Doanh nghiệp nên chủ động “khám bệnh”

Tại một cuộc hội thảo vừa diễn ra cách nay ít ngày, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận và xử lý hàng trăm vụ kiện, trong đó hơn 50% vụ liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu. Điểm giống nhau của hầu hết các vụ việc dẫn đến tranh chấp chính là sự cả tin, thiếu hiểu biết của DN bị hại. 

Thực tế trên cho thấy, nhiều DN Việt Nam khi làm ăn với nước ngoài đã thiếu cẩn trọng, dễ dẫn đến thua thiệt. Vẫn biết, đã kinh doanh thì phải chấp nhận rủi ro. Rủi ro ở đây có thể xuất hiện như do chuyển biến của tình hình kinh tế - xã hội thì chính sách có thể thay đổi, hoặc thiên tai làm thay đổi chiến lược, kế hoạch của công ty. 

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan, thì còn do chính DN không nắm rõ những quy định pháp luật Việt Nam và quy định pháp luật của nước sở tại. DN tìm đến thị trường mới ở nước ngoài nhưng không hiểu rõ về khách hàng, không dự báo được thị trường…

Đây là những rủi ro mà DN chưa có đề phòng, cũng như chưa sẵn sàng đối diện với môi trường kinh doanh thế giới. Điển hình như DN phải đối mặt với các hợp đồng hợp tác, hợp đồng thương mại không chặt chẽ, chưa cảnh giác với các thương vụ hấp dẫn, từ đó dễ bị động trong đàm phán và giải quyết tranh chấp quốc tế.

Điểm hạn chế của DN Việt Nam là chưa có thói quen sử dụng tư vấn pháp luật trong ký hợp đồng hoặc trước khi ký hợp đồng, mà chỉ khi rủi ro xảy ra rồi thì mới đến nhờ luật sư tư vấn tìm biện pháp xử lý.

Trong trường hợp này, gặp “bệnh nặng” mới khám và chữa thì không thể gỡ nổi, bởi các thỏa thuận đã được ký kết, “bút sa gà chết”. Vì tư vấn pháp luật cũng chỉ làm theo thông lệ và luật pháp quốc tế chứ làm sao “bẻ cong” công lý được.

Tin cùng chuyên mục