Doanh nghiệp nhanh nhạy chuyển hướng may khẩu trang

Trong khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh thì nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam lại “sống khỏe, sống ổn” nhờ nhạy bén chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang chống dịch. Tuy nhiên, Việt Nam có nên trở thành công xưởng may khẩu trang của thế giới hay không? Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương về vấn đề này.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương

Khả năng xuất khẩu lớn

- PHÓNG VIÊN: Việt Nam là nước đứng nhóm đầu về sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may với kim ngạch 39 tỷ USD mỗi năm nhưng nhiều doanh nghiệp hiện quay sang sản xuất khẩu trang. Ông đánh giá thế nào về sự chuyển hướng này?

Ông TRẦN THANH HẢI: Dệt may là ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam, hiện đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu, chỉ sau nhóm hàng điện thoại. Các sản phẩm dệt may của Việt Nam sản xuất khá đa dạng, đáp ứng được hầu hết các phân khúc mà thị trường thế giới yêu cầu.

Thế nhưng khi dịch xảy ra, dệt may Việt Nam phải đối mặt với “cú sốc kép”. Tháng 2, khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam bị gián đoạn nguồn cung nguyên liệu (chủ yếu là vải) từ Trung Quốc. Sang tháng 3, khi nguồn cung được nối lại thì cũng là lúc dịch bùng phát ở châu Âu, Hoa Kỳ khiến thị trường gần như đóng băng, khách hàng liên tiếp đề nghị giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng.

Trong bối cảnh đó, việc nhanh nhạy chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang trở thành giải pháp để các doanh nghiệp dệt may có thể duy trì sản xuất, giữ chân công nhân và tạo thu nhập để giảm bớt thiệt hại do bị tạm dừng các đơn hàng. Nhìn chung, khẩu trang là sản phẩm không đòi hỏi đầu tư nhiều, về cơ bản nhà xưởng, thiết bị và công nhân ở các doanh nghiệp dệt may đều có thể làm được khẩu trang. Vì thế, khả năng sản xuất khẩu trang của doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn, sau khi đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước thì có thể xuất khẩu.

- Hiện nay năng lực sản xuất khẩu trang vải của các doanh nghiệp trên cả nước ra sao và tiềm năng trong thời gian tới thế nào?

Theo thông tin do Cục Công nghiệp, Bộ Công thương tổng hợp, chỉ tính riêng 50 doanh nghiệp đã có báo cáo với Bộ Công thương, năng lực sản xuất khẩu trang lên đến 8 triệu cái/ngày, tức khoảng 200 triệu cái mỗi tháng. Nếu tính trên quy mô cả nước thì sản lượng sẽ lớn hơn rất nhiều.

Nguyên liệu sản xuất khẩu trang về cơ bản không quá khắt khe. Trước đây, doanh nghiệp phải nhập khẩu vải kháng khuẩn hoặc hóa chất để sản xuất ra vải kháng khuẩn. Nhưng hiện nay một số doanh nghiệp, điển hình như Công ty Dệt lụa Nam Định, đã có thể tự sản xuất vải kháng khuẩn hoàn toàn từ nguyên liệu sinh học trong nước. Do vậy, nếu có thị trường, khách hàng thì năng lực sản xuất khẩu trang hiện nay của chúng ta còn có thể nâng cao hơn nữa.

- Vậy những sản phẩm khẩu trang nào Việt Nam đang sản xuất, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, thưa ông?

Khẩu trang vải là sản phẩm đơn giản nhưng từ khi nhu cầu về khẩu trang vải tăng cao, các doanh nghiệp đã đầu tư vào khâu thiết kế, mẫu mã, chất liệu để nâng cấp, cải tiến sản phẩm này. Sản phẩm khẩu trang vải cơ bản hiện nay là khẩu trang 2 lớp, trong đó có 1 lớp là vải kháng khuẩn. Nhiều doanh nghiệp đã nâng cấp sản xuất các loại khẩu trang vải 3 lớp, 4 lớp. Ngoài lớp kháng khuẩn có thể có thêm lớp vải kháng nước, chống giọt bắn. Thời kỳ đầu, khẩu trang vải được làm bằng loại vải mềm nên có thể không thuận lợi cho người dùng, đeo lâu gây cảm giác khó thở và khi nói chuyện thì biến dạng theo giọng nói, thiếu mỹ quan. Những loại khẩu trang vải sau này được tạo dáng cố định, qua đó tạo khoảng không gian trước mũi, dễ thở hơn và không bị biến dạng khi người dùng phát biểu. Các doanh nghiệp cũng có cải tiến về dây đeo, nẹp mũi để người dùng có thể sử dụng khẩu trang trong thời gian dài, đảm bảo vừa khít khuôn mặt, nâng cao tác dụng che chắn, lọc khuẩn.

Chỉ mang tính thời vụ

- Theo ông, liệu Việt Nam có nên trở thành “công xưởng” sản xuất khẩu trang cho thế giới không chỉ trong dịch Covid-19 mà còn trong tương lai hay không?

Việt Nam có đủ năng lực để trở thành quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để coi đây là ngành sản xuất lâu dài thì cần tính đến một số yếu tố. Thứ nhất, trên thị trường thế giới, khẩu trang đồng nghĩa với khẩu trang y tế, việc sử dụng khẩu trang vải chưa phổ biến. Vì vậy, cần thông tin, quảng bá thêm để người dùng nhận biết và chuyển sang sử dụng loại khẩu trang này. Thứ hai là công tác xúc tiến thương mại, tìm khách hàng cần được đẩy mạnh trong bối cảnh nhiều khách hàng nước ngoài chưa biết về khả năng sản xuất khẩu trang vải của Việt Nam. Khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống. Do vậy, đây là mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao.

Vì vậy, các doanh nghiệp có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này nhưng để coi đây là sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần thận trọng. Đã có một vài doanh nghiệp thông báo nhận được đơn hàng dài hạn về khẩu trang nhưng con số này còn rất ít. Các doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang vải cũng cần lưu ý, thị trường các nước phát triển thường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng, tính an toàn với người sử dụng. Các doanh nghiệp cần tìm hiểu về các tiêu chuẩn này để đáp ứng, xin các giấy chứng nhận phù hợp để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.

- Vậy Bộ Công thương làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang vải?

Ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Công thương đã tổ chức kết nối các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải với các doanh nghiệp phân phối, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị lớn để đẩy mạnh tiêu thụ khẩu trang vải ở trong nước. Hiện nay, trước tình hình năng lực sản xuất khẩu trang vải được mở rộng nhưng thị trường trong nước đang dần bão hòa, Bộ Công thương đã chỉ đạo các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài khẩn trương liên hệ, tìm kiếm các đầu mối, doanh nghiệp ở nước ngoài để giúp tiêu thụ sản phẩm khẩu trang vải. Các thông tin đã được đưa lên cổng thông tin của bộ để doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải có thể đăng ký tham gia kết nối với các thương vụ và nhận thông tin về các nguồn và nhu cầu nhập khẩu của nước ngoài.

- Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục