Doanh nghiệp mong được gỡ vướng để tăng tốc phát triển

Nghị quyết HĐND TPHCM khóa IX đã đề ra chỉ tiêu năm 2017 TPHCM tăng trưởng từ 8,4% - 8,7%.
Từ đầu năm đến nay, các DN dệt may vẫn hoạt động ổn định và phát triển
Từ đầu năm đến nay, các DN dệt may vẫn hoạt động ổn định và phát triển
Như vậy, từ nay đến cuối năm, đòi hỏi chính quyền các cấp, các sở ngành của TP phải vào cuộc mạnh mẽ để gỡ vướng cho doanh nghiệp (DN), tăng tốc đạt mức tăng trưởng từ 9,2% đến 9,5%.Kết quả tốt nhưng vẫn cần gỡ vướng Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Sài Gòn 3 kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết,  đầu năm 2017, khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì các DN trong ngành lo lắng. Nhưng thực tế, từ đầu năm đến nay, các DN dệt may vẫn hoạt động ổn định và phát triển với tỷ lệ tăng trưởng hơn 10%. “Các DN ở TPHCM mạnh dạn đầu tư thiết bị, cải tiến quản lý, chính là một trong những lý do quan trọng mang lại kết quả trên. Từ đây đến cuối năm cũng có những dấu hiệu tốt, nhất là các tháng 8, 9, 10 hàng năm sẽ vào cao điểm, các đơn hàng nhiều nên hoạt động của ngành sẽ có tác động tích cực đến phát triển kinh tế của TPHCM nói riêng”, ông Phạm Xuân Hồng nhận định. Về chính sách chung, ông Phạm Xuân Hồng nêu yêu cầu TPHCM cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại hơn nữa, tạo thuận lợi để DN tiếp cận với thị trường thế giới. Sắp tới, TPHCM có tổ chức hội chợ ở Lào. Đây là thị thường không lớn nhưng các thị trường nhỏ như thế này cũng cần được quan tâm hơn. Ngoài ra, về thủ tục thuế, hải quan đã có thay đổi theo hướng tích cực, nhưng TPHCM cần tiếp tục tháo gỡ để tạo thuận lợi, thông thoáng hơn cho DN”. Ở lĩnh vực thực phẩm, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food (Saigon Food) cho hay, tính từ đầu năm đến nay, công ty có tốc độ tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến vào tháng 9-2017, khi phân xưởng mới hoàn thành, đưa vào hoạt động cùng với việc Saigon Food kết hợp phân phối ra kênh truyền thống là các tiệm tạp hóa, các cửa hàng thực phẩm (thay vì chỉ phân phối cho đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi như lâu nay) thì kết quả kinh doanh của đơn vị sẽ càng tốt hơn. Dù vậy, bà Lê Thị Thanh Lâm cho rằng, nếu Saigon Food nhận được sự hỗ trợ tốt hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư máy móc, mở rộng nhà xưởng, thì gánh nặng trả lãi vay sẽ giảm, không phải trả lãi theo lãi suất thương mại như bây giờ. Bà Lâm đề nghị chính quyền TPHCM làm sao mở rộng thông tin, chủ động cho các DN làm ăn hiệu quả có kế hoạch mở rộng hoạt động được tiếp cận vốn vay ưu đãi. Nhiều DN kinh doanh thực phẩm cũng kiến nghị được đối thoại với chính quyền và Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP về việc kiểm tra các quy định về an toàn thực phẩm nhằm sớm giải tỏa các vướng mắc về các thủ tục rườm rà, nhiêu khê trong việc kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm… Chưa kể, một số chỉ tiêu đưa ra quá nghiêm ngặt, thậm chí cao hơn chỉ tiêu của Nhật Bản. Những vấn đề trên đã gây nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của DN cần sớm được giải tỏa.Bảo lãnh vay vốn, mở rộng quy mô Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2017, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết, trong thời gian qua, UBND TP đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN, cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, thực hiện các chương trình kết nối cung - cầu, kết nối DN - ngân hàng… đã có khoảng 4.000 DN vay được hơn 89.300 tỷ đồng. Ngoài ra, TPHCM cũng thực hiện chương trình tháo gỡ khó khăn cho DN với dư nợ cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên đạt gần 148.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo thống kê của TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn TP có hơn 20.000 DN được thành lập mới nhưng cũng có gần 8.900 DN đóng cửa, giải thể. Còn trên cả nước, số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, bên cạnh con số trên 61.000 DN được thành lập mới thì có tới 43.000 DN giải thể, tạm dừng hoạt động và phá sản trong 6 tháng đầu năm 2017. Đặc biệt có hơn 92% DN phá sản là DN vừa và nhỏ có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Từ các con số này, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Tiến sĩ kinh tế Võ Thị Ngọc Thúy, Trường ĐH Kinh tế - Luật cho rằng, các DN này có nội lực yếu và dễ bị “tổn thương” trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, nên TPHCM cần có các biện pháp hỗ trợ hiệu quả. Các DN vừa và nhỏ muốn tồn tại, cạnh tranh và phát triển được thì phải đầu tư công nghệ, thu hút và giữ chân lao động. Song thực tế, các DN này khó khăn trong việc tiếp cận vốn, khiến nhiều DN lâm vào cảnh giải thể hoặc phá sản”, TS Võ Thị Ngọc Thúy nói. Tương tự, đại diện Hiệp hội DN TPHCM cũng cho biết đối tượng được hỗ trợ vốn chưa tập trung nhiều vào DN vừa và nhỏ. Nhóm DN này không có nhiều lợi thế tiếp cận ngân hàng bằng DN lớn. Từ đó, TS Võ Thị Ngọc Thúy đề xuất: “Các DN vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn mở rộng đầu tư, chuyển đổi công nghệ cao và thu hút lao động chất lượng cao. Vì vậy, TPHCM cần hỗ trợ bảo lãnh các DN này được vay vốn ngân hàng (thông qua việc xét duyệt kế hoạch, lộ trình phát triển, khả năng trả nợ… của DN) để đầu tư chuyển đổi công nghệ cao. Sự hỗ trợ này sẽ tăng sức cạnh tranh, mở rộng quy mô hoạt động của DN và trước mắt góp phần đảm bảo mức tăng trưởng như Nghị quyết của HĐND TP. Về lâu dài, việc hỗ trợ này cũng đảm bảo các DN tăng trưởng bền vững và thực hiện theo đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu của TP”. Bên cạnh đó, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí - Điện TPHCM cho biết, chính sách hỗ trợ cho các DN sản xuất (như chương trình kích cầu hỗ trợ vốn cho DN sản xuất đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ) là hỗ trợ rất tốt cho các DN. Theo đó, DN có thể được bù lãi suất đến 100% nhưng để vay được tiền thì rất gian nan vì đòi hỏi phải có dự án tốt và cả tài sản thế chấp. Mặc khác, mặc dù hoạt động của ngành cơ khí đang phát triển song lao động thường hay di chuyển sang khối các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Một nhân sự ngành cơ khí, muốn làm tốt công việc thì phải được đào tạo từ 6 tháng đến 1 năm, nhưng đến khi thạo nghề thì bị nơi khác hút mất. Chính sự không ổn định này khiến nhiều DN cơ khí cân nhắc, không dám mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Để giải quyết khó khăn trên, ông Đỗ Phước Tống cho biết, hiệp hội tham gia hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành song cũng rất cần các chính sách cụ thể, định hướng đào tạo, dạy nghề từ phía chính quyền.
                           Doanh nghiệp du lịch tự bơi là chính

Theo đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2017, hoạt động du lịch của TPHCM có sự tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2017, khách quốc tế đến TPHCM chỉ ước đạt gần 2,8 triệu lượt. Dự kiến năm 2017, thu hút được khoảng 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 55 triệu lượt khách nội địa, đưa tổng doanh thu du lịch đạt 112.000 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TPHCM Nguyễn Thị Khánh cho biết, trong các tháng 9, tháng 10 sẽ là mùa cao điểm du lịch nên đây là thời điểm thu hút một lượng lớn khách quốc tế đến TPHCM. Tuy nhiên, để tạo sự hấp dẫn, giữ chân du khách ở TPHCM lâu hơn (hiện nay độ dài lưu trú của khách quốc tế chưa được 2 đêm) thì TPHCM cần phải tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, mũi nhọn. “Tiềm năng du lịch của TPHCM là rất lớn và nếu có sản phẩm hấp dẫn thì khả năng thu hút 10 triệu khách quốc tế đến TPHCM mỗi năm nằm trong tầm tay. Nhưng thực tế, sản phẩm du lịch hấp dẫn của TPHCM rất thiếu. Các doanh nghiệp du lịch tự bơi, tự tìm kiếm khách hàng là chính. Thời gian qua, Sở Du lịch TPHCM có nhiều nỗ lực tạo ra các sản phẩm du lịch để kéo khách đến TPHCM, nhưng sức hấp dẫn, sự thành công của các sản phẩm cần được xem xét thông qua sự đánh giá của du khách. Sở Du lịch cần có bộ phận nghiên cứu, khảo sát về văn hóa, sở thích, thị hiếu… của du khách và xem xét khả năng đáp ứng của mình thế nào để bổ sung, điều chỉnh”, bà Nguyễn Thị Khánh đề nghị.

Tin cùng chuyên mục