Doanh nghiệp Hàn Quốc đối mặt “rủi ro Trung Quốc”

Ngày 9-8, tờ China Daily cho hay, nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng trở lại sau những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và điều này mang lại nhiều cơ hội cho Hàn Quốc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc Bắc Kinh thời gian qua siết chặt quản lý đối với khối doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ tạo ra gánh nặng lớn với Seoul.
Các container hàng hóa tập kết tại cảng Busan, Hàn Quốc. Ảnh: REUTERS
Các container hàng hóa tập kết tại cảng Busan, Hàn Quốc. Ảnh: REUTERS

Theo Bộ Thương mại, công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc, tháng 7 vừa qua, xuất khẩu của Hàn Quốc tăng 29,6%; trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, tăng 15,7% do nhu cầu về chip, các sản phẩm hóa dầu và màn hình của quốc gia tỷ dân tăng mạnh.

Woo Su-keun, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đông Á của Hàn Quốc, nhận định, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đã tác động tích cực đến Hàn Quốc. Nhu cầu tăng cao ở nhiều sản phẩm, như chất bán dẫn, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến ngành công nghiệp của xứ kim chi. Trong khi đó, các công ty của Hàn Quốc đang hoạt động tại Trung Quốc cũng đạt doanh thu kỷ lục trong quý 2-2021…

Triển vọng là vậy nhưng cũng không ít ý kiến bày tỏ quan ngại về “rủi ro Trung Quốc” đối với nền kinh tế của Hàn Quốc từ việc Bắc Kinh tăng cường kiểm soát chặt với khối doanh nghiệp tư nhân trong nước. Gần đây nhất, Trung Quốc cấm các doanh nghiệp giáo dục tư nhân phát hành cổ phiếu để huy động vốn.

Theo Đài KBS, biện pháp này của Chính phủ Trung Quốc là nhằm đối phó với sức ép từ Mỹ. Ngay từ thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Washington tuyên bố không chấp nhận âm mưu bá quyền của Bắc Kinh, giáng đòn mạnh vào Trung Quốc.

Tới thời Tổng thống Joe Biden, các biện pháp gây sức ép của Washington ngày càng quyết liệt hơn. Nhất là nhân vụ việc chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu bị lung lay do dịch Covid-19, Mỹ đã đứng ra thiết lập một chuỗi cung ứng mới đặt trọng tâm vào Mỹ, loại Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng. 

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Mỹ đang dần rút khỏi Trung Quốc. Doanh thu từ Trung Quốc chỉ chiếm chưa đầy 2% trên tổng doanh thu của các doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 (top 500 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa hàng đầu thị trường chứng khoán Mỹ). 

Việc chính quyền Trung Quốc đặt trọng tâm vào doanh nghiệp nội địa khiến cho chỗ đứng của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc, tại đại lục bị thu hẹp. Thêm vào đó, Bắc Kinh vẫn đang duy trì các biện pháp cấm vận “vô hình” để trả đũa vụ Seoul triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn THAAD. 

Trong thời gian qua, giữa 3 nước Đông Bắc Á hình thành một mối quan hệ hợp tác về sản xuất, xuất khẩu hàng hóa. Hàn Quốc nhập vật liệu, linh kiện từ Nhật Bản, sản xuất ra hàng hóa trung gian, rồi xuất sang Trung Quốc. Trung Quốc sẽ dùng số hàng hóa này để sản xuất và xuất khẩu thành phẩm.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng cao của Trung Quốc đang dẫn tới nhiều thay đổi trong quỹ đạo này. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng “rủi ro Trung Quốc” là hệ quả từ nhiều yếu tố phức tạp, là một sự thay đổi về quan hệ kinh tế căn bản, không phải nhất thời. Nếu như trước đây, thị trường đông dân nhất thế giới này thu hút các doanh nghiệp quốc tế nhờ giá nhân công rẻ, thì giờ đây sức hút này không còn.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang dần rút khỏi Trung Quốc. Đầu tư vào Trung Quốc của các doanh nghiệp Hàn Quốc từng lên tới đỉnh điểm là 7,2 tỷ USD vào năm 2013, tới năm ngoái giảm còn 4,3 tỷ USD. Trước những diễn biến mới này, giới chuyên gia kinh tế đều cho rằng Chính phủ Hàn Quốc cần đối phó một cách chặt chẽ và hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp để đối mặt với “rủi ro Trung Quốc”.

Tin cùng chuyên mục