Doanh nghiệp không có "sinh nhật lần 2" là… bình thường!

Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM khóa IX diễn ra sáng nay 12-7, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) TPHCM Nguyễn Việt Dũng phân tích, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có ý tưởng đột phá, có thể thành công hoặc có thể không gặp thời để thành công.


Tại phiên chất vấn, ĐB Lê Thị Ngọc Thanh dẫn lại, qua thống kê của các nhà nghiên cứu thị trường cho thấy, nhiều công ty khởi nghiệp không có cơ hội kỷ niệm "sinh nhật lần 2". Trước thực tế này, TPHCM với đặc thù về sự năng động, sáng tạo thì có giải pháp gì giúp các doanh nghiệp vượt qua thử thách khởi nghiệp sáng tạo, đóng góp nhất định cho xã hội?

Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Việt Dũng trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM khóa IX. Ảnh: VIỆT DŨNG 

Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Việt Dũng cho rằng, việc doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thất bại là bình thường, kể cả các nước trên thế giới. Bởi vì các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có ý tưởng đột phá, có thể thành công hoặc có thể không gặp thời để thành công. “Điều đó là bình thường”, ông Nguyễn Việt Dũng khẳng định và giải thích thêm về chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Qua đó có các giải pháp cụ thể hỗ trợ nhiều hơn cho các nhóm khởi nghiệp, để lường trước được bước đi của mình.

Tiếp tục trả lời chất vấn của ĐB Cao Thanh Bình (quận 9) về nhận định hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chưa tương xứng, Giám đốc Sở KH-CN thông báo trong 2 năm qua đã kết nối được 24 cơ sở ươm tạo và hỗ trợ đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP. Tuy nhiên, các cơ sở ươm tạo nhà nước chưa phát huy vai trò xứng tầm nên thời gian tới Sở KH-CN tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực cho bộ phận quản lý của các cơ sở ươm tạo. Cùng với đó là nỗ lực tăng cường kết nối, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau giữa khu vực công, tư và quốc tế.

Đại biểu Cao Thanh Bình (quận 9) chất vấn về hoạt động khởi nghiệp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngoài ra, việc kết nối giữa viện, trường và doanh nghiệp (trong hoạt động khởi nghiệp sáng tạo) chưa hiệu quả. Đây là vấn đề nhức nhối vì sự hợp tác, chia sẻ giữa khu vực trường, viện và doanh nghiệp còn hạn chế.

Ông Nguyễn Việt Dũng cũng cho rằng, trong hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, nhà nước có vai trò quyết định trong việc gắn kết nên phải có chương trình dài hơi, có trọng tâm, trọng điểm kết nối giữa trường, viện và doanh nghiệp. Đồng thời còn có ngân sách dài và sự chung tay đóng góp của các doanh nghiệp.

Đề cập đến một nội dung khác, ĐB Lê Minh Đức (quận Thủ Đức), thắc mắc trong thời gian qua ở TPHCM có bao nhiêu đề tài nghiên cứu được ứng dụng và mang lại hiệu quả?

ĐB Lê Minh Đức (quận Thủ Đức) chất vấn tại hội trường. Ảnh: VIỆT DŨNG 

Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Việt Dũng khẳng định thời gian qua, TPHCM đã nỗ lực thúc đẩy các ứng dụng nghiên cứu. Giai đoạn 2016-2018, có trên 300 đề tài đã được nghiệm thu với gần 90% đề tài đã chuyển giao. Trong đó, nhiều nghiên cứu chuyển giao ngay lập tức cho doanh nghiệp và sản xuất, bán đại trà ra thị thường, được công ty thương hiệu lớn đón nhận.

Giám đốc Sở KH-CN mong muốn có được những kết quả nghiên cứu tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng thực tế hiện nay thì không đơn giản, do kinh phí nghiên cứu khoa học hàng năm thấp, khoảng 200 tỷ đồng mà quy mô kinh tế TPHCM là gần 1 triệu tỷ đồng.

“Chúng ta thử hình dung, 90% đề tài có ứng dụng nhưng kinh phí nghiên cứu 300 đề tài chỉ khoảng 200 tỷ đồng”, ông Nguyễn Việt Dũng phân tích và dẫn chứng, ở Nhật 1 đề tài của 2 GS là 20-30 triệu USD, thực hiện trong 3 năm. Tuy vậy, Sở KHCN tiếp tục nỗ lực kết nối các nhà khoa học, kết nối kết quả nghiên cứu của trường, viện với doanh nghiệp.

Chưa hài lòng, ĐB Lê Minh Đức phân tích mặc dù 90% đề tài nghiệm thu có ứng dụng hiệu quả nhưng tỷ lệ ứng dụng trực tiếp chỉ khoảng 33%, vẫn thấp. Vì vậy, ĐB Đức đề nghị Sở KH-CN cần cố gắng để các đề tài nghiên cứu được ứng dụng trực tiếp vào sản xuất phải tăng hơn nữa.

Bày tỏ quan tâm nội dung này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm, cho rằng 90% đề tài được ứng dụng nhưng cần xem xét các đề tài này giải quyết các vấn đề đột phá gì của TP? Hiện nay, TPHCM có nhiều vấn đề lớn chưa giải quyết được nên Sở KH-CN cần suy nghĩ theo hướng kết nối các đề tài nghiên cứu gắn với thực tiễn TP.

ĐB Nguyễn Thị Thanh Thúy nhận xét, hầu như người dân TPHCM nào cũng sử dụng điện thoại thông minh. Vậy trên nền tảng khoa học nghệ, Sở KH-CN nghĩ gì về việc hình thành trung tâm dữ liệu để giải quyết kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường… mà TPHCM đang đối diện?

Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Việt Dũng khẳng định đã dành 20% kinh phí để hỗ trợ các đề tài nghiên cứu thực hiện 7 chương trình đột phá, góp phần tham gia giải quyết những vấn đề của TPHCM, trong đó có kẹt xe, ngập nước.

Trong lĩnh vực giao thông, Sở KHCN có hợp tác với Đại học Quốc gia TPHCM để kết nối nhà hoa học. Tương tự, Trường Đại học Bác khoa cũng có đề tài ước lượng và trực quan hóa các thông số giao thông dựa trên hình ảnh.

“Ai cũng mong muốn có những đề tài nghiên cứu thì nay mai sẽ hết kẹt xe. Song, đó chỉ là mong muốn, bởi những vấn đề này không thể giải quyết một ngày được”, Giám đốc Sở KHCN Nguyễn Việt Dũng bày tỏ. Về TP thông minh, TPHCM sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu dùng chung, chắc chắn có sự tham gia tổn hợp của các nhà khoa học. Song song đó, TPHCM cũng sẽ ứng dụng khoa học công nghệ để người dân tham gia.

Tin cùng chuyên mục