Doanh nghiệp nội gặp khó

Nghiên cứu của nhiều chuyên gia kinh tế cho thấy, lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới chỉ là sân chơi mà các doanh nghiệp (DN) FDI tận dụng được. 

Thậm chí, việc tận dụng lợi thế FTA từ thị trường Việt Nam của các DN FDI còn gây ra sự cạnh tranh khốc liệt hơn cho DN nội, không những trên sân nhà mà còn cả trên trường quốc tế. 

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, nói rõ, bất kỳ một FTA nào cũng chỉ cho phép tỷ lệ hàng hóa nhất định được nhận thuế suất ưu đãi. Do vậy, nếu DN FDI mạnh về vốn và quy mô sản xuất đã xuất khẩu sản lượng chạm ngưỡng cho phép được hưởng thuế suất ưu đãi, thì với phần còn lại, các DN khác phải xuất khẩu với thuế suất không ưu đãi. 

Có thể thấy, trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ xuất khẩu khối FDI chiếm 73,7%; khối nội chỉ đạt 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này cho thấy hoạt động xuất khẩu của DN nội yếu hơn rất nhiều so với khối ngoại. Về lâu dài còn có nguy cơ đẩy kim ngạch xuất khẩu phụ thuộc vào khối ngoại. 

Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho rằng, sở dĩ DN FDI đang đẩy mạnh đầu tư mới cũng như không ngừng mở rộng sản xuất tại Việt Nam, trong khi số DN trong nước giải thể ngày càng tăng cao, là do có sự chưa hợp lý trong việc áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư dành cho DN. Trong khi DN ngoại đầu tư sẽ được nhiều địa phương áp dụng chính sách hỗ trợ như miễn giảm chi phí thuê đất, giảm thuế thu nhập DN, ưu đãi miễn thuế nhập khẩu... thì DN trong nước muốn đầu tư phải đóng đủ tất cả thuế, phí trên. 

Ông Nguyễn Phước Hưng cho biết thêm, các DN thành viên Hiệp hội DN TPHCM đã nhiều lần kiến nghị cần phải cải thiện môi trường đầu tư và phát triển DN; tập trung chủ yếu vào việc hỗ trợ vay vốn, quỹ đất đầu tư, chính sách thuế. Hiện nguồn vốn tín dụng luôn là yêu cầu cấp thiết của DN trong quá trình kinh doanh.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách giúp DN tiếp cận các nguồn vốn tốt nhất. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng thương mại chưa thực hiện một cách chủ động, tích cực. Chính vì vậy, cộng đồng DN mong muốn các ngân hàng thương mại thực hiện đồng bộ các chính sách khoanh nợ, gia hạn thời hạn trả nợ, cơ cấu nợ (bao gồm cả nợ gốc và lãi tới hạn). Bên cạnh đó, cần triển khai mạnh mẽ chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho DN.

Chính phủ đã có quy định giảm thuế GTGT từ 10% về 8%, nhưng cần làm rõ danh mục hàng hóa giảm thuế để thuận lợi cho DN kê khai và cơ quan chức năng thực thi. Một rào cản khác khiến nhiều DN e ngại trong quá trình hoạt động là quy định DN phải chịu trách nhiệm pháp lý về sau. Để DN yên tâm hoạt động, cần thiết ban hành nguyên tắc cho phép DN không phải chịu trách nhiệm liên đới, lâu dài đối với các sai sót vô ý, có nguyên nhân khách quan và không thể kiểm soát được. 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhấn mạnh, cần phải công bằng hơn cho DN nội. Đơn cử như với lĩnh vực dệt may, hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ cũng như lãnh đạo tỉnh, thành cần thiết dành ưu tiên quy hoạch khu công nghiệp chuyên ngành dệt may. Thế nhưng, rất ít tỉnh, thành dành suất ưu tiên quy hoạch khu công nghiệp cho ngành.

Tin cùng chuyên mục