Doanh nghiệp ngoại ồ ạt vào Việt Nam

Chỉ tính riêng trong tháng 12-2017, TPHCM đã đón gần 800 doanh nghiệp (DN) thuộc 15 quốc gia đến tìm hiểu thị trường và cơ hội đầu tư. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong năm 2018, số DN ngoại đến Việt Nam nói chung và TPHCM sẽ còn tăng. Vậy đâu là lý do khiến DN ngoại ồ ạt tìm hiểu cơ hội đầu tư tại nước ta? 
Sản xuất IC linh kiện bán dẫn tại doanh nghiệp Nhật Bản trong KCX Tân Thuậ. Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất IC linh kiện bán dẫn tại doanh nghiệp Nhật Bản trong KCX Tân Thuậ. Ảnh: CAO THĂNG
Dư địa thị trường Việt Nam hấp dẫn
Phân tích về tình hình đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến nay đã có DN của 129 quốc gia tham gia với 24.580 dự án và tổng vốn đầu tư trên 316,9 tỷ USD.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo chiếm tỷ lệ đầu tư lớn nhất với gần 59%; kế đến là kinh doanh bất động sản, dịch vụ lưu trú, xây dựng, chiếm gần 24%; sản xuất phân phối điện, khí gas, nước chiếm 6,5%; phân phối bán sỉ, lẻ ô tô chiếm 2%... Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn 57 tỷ USD, kế đến Nhật Bản 49 tỷ USD, Singapore 42 tỷ USD, Trung Quốc 12 tỷ USD… 
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thông tin Việt Nam đang trở thành một trong 5 quốc gia hấp dẫn đầu tư nhất tại khu vực Đông Nam Á. Môi trường đầu tư Việt Nam đang có nhiều lợi thế thu hút DN như tăng trưởng kinh tế ổn định và duy trì mức trên 6%; thu nhập bình quân đầu người tăng 6,5% vào năm 2017.
Việt Nam có 55 triệu người đang trong độ tuổi lao động. Song song đó, tỷ lệ lao động có trình độ tay nghề cao đã được cải thiện và phân bố khá tập trung tại các thành phố lớn. Cơ sở hạ tầng giao thông đã được cải thiện nhiều trong 3 năm gần đây, giúp hoạt động kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành thuận lợi hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Việt Nam được đánh giá cao khi có vị trí chiến lược, chỉ trong vòng 9 giờ bay là có thể tiếp cận 50% thị trường thế giới. Hơn 50 quốc gia trên thế giới đã mở cửa thị trường cho hàng sản xuất tại Việt Nam, thông qua các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết. 
Hầu hết các DN tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào ngành hàng thiết bị điện - điện tử, đồ chơi công nghệ, phụ tùng, máy móc linh kiện, vật liệu xây dựng, thiết bị trang trí nội, ngoại thất, thực phẩm đồ uống và làm đẹp. 
Thêm nhiều chính sách ưu đãi 
Theo bà Nguyễn Thị Huyền Ngọc, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam, để gia tăng tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư tại Việt Nam, nhiều chính sách ưu đãi đã được Chính phủ ban hành và bộ ngành chức năng đẩy mạnh triển khai. Đáng kể như chính sách đồng nhất thuế thu nhập DN nội địa với DN đầu tư nước ngoài, nhằm tạo sự cạnh tranh công bằng. Mức thu thuế thu nhập DN cũng giảm từ 25% xuống còn 22% hoặc 20%, tùy từng trường hợp và lĩnh vực cụ thể. 
Tại Việt Nam, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút đầu tư nhất. Bên cạnh đó, lĩnh vực phân phối có xu hướng tăng dần, khi Việt Nam chính thức mở cửa cho đầu tư phân phối vào đầu năm 2018 và 2019. 
Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Hàn Quốc cho biết, chỉ tính từ năm 2010 đến nay, vốn đầu tư trực tiếp Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng 3 lần, lên mức 50 tỷ USD; kim ngạch thương mại song phương cũng tăng 2 lần, lên mức 42,8 tỷ USD. Trong thời gian tới, DN Hàn Quốc sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, thông tin tuyên truyền, bất động sản… Về phía Nhật Bản, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TPHCM nhấn mạnh, DN Nhật Bản sẽ ưu tiên đầu tư ngành chế biến thực phẩm tiện dụng phân khúc trung và cao cấp, ngành dịch vụ và hệ thống phân phối tại Việt Nam. Riêng Trung Quốc - một trong 5 nhà đầu tư lớn tại Việt Nam - cho biết sẽ tập trung đầu tư ngành dệt, may.
Đặc biệt, DN đầu tư thuộc những lĩnh vực và khu vực ưu đãi còn được hưởng những chính sách thêm, như mức thuế suất thấp hơn hoặc miễn giảm thuế thu nhập DN trong một thời gian nhất định. Đơn cử, DN đầu tư các dự án xã hội hóa giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao sẽ được hưởng mức thuế thu nhập DN là 10%, áp dụng cho toàn thời gian dự án. Nếu dự án trên đầu tư tại các địa bàn khó khăn, sẽ được cộng thêm ưu đãi như miễn thuế thu nhập DN 4 năm và giảm 50% trong 9 năm kế tiếp. Nếu DN đầu tư vào các dự án nông nghiệp, thủy hải sản tại địa bàn kinh tế khó khăn cũng được hưởng mức thuế thu nhập DN là 10%.
Những DN đầu tư vào ngành công nghiệp trọng điểm, ngành bảo vệ môi trường, dự án quy mô lớn đặt trong khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp… sẽ được hưởng mức thuế thu nhập DN 10% trong 15 năm hoạt động. Trong những năm tiếp theo (kể từ khi có lợi nhuận), sẽ được miễn thuế thu nhập DN 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm kế tiếp. Song song đó, doanh nghiệp đầu tư còn được miễn thuế nếu nhập thiết bị máy móc phục vụ cho dây chuyền sản xuất của dự án, mà trong nước chưa sản xuất được.
Để đón làn sóng đầu tư DN ngoại trong thời gian tới, Việt Nam đã hoàn thiện hạ tầng và đưa vào vận hành 324 khu công nghiệp. Trong đó, có 43 khu công nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, 16 khu kinh tế ven biển và 3 khu công nghệ cao. Định hướng xu hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới, bà Ngọc cho biết, Chính phủ Việt Nam khuyến khích DN đầu tư các dự án có giá trị cao, sử dụng công nghệ hiện đại, dự án chuyển từ gia công sang sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao hoặc các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ hiện đại; dự án quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục