Doanh nghiệp gặp khó, thu ngân sách đạt thấp

Sáng nay, 7-7, Bộ Tài chính tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến phát biểu tại hội nghị
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến phát biểu tại hội nghị
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, trước tác động của dịch Covid-19, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là thực hiện “nhiệm vụ kép” - vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất các giải pháp tài khóa ứng phó với dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Về thu ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính đã trình miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19 và vật tư, nguyên liệu đầu vào của một số ngành sản xuất chịu tác động lớn của dịch bệnh; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh; nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân; giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có doanh thu chịu thuế không quá 200 tỷ đồng…

Theo Bộ Tài chính, với một nền kinh tế hội nhập sâu, độ mở lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu còn hạn chế, nên mặc dù đã sớm kiểm soát được dịch ở trong nước với quy mô nhỏ, nhưng tác động của dịch đến nền kinh tế nước ta cũng rất nặng nề. Sản xuất kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đều ở mức thấp; giá dầu thô giảm sâu và việc triển khai các giải pháp tài khóa nhằm phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã tác động lớn đến cân đối thu, chi NSNN.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng thu NSNN ước đạt 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu thu từ cổ phần hóa đạt tiến độ dự toán, cộng với số thuế đã gia hạn, thì đạt khoảng trên 48% dự toán. “Đây là năm có tiến độ thu ngân sách đạt thấp nhất kể từ năm 2013, trong đó: thu nội địa đạt 44,1% dự toán, giảm 7,1%; thu dầu thô đạt 59,7% dự toán, giảm 28,7%; thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 43,1% dự toán, giảm 22,3% so với cùng kỳ 2019”, ông Đinh Tiến Dũng nói.

Trong thu nội địa, thu từ 3 khu vực kinh tế đều đạt thấp. Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 37,1% dự toán, giảm 21,5%; thu từ khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 41,9% dự toán, giảm 6,3%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 37,1% dự toán, giảm 15%. Kết quả này phản ánh thực trạng nền kinh tế hiện nay, cho thấy tình hình hoạt động của doanh nghiệp thực sự gặp nhiều khó khăn.

Cả nước có 34/63 địa phương thu 6 tháng đạt trên 50% dự toán; không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số thì chỉ có 14/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán; 30/63 địa phương tiến độ thực hiện thu đạt dưới 45% dự toán.

Trong 16 địa phương trọng điểm thu có điều tiết về Trung ương, chỉ có 5/16 địa phương đạt tiến độ thu nội địa trên 50% (Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu); 11 địa phương còn lại đạt dưới 50%, trong đó 8 địa phương đạt dưới 40% dự toán.

Tính đến cuối tháng 6, cơ quan thuế đã tiếp nhận, xử lý kịp thời, đúng quy định 149.000 đề nghị gia hạn thuế, tiền thuê đất của doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh. Tổng số tiền được gia hạn khoảng 43.000 tỷ đồng, thấp hơn so với dự báo (khoảng 180.000 tỷ đồng).   

Tổng chi NSNN tính đến hết tháng 6 ước đạt 41,8% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 33,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 50,3% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,2% dự toán. Đến nay, NSNN đã chi khoảng 15.300 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó: chi cho công tác phòng chống dịch là 4,1 nghìn tỷ đồng; chi hỗ trợ cho hơn 11 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ khoảng 11.300 tỷ đồng. 

Về giải ngân vốn đầu tư phát triển, tiến độ giải ngân 6 tháng đầu năm đạt 33,1% dự toán (trong đó: ngân sách trung ương đạt 28,6%; ngân sách địa phương đạt 30,7%), có khá hơn so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 28,56%). Tuy nhiên, nếu so với tổng vốn đầu tư công được phép giải ngân trong năm 2020 (bao gồm cả nguồn các năm trước chuyển sang) thì mới đạt xấp xỉ 29% dự toán; riêng giải ngân vốn ngoài nước mới đạt 10,2% dự toán năm 2020.

Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, 6 tháng cuối năm, các giải pháp để đạt được các mục tiêu đề ra là tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khóa, kể cả các giải pháp về thuế, phí để trình cấp có thẩm quyền quyết định, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp về tài khóa, tiền tệ đã ban hành; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu hút và chủ động tiếp nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài, phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng cho biết, bộ sẽ điều hành chi NSNN trong phạm vi dự toán được giao, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 (bao gồm cả kế hoạch năm 2019 chuyển sang); tập trung thực hiện rà soát, sắp xếp, lồng ghép các nhiệm vụ chi để cắt giảm các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết… Trường hợp sau khi sử dụng tất cả các giải pháp và nguồn lực trên mà cân đối NSNN còn khó khăn, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách nhà nước tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Tin cùng chuyên mục