Doanh nghiệp FDI ở Bình Dương vượt khó

Trong những tháng vừa qua, dịch Covid-19 đã gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trong đó có các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp đã năng động vượt khó để giữ chân người lao động và bạn hàng của các nước trên thế giới.
Công nhân Công ty Kaiser Việt Nam, Khu công nghiệp Mỹ Phước trong quá trình sản xuất
Công nhân Công ty Kaiser Việt Nam, Khu công nghiệp Mỹ Phước trong quá trình sản xuất

Đóng góp quan trọng

Theo thống kê mới nhất của Sở Công thương tỉnh Bình Dương, trong quý 1-2020 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Dương đạt hơn 5,8 tỷ USD, tăng 3,6%; còn kim ngạch nhập khẩu ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 4,3%; hoạt động ngoại thương cũng mang lại thặng dư thương mại đạt 1,6 tỷ USD, tạo nguồn ngoại tệ ổn định, là động lực gia tăng kim ngạch lớn trong những tháng tiếp theo. Kết quả này có sự đóng góp đáng kể của cộng đồng các doanh nghiệp FDI, với tổng doanh thu (bao gồm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu) trong quý 1-2020 ước đạt 3.299 triệu USD. 

Tính chung từ đầu năm đến giữa tháng 3-2020, thu hút vốn FDI vào Bình Dương là 293,5 triệu USD (bằng 54% cùng kỳ), lũy kế đến nay toàn tỉnh có 3.816 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký 34,6 tỷ USD với quy mô trung bình dự án khoảng 9,11 triệu USD. Trong đó, đầu tư vào các khu công nghiệp là 2.391 dự án với tổng vốn 23,1 tỷ USD, chiếm 67% số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn tỉnh.

Trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Bình Dương, Nhật Bản là quốc gia đứng đầu với 313 dự án có tổng số vốn đăng ký hơn 5,61 tỷ USD, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn tỉnh với các lĩnh vực chính là công nghiệp chế biến, chế tạo; tiếp đến là các quốc gia, vùng lãnh thổ như Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Hồng Công... 

Theo bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh Bình Dương, các doanh nghiệp FDI trong ngành có quy mô hoạt động lớn và có ưu thế về vốn. Dù chỉ chiếm 30% số doanh nghiệp nhưng lại đóng góp tới 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sản phẩm da giày của toàn tỉnh. Thời điểm dịch bệnh, các doanh nghiệp này đã chủ động đa dạng thị trường, tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên liệu thay thế thị trường Trung Quốc; sẵn sàng chấp nhận chi phí sản xuất tăng cao khi tìm đối tác mới.

Bên cạnh đó, khi dịch Covid-19 đang được kiểm soát, các doanh nghiệp FDI đã hối thúc sản xuất các đơn hàng được ký từ năm 2019 để dự phòng tình huống dịch bệnh có thể lên cao điểm dẫn đến dừng sản xuất. Do đó, tình trạng phải hủy đơn hàng, giãn tiến độ sản xuất không xảy ra với cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. 

Cùng nhận định trên, một cán bộ Ban Quản lý Khu công nghiệp VSIP Bình Dương cho biết, đến nay chưa có doanh nghiệp FDI nào hoạt động trong khu VSIP phải tạm dừng hoạt động hay sản xuất cầm chừng. Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ tỉnh Bình Dương, cũng cho rằng, doanh nghiệp FDI có nhiều kinh nghiệm buôn bán trên thị trường thế giới, bạn hàng truyền thống rất đông, dày vốn và bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam còn có sự hỗ trợ của chính quốc gia mà họ sinh sống. Điển hình như Mỹ, các nước châu Âu khi dịch bệnh thì đã có những gói hỗ trợ lớn, trực tiếp trợ lực cho doanh nghiệp để tiếp tục sản xuất.  

Tìm kiếm thị trường mới

Các doanh nghiệp FDI có quy mô nhỏ và vừa, phụ thuộc vào một số thị trường nhất định đã chịu các tác động rõ rệt từ dịch Covid-19. Ông Bảy Lý Nguyên, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Đài Loan, cho biết, dịch bệnh đã làm 40% doanh nghiệp Đài Loan tại Bình Dương bị ảnh hưởng với mức độ khoảng 50% công suất hoạt động so với trước, nhiều công ty đã phải giãn tiến độ sản xuất, cho nhân viên, công nhân tạm nghỉ để phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo chi trả 50% lương, đồng thời tìm kiếm thị trường mới. Đến thời điểm hiện tại đã có những kết quả khả quan nên doanh nghiệp thông báo cho công nhân đi làm trở lại. 

Tại Công ty TNHH Dewberry (vốn đầu tư của Pháp, có 800 lao động) có 2 nhà máy tại tỉnh Bình Dương nhưng hiện chỉ có 1 nhà máy lắp ráp thành phẩm ở TP Thuận An hoạt động, riêng nhà máy tại Khu công nghiệp Sóng Thần (TP Dĩ An) đã cho 80% số công nhân tạm nghỉ việc hưởng lương tối thiểu vùng theo quy định và chờ công ty mẹ tại Pháp hoạt động trở lại sau thời gian nước này ngưng việc phong tỏa để phòng chống dịch bệnh. Tuy vậy, nhà máy thành phẩm tại Bình Dương đã chủ động kế hoạch, tăng tốc sản xuất các đơn hàng ký từ trước Tết Nguyên đán để hoàn thành trước tiến độ ký kết nhằm hạn chế các ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động.

Từ các ảnh hưởng không mong muốn của dịch Covid-19 như trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ngay lúc này, doanh nghiệp cần có một chiến lược dài hơi, trong đó việc cần làm ngay là hoạch định chiến lược trong giai đoạn mới với sự thay đổi tư duy quản trị, đổi mới công nghệ, tạo kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất, đa dạng hóa thị trường… 

Tin cùng chuyên mục