Doanh nghiệp nội chuyển mình nâng chất hàng Việt

Chiếm ưu thế ở thị phần nội địa đã khó, nhưng giữ được thị phần dài hơi đối với doanh nghiệp (DN) trong nước còn khó hơn nhiều. Điều này đòi hỏi DN phải chủ động hơn trong việc cải thiện năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. 

Thắng lớn thị trường nội địa

Kết quả khảo sát từ Nielsen Việt Nam công bố gần đây, phần lớn người tiêu dùng Việt chỉ mua hàng tiêu dùng nội địa. Theo các chuyên gia kinh tế, điều này xuất phát từ thực tế nhiều DN trong nước đã chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng hàng hóa, thay đổi hình thức bao bì, nhãn hàng, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của người dân trong nước. 

Nhiều doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, nâng cao chất lượng hàng Việt
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, cho biết, trước đây DN trong nước chỉ tập trung cho xuất khẩu do có giá trị gia tăng cao. Điều này đã tạo khoảng trống nhất định trong thị phần nội địa, tạo cơ hội cho hàng gian, hàng giả từ bên ngoài tràn vào; hàng kém chất lượng từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trôi nổi trên thị trường, gây mất niềm tin của người tiêu dùng trong nước. Ở phân khúc cao hơn, chất lượng tốt hơn thì rơi vào tay hàng ngoại nhập. 

Trước thực tế đó, nhiều DN Việt có thương hiệu uy tín đã chuyển hướng khai thác thị trường. Theo đó, tập trung phát triển song song thị trường xuất khẩu lẫn thị trường nội địa. Phương châm được các DN đưa ra là chắc chân thị trường nội địa, tạo cơ sở mở rộng thị trường xuất khẩu. Sự chuyển hướng này bước đầu tạo những hiệu quả tích cực cho hoạt động sản xuất của DN, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, thị phần xuất khẩu bị gián đoạn và nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng cao. 

Cũng theo bà Lý Kim Chi, chỉ tính từ đầu năm đến nay, rất nhiều DN sản xuất trong lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm, sau khi chuyển sang tập trung cho thị phần nội địa, đã duy trì và phát triển khá ổn định. Đơn cử như Công ty cổ phần Sài Gòn Food, hiện vẫn duy trì công suất sản xuất các mặt hàng thực phẩm chế biến như hải sản, hải sản đông lạnh, cháo tươi... đạt 30 tấn/ngày, sản lượng sản xuất tính đến 15-4 đạt 450 tấn và đến hết tháng 4-2020 đạt 900 tấn. Còn Công ty CP Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (Vifon) mạnh tay hơn, khi tạm cắt đơn hàng xuất khẩu để ưu tiên sản xuất cho thị trường nội, dù đơn hàng xuất khẩu tăng 300%. Riêng Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), vốn tập trung chính thị trường nội địa, đã có mức tăng trưởng ngoạn mục trong khoảng thời gian gần đây; lượng tiêu thụ đồ hộp của công ty tăng gần 100%, xúc xích tiệt trùng tăng 15%-20%, hàng đông lạnh tăng trên 20%...

Để doanh nghiệp nhanh chuyển mình

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết thêm, nhiều DN lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm đã tận dụng được cơ hội để sản xuất hết công suất, đầu tư đổi mới công nghệ, đưa ra thêm nhiều sản phẩm mới, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm công nghệ chế biến nông sản, vừa giúp tháo gỡ khó khăn cho nông dân, vừa tăng thời gian bảo quản, nâng cao giá trị sản phẩm tại thị trường nội địa và xuất khẩu… Hiện các DN này đã có sự tăng trưởng cao trong thời gian qua, đồng thời dự báo sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội phát triển.

Ghi nhận tại thị trường xuất khẩu khó tính như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… cho thấy, hàng Việt sau một thời gian chuyển đổi từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu qua chế biến, có thương hiệu, đã dần chiếm chỗ đứng nhất định. Người tiêu dùng thế giới đã biết đến và ưu tiên sử dụng hàng Việt ngày càng tăng. Điều này cũng đã khẳng định chất lượng hàng Việt không thua kém hàng ngoại. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2020, dù dịch bệnh lan rộng nhưng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt hơn 121 tỷ USD và chỉ giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt có 4 mặt hàng trong số đó có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 52,7%.

Do đó, cùng với việc mở rộng thị phần xuất khẩu thì việc chiếm lĩnh thị phần nội địa không phải là khó. Vấn đề là DN sẽ phải tính toán lại khâu đầu tư mở rộng thị phần tiêu thụ nội địa. Liên quan đến vấn đề này, TS Huỳnh Thanh Điền (Đại học Nguyễn Tất Thành) cho rằng, DN cần nắm bắt tốt hơn những phản ứng của người tiêu dùng liên quan đến chất lượng và sự phù hợp của sản phẩm, công nghệ, các quy trình sản xuất, công tác kiểm tra chất lượng, phương thức, hệ thống phân phối, dịch vụ chăm sóc khách hàng… để lên kế hoạch tái cấu trúc, chuyển đổi cho phù hợp. DN cũng cần nắm các chuẩn mực tiến bộ về sản phẩm, công nghệ, phương thức quản trị, nhân lực và tiêu chuẩn mới của ngành để làm cơ sở đối chiếu với thực trạng DN mình, đồng thời làm cơ sở đối chiếu với chất lượng hàng ngoại nhập. 

Ở chiều ngược lại, nhiều DN cho rằng các cơ quan chức năng cần triển khai nhanh các gói hỗ trợ DN đã được Chính phủ phê duyệt. Trong đó, tập trung giảm lãi suất vay vốn và giãn nợ đối với các khoản vay hiện hữu. Cho vay ưu đãi với lãi suất 0% hoặc hỗ trợ một phần chi phí trả công cho lao động để DN duy trì được bộ máy nhân sự hiện có, giữ chân được lao động lành nghề và lao động có trình độ chuyên môn. Các DN cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiến hành xác định, đánh giá những ngân hàng đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ thiết thực với DN thì mới được áp dụng hạ lãi suất điều hành. Đồng thời xây dựng bộ quy tắc chuẩn mực áp dụng chung cho khối ngân hàng về việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thống nhất tiêu chí xác định biên độ giảm lãi, quy trình thẩm định và xét duyệt. Cần thúc đẩy nhanh việc tìm thị trường nguyên liệu, thị trường tiêu thụ mới cho DN ngoài thị trường tiềm năng, tạo cơ hội để DN đổi mình kết hợp nâng chất hàng Việt, giữ ổn định thị phần tiêu thụ nội địa.

Tin cùng chuyên mục