Doanh nghiệp Pháp tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam

Ngày 4-11, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Édouard Philippe, Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp đã tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Pháp - Việt 2018 tại TPHCM. 
Doanh nghiệp Pháp và Việt Nam trao đổi nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, phát triển thị phần tại Việt Nam
Doanh nghiệp Pháp và Việt Nam trao đổi nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, phát triển thị phần tại Việt Nam

Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp Pháp và Việt Nam. Đây là cơ hội để doanh nghiệp hai nước tìm hiểu rõ hơn những cơ hội đầu tư phát triển tại Việt Nam cũng như tại Pháp.

Lĩnh vực hạ tầng, công nghệ thông tin và thị trường tiêu dùng hút đầu tư

Phát biểu tại diễn đàn, ông Henri Charles Claude, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp cho biết, những nỗ lực cải cách chính sách, môi trường đầu tư của Việt Nam trong các năm qua đã tạo những cơ chế thoáng, hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 10-2018, đã có 2.458 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15,028 tỷ USD. Hiện đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam. Trong đó, Nhật Bản đang là quốc gia dẫn đầu về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 5,893 tỷ USD, chiếm 39,2% tổng vốn đăng ký cấp mới. Kế đến là Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc… Riêng với doanh nghiệp Pháp, tuy đã có mặt tại Việt Nam hơn 20 năm nhưng sự hiện diện của doanh nghiệp Pháp trên thị trường vẫn chưa thực sự rõ nét.

Theo các diễn giả tham dự diễn đàn, có 3 lĩnh vực tiềm năng mà doanh nghiệp Pháp cần tính toán đầu tư do có rất nhiều lợi thế là cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và thị trường tiêu dùng. Ở lĩnh vực hạ tầng, cả nước có hàng ngàn khu chế xuất, khu công nghiệp, khu đô thị nhưng rất ít doanh nghiệp đầu tư hệ thống hạ tầng tiếp nhận và xử lý chất thải đủ tiêu chuẩn an toàn cho môi trường. Ngoài ra, Việt Nam là 1 trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Do vậy, những dự án hạ tầng liên quan đến cải thiện tình trạng ngập nước, sử dụng năng lượng tái tạo sẽ rất cần thiết trong thời gian tới.

Với lĩnh vực công nghệ thông tin, Chính phủ Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế kỹ thuật số. Hiện nhiều đề án thành phố thông minh tại các tỉnh thành như TPHCM, Bình Dương, Đà Nẵng… đang được triển khai xây dựng. Không chỉ vậy, sản xuất số cũng đang được các doanh nghiệp tại Việt Nam áp dụng. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết, tính về tốc độ tăng trưởng, ngành công nghệ thông tin luôn duy trì mức 16%/năm. Riêng ngành sản xuất phần mềm duy trì mức tăng trưởng 25%/năm trong vòng 3 năm tới. Hiện Việt Nam đang có 78.000 kỹ sư công nghệ thông tin, 300 trường đại học đang đào tạo 55.000 sinh viên, dự kiến đến năm 2020, sẽ đào tạo 1 triệu sinh viên công nghệ thông tin.

Còn ở khía cạnh thị trường, năm 2017, quy mô thị trường bán lẻ đạt 130 tỷ USD và con số này sẽ tăng nhanh lên 280 tỷ USD trong 7 năm tới. Riêng với thương mại điện tử hiện đang chiếm 2% trong tổng quy mô thị trường bán lẻ và sẽ đạt mức 7,7% trong 7 năm tới. Đại diện Tập đoàn Andros (Pháp) cho rằng, những sản phẩm tiêu dùng liên quan đến an toàn sức khoẻ, sản phẩm làm đẹp, sản phẩm tốt cho sức khoẻ nhất là với đối tượng trẻ em sẽ là những dòng sản phẩm chiếm ưu thế tại thị trường Việt Nam.

Thúc đẩy nhanh việc thông qua FTA Việt Nam - EU

Đồng thuận với quan điểm của các diễn giả, ông Francois Corbin, Chủ tịch phái đoàn Medef  cho biết, tính cho đến hiện tại, đây là phái đoàn doanh nghiệp thứ 13 của Pháp đến tìm hiểu môi trường đầu tư và phát triển tại thị trường Việt Nam trong năm 2018. Việt Nam đã ký kết rất nhiều Hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương và đa phương với nhiều nước trên thế giới. Điều này không chỉ mở ra cơ hội thị trường rất lớn cho các doanh nghiệp Việt mà còn cho cả doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.

Hiện có rất nhiều hình thức để doanh nghiệp Pháp có thể đẩy nhanh tốc độ đầu tư cũng như gia tăng sự hiện diện của mình tại Việt Nam, như: đầu tư trực tiếp, liên doanh với các doanh nghiệp nội hoặc thực hiện mua bán và sáp nhập, chuyển nhượng thương hiệu… Thực tế cho thấy, đã có một số doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển rất tốt như Tập đoàn Thaco Trường Hải, Vingroup, hãng hàng không Vietjet Air, Viettel… Ngoài ra, còn có những doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện cổ phần hóa rất mạnh như Vinamilk, Sabeco… Những doanh nghiệp này không những tận dụng rất tốt từ nguồn lực vốn trong nước mà còn đang tập trung huy động nguồn quỹ tài chính nước ngoài để phát triển mạnh thị phần trong và ngoài nước.

Thế nhưng, ở góc độ doanh nghiệp Pháp, nhiều ý kiến cho rằng khó khăn là hiện FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) chưa được thông qua. Điều này khiến thuế suất nhập khẩu hàng hóa từ châu Âu vào thị trường Việt Nam vẫn ở mức cao, gây ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp châu Âu tại thị trường Việt. Vấn đề khác liên quan đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng gian, hàng giả tại Việt Nam chưa được hiệu quả.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Gérald Darmanin, Bộ trưởng Bộ Công vụ và Hành chính công Pháp cho biết, trong khả năng của mình, Pháp sẽ nỗ lực để sớm thông qua FTA Việt Nam - EU. Cũng tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Pháp đã ký kết hợp tác ghi nhớ đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng sạch, hạ tầng và công nghệ thông tin.

Tin cùng chuyên mục