Doanh nghiệp nhà nước cần kiến tạo phát triển những địa bàn khó khăn

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tập đoàn tiếp tục góp phần giữ ổn định vĩ mô, đảm bảo an ninh cho nền kinh tế, đặc biệt là an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp nhà nước cần góp phần kiến tạo nền tảng phát triển ở những địa bàn khó khăn, quan tâm đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn mà tư nhân không muốn đầu tư.

Hướng đến kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), sáng 10-10, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu trong hoạt động sản xuất kinh doanh và xây dựng Đảng.

Doanh nghiệp nhà nước cần kiến tạo phát triển những địa bàn khó khăn ảnh 1 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu trong hoạt động sản xuất kinh doanh và xây dựng Đảng. Ảnh: QUẾ SƠN

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, cấp ủy các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong khối đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác xây dựng Đảng; đoàn kết, quyết tâm cao, đạt kết quả tốt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. 

Theo Chủ tịch nước, vai trò của các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, tập đoàn kiểm tra giám sát, thực hiện tốt công tác cán bộ, đảm bảo dân chủ cơ sở; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng; luôn quan tâm đến người lao động.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước trong Khối luôn đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; là công cụ quan trọng để Nhà nước thực hiện điều tiết, đảm bảo các cân đối, ổn định kinh tế vĩ mô; đóng góp hơn 20% tổng thu ngân sách quốc gia hằng năm và thực hiện các hoạt động an sinh xã hội.

Về một số tồn tại, thách thức doanh nghiệp nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương trong thời gian tới tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, kiện toàn mô hình tổ chức Đảng đảm bảo đồng bộ với quy mô, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của doanh nghiệp theo hình thức phù hợp. 

Chủ tịch nước lưu ý, cần tách bạch rõ ràng để xác định đúng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đảng bộ Khối và Đảng bộ các doanh nghiệp giám sát, chấn chỉnh các yếu kém, thất thoát trong các doanh nghiệp nhà nước, không để xảy ra tiêu cực. Đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ. Song song đó, tăng cường nghiên cứu, phân tích tình hình trong nước và quốc tế, đưa ra dự báo sát thực tiễn để tận dụng cơ hội, giảm rủi ro thách thức, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. 

Về một số nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu hệ thống quản trị các doanh nghiệp Nhà nước phải kiện toàn nâng cấp, cải thiện các quy trình, nâng cao tính tự chủ và kỷ luật để tăng năng lực cạnh tranh của tập đoàn, tổng công ty; áp dụng quản trị hiện đại, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực đủ  tầm.

Doanh nghiệp nhà nước cần kiến tạo phát triển những địa bàn khó khăn ảnh 2 Quang cảnh buổi gặp gỡ. Ảnh: QUẾ SƠN
Theo Chủ tịch nước, có thể ban hành các chỉ số để theo dõi và đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Các đơn vị nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ, xây dựng một hệ sinh thái các doanh nghiệp vừa và nhỏ xung quanh đơn vị mình, hình thành các chuỗi giá trị. Các doanh nghiệp cần chủ động hội nhập và vươn ra cạnh tranh quốc tế.
Trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, doanh nghiệp Nhà nước phát triển ở những địa bàn khó khăn, quan tâm đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn mà tư nhân không đầu tư được.
Doanh nghiệp nhà nước cần kiến tạo phát triển những địa bàn khó khăn ảnh 3 Chủ tịch nước chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: QUẾ SƠN

Chủ tịch nước cũng yêu cầu các tập đoàn tiếp tục góp phần giữ ổn định vĩ mô, đảm bảo an ninh cho nền kinh tế, đặc biệt là an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường.

Tại buổi gặp gỡ, lãnh đạo các doanh nghiệp đã báo cáo Chủ tịch nước kết quả thực hiện công tác xây dựng Đảng, chuyển đổi số; hoạt động tín dụng ngân hàng; đảm bảo an ninh năng lượng; đảm bảo an ninh lương thực; cung cấp dịch vụ viễn thông… 

Theo báo cáo của lãnh đạo Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, với 38 Đảng bộ trực thuộc, gần 88.000 đảng viên, 9 tháng qua, các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối tiếp tục duy trì tốt nhịp độ sản xuất kinh doanh, tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu toàn Khối ước đạt 1,54 triệu tỷ đồng, tăng gần 39%; nộp ngân sách Nhà nước ước đạt gần 225.000 tỷ đồng, tăng gần 24%. Các doanh nghiệp trong Khối đã ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 số tiền gần 32.200 tỷ đồng; tham gia công tác an sinh xã hội gần 5.000 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục