Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó

Đã hơn 3 tháng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng nặng nề. Dù vậy, ngay trong thời điểm khó khăn nhất đã có không ít DN trong nước miệt mài sáng tạo, đưa ra những sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng, từ đó tăng doanh thu chờ ngày dịch qua đi.
Nón chống dịch và khẩu trang vải kháng khuẩn của Saigon Co.op được người tiêu dùng ưa chuộng

Thu hút người tiêu dùng bằng sản phẩm mới lạ

Vào thời điểm khi dịch mới bùng phát, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh tại thị trường nội địa đã bị gián đoạn do nhu cầu tiêu dùng giảm sút, thói quen tiêu dùng thay đổi. Tuy nhiên, đứng trước khó khăn, thách thức, các DN trong nước lại càng sáng tạo hơn, bền bỉ hơn khi liên tục tạo ra những sản phẩm mới, xu hướng mới phù hợp với thị trường. 

Doanh nhân Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc ABC Bakery, chia sẻ thời điểm dịch mới diễn ra, doanh thu bán hàng của DN bị giảm mạnh. “Lúc đó, tôi đã nghĩ cần kích thích người tiêu dùng bằng cách tạo cầu cho thị trường. Sau đó, tôi đưa ra sáng kiến sản xuất bánh mì thanh long và được sự đón nhận tích cực của người tiêu dùng”, ông Lực nhớ lại thời điểm quyết định đưa sản phẩm bánh mì thanh long ra thị trường. 

Sau sản phẩm này, thị trường đã chứng kiến hàng loạt các loại thực phẩm sản xuất từ những loại trái cây quen thuộc từng cần “giải cứu” do dịch bệnh, như dưa hấu, khoai lang…, đã được DN chế biến thành những sản phẩm mới phong phú hơn, hấp dẫn hơn. Tất cả đều gây bão trên thị trường và góp phần giúp DN tăng doanh thu giữa mùa dịch. 

Không dừng lại ở những sản phẩm trên, rất nhiều ý tưởng độc đáo như sản xuất bánh tráng từ nước ép trái cây, rau củ; sản xuất mì sợi từ nông sản… cũng được DN nghiên cứu đưa ra thị trường. Có thể kể tới như Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ bột mì (Vikybomi) nghiên cứu cho ra những sản phẩm từ bột mì kết hợp với các loại nông sản như thanh long, dưa hấu. Hay Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Duy Anh (TPHCM) đã làm ra các loại bánh tráng, bún, phở khi đưa nước ép củ dền, nghệ, trà xanh vào làm nguyên liệu sản xuất. Không chỉ tiêu thụ tại nội địa, những sản phẩm này đã nhanh chóng được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Đáp ứng đúng xu hướng của người Việt

Còn nhớ cuối tháng 2-2020, khi thị trường thiếu hụt khẩu trang y tế do cầu tăng đột biến, ngay thời điểm đó rất nhiều DN sản xuất và bán lẻ đã liên kết sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn. Tới nay, hàng triệu khẩu trang vải kháng khuẩn đã được nhà bán lẻ Saigon Co.op đưa ra thị trường qua hơn 800 điểm bán trên toàn quốc. “Khẩu trang vải kháng khuẩn là sản phẩm thương hiệu riêng của Saigon Co.op, được bán không lợi nhuận với giá trung bình chỉ 7.000 đồng/cái. Khẩu trang vải được chúng tôi liên kết chặt chẽ với nhà sản xuất tạo ra, có thể diệt khuẩn hoặc ức chế vi khuẩn phát triển nhờ các chất kháng khuẩn được đưa vào vải một cách hợp lý”, đại diện của Saigon Co.op cho biết. 

Ngoài khẩu trang vải kháng khuẩn, rất nhiều sản phẩm chống dịch như nước rửa tay khô, nón chống dịch, buồng khử khuẩn… cũng liên tục được cung cấp ra thị trường và được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn. Theo đó, với nón chống dịch, chỉ riêng tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra đang đưa ra thị trường hơn 10 mẫu nón chống dịch dành cho cả người lớn và trẻ em, với giá từ 79.000 đồng đến 139.000 đồng/cái. Với nước rửa tay khô, rất nhiều thương hiệu trước đây vốn không sản xuất thì nay khi nhu cầu người tiêu dùng tăng, cũng nhanh tay nghiên cứu đưa ra thị trường. 

Theo giới kinh doanh, nhờ những sản phẩm mới lạ, độc đáo kể trên, thị trường vốn đang trầm lắng vì dịch bệnh đã được sôi động phần nào, từ đó giúp DN duy trì được doanh thu, tạo việc làm cho lao động để chờ dịch qua đi. Bằng chứng là doanh thu của hầu hết các sản phẩm trên đều được các DN ghi nhận tăng mạnh, bù đắp cho những sản phẩm tiêu thụ chậm, hoặc không tiêu thụ được vì cầu giảm. Công ty Bột giặt NET và Công ty Bột giặt LIX là 2 trường hợp điển hình, đã có doanh thu tăng đột biến trong quý 1-2020 nhờ nhanh tay sản xuất nước rửa tay khô. Trong đó, NET có doanh thu tăng trưởng tới 42%, còn LIX cũng tăng 308 tỷ đồng so với quý 1-2019, khi đạt doanh thu trên 900 tỷ đồng. 

Nhìn lại cách các DN “xoay xở” trong mùa dịch, có thể coi là một “bài kiểm tra” sức bền, độ nhanh nhạy của DN, sức chống chọi của họ như thế nào. Dù biến động, nhiều DN vẫn tin tưởng có thể biến “nguy” thành “cơ” nếu nhận thức đầy đủ trong tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn. Bởi lẽ, điều quan trọng lúc này chính là cầm cự, duy trì hoạt động để chờ cơ hội khi dịch kết thúc. Đây cũng là dịp để các DN nhìn lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, tính tới tái cấu trúc, thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi dòng sản phẩm, thay đổi các thị trường chính và thậm chí là thay đổi công nghệ. 

Và quan trọng hơn, những thay đổi đó thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng hàng Việt nhiều hơn, tin yêu hàng Việt hơn, qua đó, góp phần đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tin cùng chuyên mục