút do lượng hàng bị thiếu hụt vì các nhà vườn giảm diện tích gieo trồng trong thời gian giãn cách xã hội. Dự báo, trong tháng 7 và tháng 8, nguồn cung rau ăn lá sẽ dồi dào trở lại, giá cả ổn định.

Về khả năng tăng nguồn cung để bình ổn thị trường, ông Nguyễn Lam Sơn cho hay, công ty đang sản xuất theo chuẩn VietGAP là 70ha, với 65 mặt hàng, nếu tính chi tiết thì số lượng sản phẩm lớn hơn nhiều; chỉ riêng mặt hàng cà chua đã có tới 5-7 loại khác nhau. Sản lượng cung ứng hàng ngày đạt trung bình khoảng 30 tấn, trong đó chủ yếu tiêu thụ ở TPHCM. Do vậy, nếu nhu cầu thị trường tăng cao, công ty vẫn có thể gia tăng diện tích gieo trồng để nâng sản lượng rau củ quả cung cấp cho thị trường TP.

Ở nhóm mặt hàng thịt gia súc, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, năm 2019, dịch tả heo châu Phi đã tác động đến tâm lý tiêu dùng, khiến sức mua giảm mạnh. Vissan chỉ tiêu thụ được 24.335 tấn thịt heo trong năm 2019, đạt 91,68% kế hoạch đặt ra. Chăn nuôi chậm hồi phục, việc tái đàn cần thời gian dẫn đến thiếu hụt nguồn cung heo hơi trên thế giới, đặc biệt tại Trung Quốc và Việt Nam, khiến giá heo hơi leo thang; dự báo tiếp tục giữ ở mức cao trong năm nay. Theo ông An, sau khi Chính phủ “bật đèn xanh” cho phép nhập khẩu heo sống từ Thái Lan, giá heo hơi trong nước đã chịu hạ nhiệt, nhưng vẫn còn neo giá ở mức cao, trung bình 86.000-90.000 đồng/kg. Mức giá này dự báo sẽ kéo dài sang năm 2021, vì cơ bản nguồn cung vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. “Thậm chí nếu tăng nhập thịt heo sống từ nước ngoài, tới đây giá nhập khẩu cũng tăng, vì doanh nghiệp nước ngoài cũng đâu thích bán giá thấp”, ông Nguyễn Ngọc An nhận định.

Cơ quan quản lý đồng hành doanh nghiệp

Với những khó khăn nói trên, dù đặt kế hoạch tổng doanh thu năm 2020 đạt 5.580 tỷ đồng, tăng 12% so với năm ngoái, lợi nhuận trước thuế của Công ty Vissan được Hội đồng Quản trị thống nhất trình cổ đông chỉ ở mức 180 tỷ đồng, giảm 20% so với năm ngoái. Nhóm sản phẩm thịt heo tươi sống cũng được Vissan đặt mục tiêu tiêu thụ chỉ bằng 88% so với năm ngoái, tương ứng 21.332 tấn. Riêng nhóm thực phẩm chế biến đặt mục tiêu tăng 9%, tương ứng 28.660 tấn. Đồng thời, không chia cổ tức nhằm tăng năng lực tài chính cho kế hoạch thực hiện dự án di dời, đổi mới và đầu tư công nghệ nhà máy giết mổ gia súc, chế biến thực phẩm Vissan có vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng.

Trên thực tế, việc tiêu thụ nhóm thực phẩm tươi sống của Công ty Vissan do nguồn cung khan hiếm, giá bán tăng cao, nhưng bù lại ở nhóm thực phẩm chế biến, sản lượng và sức mua trong thời điểm giãn cách xã hội đã tăng khá cao, thậm chí một số mặt hàng tăng tới 50% so với cùng kỳ. Đây chính là cách để Vissan có thể gia tăng đầu tư, đưa thêm nhiều sản phẩm mới để chính phục thị trường. Ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Vissan cho hay, tới đây Vissan sẽ đẩy mạnh chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu heo hơi, hướng đến đáp ứng nhu cầu của công ty tăng thêm 20%-30% trong dài hạn.

Đặc biệt, việc phát triển các sản phẩm thịt tươi sống đóng khay vỉ, theo quy trình sản xuất thịt mát và đóng gói theo công nghệ MAP (khay thịt được bơm hỗn hợp khí nhằm đảm bảo thịt luôn tươi ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ được tối đa giá trị dinh dưỡng) cũng được xem là một trong những chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực của Công ty Vissan trong giai đoạn mới. Đặc biệt, trong năm 2020, Vissan sẽ mở rộng và đa dạng hóa kênh bán hàng trực tuyến qua website để cung cấp những sản phẩm tươi ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất.

Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, việc tập trung hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh cần dựa trên những nguyên tắc nhất định, như phải tăng cường các hoạt động tiếp xúc DN để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. Phải lấy nhu cầu của DN làm cơ sở để xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời và hiệu quả. Phát huy vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp TP và các hội ngành nghề trong việc làm cầu nối của DN và việc triển khai các cơ chế chính sách đến từng DN trên địa bàn.

Mặt khác, sở cũng quan tâm đến việc mở rộng thị trường trong nước, thông qua triển khai các chương trình khuyến mãi tập trung; trong đó có Chương trình “60 ngày vàng khuyến mãi trên địa bàn thành phố” và Chương trình “Kích cầu tiêu dùng năm 2020”. Điểm nổi bật của các chương trình này là được tổ chức kết hợp 2 kênh mua sắm truyền thống và thương mại điện tử; hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mãi lên tới 100%; DN được hỗ trợ 100% chi phí tham gia trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm. Riêng Chương trình “Kích cầu tiêu dùng năm 2020” được triển khai theo hình thức hội chợ với quy mô 650 gian hàng, nhằm hỗ trợ DN TP đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong bối cảnh cùng cả nước bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ DN mở rộng thị trường, vào tháng 9-2020, TP sẽ tổ chức Chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành nhằm tiếp tục hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, đưa hàng hóa TPHCM vào hệ thống phân phối các tỉnh thành và ngược lại.

Ở góc độ chuyên gia, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh Kantar Vietnam World Panel, cho rằng, dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến thói quen, tâm lý, hành vi của người tiêu dùng. Trong giai đoạn hiện nay, DN cần cập nhật thường xuyên trên số liệu người mua hàng và dự báo nhu cầu tiêu dùng. Theo đó, DN nên chú trọng động lực tăng trưởng từ hoạt động tiếp thị, chuyển động các kênh mua sắm... Đây được xem là một trong những yếu tố quan trọng DN cần hiểu rõ để cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của khách hàng thời hậu dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục