Doanh nghiệp gặp khó khăn khi triển khai mô hình sản xuất “3 tại chỗ”

Ngày 21-7, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM tổ chức chương trình Cà phê doanh nhân lần thứ 56 trực tuyến, với chủ đề đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) vượt qua đại dịch Covid-19.

Công nhân của một doanh nghiệp tại TPHCM tập thể dục khi áp dụng mô hình sản xuất 3 tại chỗ
Công nhân của một doanh nghiệp tại TPHCM tập thể dục khi áp dụng mô hình sản xuất 3 tại chỗ

Tại chương trình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Chu Tiến Dũng cho biết, hiện nay, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, các DN đang tổ chức sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ), với rất nhiều khó khăn thách thức mà DN chưa bao giờ phải đối mặt.

Ông Chu Tiến Dũng thông tin, trong 1 tháng nay, các DN đã chuẩn bị giải pháp sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”. Từ 0 giờ ngày 15-7, TPHCM chính thức triển khai mô hình “3 tại chỗ” với các DN đảm bảo đủ điều kiện quy định về phòng chống dịch, đến nay, đã được 1 tuần.

Hiện nay, có 390 DN đăng ký, chiếm 60% DN đang làm việc, quy mô chỉ đạt 30%-40% lao động tham gia. Những ngày qua, qua kiểm tra của đoàn liên ngành, nhiều DN không đạt tiêu chuẩn “3 tại chỗ” và phải dừng sản xuất để hoàn thiện lại.

Theo ông Chu Tiến Dũng, khó khăn lớn nhất hiện nay trong triển khai mô hình sản xuất “3 tại chỗ” là bố trí mặt bằng về ăn nghỉ; hạ tầng cho người sinh sống tại nhà máy; bố trí ăn, ở, nấu nướng đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, chuỗi cung ứng, kho bãi, hệ sinh thái sản xuất đang bị đứt gãy nghiêm trọng vì không đồng bộ, các phương tiện vận tải lưu thông hàng hóa mỗi địa phương có quy định kiểm soát khác nhau làm cho DN gặp khó khăn.

Trước những khó khăn của DN, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM đã có văn bản kiến nghị UBND TPHCM có giải pháp tháo gỡ. Đến nay, đối với vấn đề lưu thông hàng hóa, Sở GTVT TPHCM phân luồng xanh cho các xe ô tô chở hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm… từ các tỉnh đến TPHCM và ngược lại do Sở Công thương TPHCM làm đầu mối, lập danh sách tổng hợp theo đề nghị của các DN.

Đối với xe chở hàng phục vụ sản xuất kinh doanh, xe chở chuyên gia, công nhân từ các tỉnh đến TPHCM và ngược lại, phục vụ hoạt động của các khu chế xuất, khu công nghiệp do ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp hoặc UBND TP Thủ Đức và các UBND quận, huyện làm đầu mối tổng hợp danh sách.

Xe chở hàng hóa ra, vào các cảng ở TPHCM, từ các tỉnh đến TP và ngược lại do các đơn vị quản lý cảng làm đầu mối. Xe chở hàng hóa thiết yếu, xe ô tô chở hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng hóa đến các cảng, khu công nghiệp, xe chở chuyên gia, công nhân của các khu chế xuất, khu công nghiệp lưu thông "quá cảnh" qua TPHCM do Sở GTVT các tỉnh, TP làm đầu mối tổng hợp danh sách.

Ông Chu Tiến Dũng cho rằng, hiện nay, diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp, chưa thể đánh giá được hết các tác động xấu đối với DN. Mặc dù, các DN đã thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” nhưng không có nghĩa là đã an toàn tuyệt đối mà khả năng lây nhiễm vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, DN phải kiên trì 5K và các biện pháp phòng chống dịch để không gây thiệt hại, tổn thất.

Về phía Hiệp hội có kiến nghị UBND TPHCM cho tổ chức xét nghiệm 1 đến 2 lần đối với các DN áp dụng mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, nhưng hiện nay quy định là 7 ngày xét nghiệm 1 lần.

Đồng thời, Hiệp hội kiến nghị UBND TPHCM xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn DN tổ chức sản xuất theo mô hình sản xuất “3 tại chỗ” để DN thuận lợi và chủ động trong việc này, nếu không DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức các hoạt động này.

Bên cạnh đó, ông Chu Tiến Dũng thông tin, vừa qua, hiệp hội khảo sát 100 DN về tình hình sản xuất trong 5 tháng đầu năm, cho thấy, sau 3 đợt dịch thì cộng đồng DN tiếp tục nỗ lực phục hồi sản xuất và có đà tăng trưởng nhất định. Từ đó, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của TPHCM. Tuy nhiên, các DN cũng gặp một số khó khăn trong 6 tháng đầu năm.

Đó là vấn đề thiếu vốn kinh doanh, đang là thách thức rất lớn đối với DN để phục hồi sản xuất; 54% DN khó khăn về tiếp cận thị trường do dứt gãy; những khó khăn do phải thực hiện các biện pháp chống dịch làm ảnh hưởng quá trình sản xuất kinh doanh; 23% DN gặp khó khăn về thủ tục hành chính; giá nguyên liệu đầu vào tăng cao làm ảnh hưởng sản xuất kinh doanh.

Về tiếp cận các chính sách, gần 50% DN phản ánh không tiếp cận được các chính sách của các gói hỗ trợ do thủ tục phức tạp, quá trình xem xét của các cơ quan về quy trình thủ tục DN chưa tiếp cận được một cách đầy đủ.

Tin cùng chuyên mục