Doanh nghiệp khởi nghiệp ít tiếp cận được chính sách hỗ trợ

Chỉ tiêu đến năm 2020, cả nước phát triển đạt 1 triệu doanh nghiệp đã là con số quá “kích cỡ”, nhưng vấn đề đáng bàn hơn là làm sao để doanh nghiệp ra đời và tồn tại, khi có quá nhiều chủ trương, chính sách nhưng doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được sự hỗ trợ.
Mặc dù chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp liên tục được Trung ương ban hành và tại các cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ cũng liên tục nhắc nhở các cấp triển khai thực hiện, thế nhưng trên thực tế, người dân và doanh nghiệp khởi nghiệp chưa tiếp cận được các chính sách này. Chỉ tiêu đến năm 2020, cả nước phát triển đạt 1 triệu doanh nghiệp đã là con số quá “kích cỡ”, nhưng vấn đề đáng bàn hơn là làm sao để doanh nghiệp ra đời và tồn tại, khi có quá nhiều chủ trương, chính sách nhưng doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được sự hỗ trợ.
Nhiều chính sách khó tiếp cận
Chỉ trong năm 2016, nhiều nghị định, quyết định, nghị quyết của Chính phủ ra đời có nội dung tập trung tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích hoạt động kinh doanh khởi nghiệp như Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18-5-2016 về việc phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 3-9-2016, về xây dựng chương trình khởi nghiệp quốc gia… Những quy định này tưởng sẽ là điểm nút tháo gỡ những bức bách của xã hội, khi mà theo khảo sát vào quý 1-2016 chỉ có 20,4% tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo và 55,7% tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức. Trong thực tế, nhiều cử nhân ra trường phải làm đủ nghề lao động chân tay để kiếm sống. Trong khi theo các nghiên cứu trên thế giới, hoạt động khởi nghiệp tập trung chủ yếu ở sinh viên, nhưng tỷ lệ khởi nghiệp kinh doanh ở sinh viên Việt Nam khá thấp. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2015 chỉ có 18,2% người trưởng thành Việt Nam có ý định khởi nghiệp trong vòng 3 năm tới, còn năm 2014 chỉ đạt 2%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung 12,4% của các nước.
Theo các nghiên cứu, khởi nghiệp là quá trình gồm 4 giai đoạn: (1) nhận thấy tiềm năng khởi sự kinh doanh, (2) mới thành lập, (3) điều hành doanh nghiệp mới, (4) chấm dứt hoạt động kinh doanh để có thể thành lập doanh nghiệp khác. Ngoài ra, khởi nghiệp cũng có thể là hoạt động đầu tư mới, bổ sung để phát triển sự nghiệp kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, có thể hình dung một doanh nghiệp khởi nghiệp phải có các đặc điểm là có 5 năm hoạt động kể từ ngày thành lập và hoạt động hướng đến sự đổi mới, phát triển, triển khai và thương mại các sản phẩm mới, quy trình hoặc dịch vụ từ công nghệ hay sở hữu trí tuệ… Do vậy, để hỗ trợ khởi nghiệp, các chính sách phải bắt nguồn từ hỗ trợ ý tưởng khởi nghiệp (như đào tạo, các khóa huấn luyện…) đến hỗ trợ trong quản trị doanh nghiệp, vốn, thuế…
Thế nhưng, với các chính sách vừa qua của Nhà nước, trên lý thuyết thì khá hấp dẫn, nhưng hiệu quả rõ ràng nhất chỉ thấy ở khâu hỗ trợ thủ tục khởi nghiệp, như cải cách hành chính, rút ngắn quy trình cấp phép kinh doanh, cơ chế một cửa… Còn lại, hầu như rất ít doanh nghiệp tiếp cận được đồng vốn. Việc tiếp cận các dịch vụ hạ tầng như truyền thông, năng lượng và các dịch vụ thiết yếu khác cho sản xuất kinh doanh tác động đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp mới hình thành, cũng chưa thể hiện rõ nét. Do vậy, theo các chuyên gia, việc hỗ trợ khởi nghiệp nên tập trung vào môi trường khởi nghiệp; từ sự hỗ trợ tài chính của các tổ chức cung cấp tín dụng đến các chính sách của Nhà nước trong việc phát triển doanh nghiệp tư nhân, sự hỗ trợ doanh nghiệp từ các tổ chức phi chính phủ và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin từ các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp. 
Doanh nghiệp khởi nghiệp ít tiếp cận được chính sách hỗ trợ ảnh 1 Nhu cầu về vốn, công nghệ quản trị... là nhu cầu lớn bức thiết đối với  doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp. Ảnh: CAO THĂNG
Cần hỗ trợ thông tin
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai (Trường Đại học Ngoại thương) cho biết, theo khảo sát các doanh nghiệp nữ cho thấy, có đến 81,96% doanh nghiệp nữ đối mặt với vấn đề thiếu vốn; thiếu mạng lưới bán hàng, tiếp thị, dịch vụ phân phối và đóng gói (62,1%); thiếu kỹ năng tiếp thị (59,74%)... Tuy nhiên, đây không phải là khó khăn của doanh nghiệp nữ, mà là khó khăn chung của các doanh nhân. Để khắc phục những khó khăn trên, hầu hết doanh nhân tìm đến sự hỗ trợ của bạn bè, gia đình hay họ hàng (62,03%) và rất ít doanh nhân tìm được sự hỗ trợ của các hiệp hội doanh nghiệp (18,35%).
Nhu cầu về vốn, công nghệ, quản trị… là những nhu cầu lớn, khá bức thiết đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp. Vì thế các chính sách hỗ trợ nên tập trung sâu vào những lĩnh vực này. Ngoài ra, quan trọng nhất vẫn là vai trò của các hội, hiệp hội trong việc làm cầu nối, hỗ trợ thông tin, đưa chính sách đến với doanh nghiệp. PGS-TS Hạ Thị Thiều Dao, Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, cho rằng ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước và hiệp hội thì doanh nghiệp cũng cần chủ động tự thay đổi để tiếp cận được các thông tin hỗ trợ cũng như nguồn vốn; đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập, Quỹ Bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chú ý tiếp cận các công nghệ mới, từ các hội chợ công nghệ, các trung tâm chuyển giao công nghệ; đặc biệt là các trung tâm thông tin khoa học công nghệ (theo PGS-TS Hạ Thị Thiều Dao thì Trung tâm Thông tin khoa học công nghệ TPHCM thời gian qua đã làm rất tốt vai trò này). Doanh nghiệp cũng có thể tự mình đầu tư phát triển công nghệ từ nguồn vốn của Quỹ Phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp. 
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tài trợ các ý tưởng khởi nghiệp trực tiếp cho sinh viên các trường hoặc thông qua các chương trình vườn ươm doanh nghiệp thay vì chỉ tài trợ học bổng như cách làm thông thường. Doanh nghiệp cũng nên đẩy mạnh tìm kiếm thông tin hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực quản lý, khả năng tiếp cận thông tin, đặc biệt là các thông tin hỗ trợ doanh nghiệp từ các lớp đào tạo, tập huấn về chuẩn bị hồ sơ vay vốn qua các cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Bộ Công thương hoặc của các tỉnh. Nếu không tự mình tìm kiếm thông tin, các doanh nghiệp có thể tham gia vào các hiệp hội để mở rộng mối quan hệ, giao lưu giữa các doanh nhân để chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh và cùng nhau phát triển. Thông tin các hiệp hội nhận được từ các tổ chức tài chính, cơ quan quản lý và đối tác liên quan cũng là nguồn hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục