Doanh nghiệp FDI nợ thuế - hồi chuông cảnh báo

Lâu nay hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được báo cáo thành tích dựa trên số vốn do doanh nghiệp FDI tự đăng ký. Trong khi, số vốn thực tế giải ngân đạt rất thấp.

Trong quá trình hoạt động thì nhiều doanh nghiệp kê khai tài sản khống để tăng chi phí khấu trừ, nhằm làm giảm lợi nhuận, giảm số thuế phải nộp. Ngoài hoạt động chuyển giá, doanh nghiệp FDI ở các khu chế xuất chỉ gia công, nhập nguyên liệu, xuất thành phẩm cũng tạo ra kim ngạch xuất nhập khẩu ảo, thì nay thị trường nóng lên với doanh nghiệp FDI nợ thuế rồi bỏ trốn…

Nợ hơn 2.400 tỷ đồng

Theo Cục Hải quan TPHCM, đến giữa tháng 5-2019, số thuế mà các doanh nghiệp FDI nợ lên tới trên 2.430 tỷ đồng. Trong đó, hơn một nửa, tức hơn 1.400 tỷ đồng thuộc diện nợ thuế khó thu hồi. Số nợ thuộc diện nợ khó đòi này chủ yếu phát sinh từ nhiều năm trước, nhưng đến nay cũng không thể đòi được. Mặc dù nhiều năm qua Cục Hải quan TPHCM đã áp dụng các biện pháp thu hồi thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế như thông báo công khai, phong tỏa tài khoản… nhưng vẫn không hiệu quả. Nguyên nhân do doanh nghiệp nợ thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, chủ doanh nghiệp cũng đã về nước.

Theo bảng biểu thống kê, có hơn 1.000 doanh nghiệp (với tổng số nợ gần 1.000 tỷ đồng) nợ thuế xuất nhập khẩu, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp FDI với số nợ lớn đã bỏ trốn. Đặc biệt, trong số này có nhiều doanh nghiệp FDI có số nợ trên 150 tỷ đồng và hàng chục doanh nghiệp nợ thuế vài chục tỷ đồng. Cụ thể, đứng đầu danh sách nợ thuế xuất nhập khẩu do Cục Hải quan TPHCM công bố là Công ty cổ phần NIVL (Bến Lức, Long An) với số nợ tính đến hết tháng 4-2019 là 150 tỷ đồng, chưa kể tiền phạt chậm nộp thuế trong nhiều năm qua. Doanh nghiệp này đã ngưng hoạt động nhiều năm qua, chủ doanh nghiệp cũng đã về nước, để lại số nợ khổng lồ cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI khác như Công ty TNHH Silver Star Việt Nam cũng nợ hơn 47 tỷ đồng; Công ty TNHH Neocacse Inc Việt Nam nợ gần 30 tỷ đồng…

Nhiều doanh nghiệp gia công bỏ trốn 

Theo thống kê, các doanh nghiệp FDI nợ thuế thuộc diện khó thu hồi ở Cục Hải quan TPHCM, đa số thuộc các ngành nghề buôn bán giày dép, giày da, may mặc… Các doanh nghiệp này chủ yếu đăng ký thực hiện loại hình đầu tư - sản xuất xuất khẩu, nhập khẩu gia công… Điển hình là Công ty TNHH Sản xuất giày dép Kwang Nam (Phú Nhuận) đăng ký ngành nghề đăng ký kinh doanh sản xuất và buôn bán giày dép, giày da phát sinh, nhưng có số nợ thuế gần 36 tỷ đồng; Công ty TNHH May mặc Hong Better nợ hơn 22 tỷ đồng; Công ty TNHH Sang Chun (huyện Hóc Môn) với ngành nghề chính chuyên may trang phục nợ 20 tỷ đồng; Công ty Karos (quận 2) nợ gần 21 tỷ đồng; Công ty TNHH Vina Haeng Woon Industry nợ hơn 21 tỷ đồng; Công ty TNHH Thời trang Sepplus Việt Nam nợ trên 19 tỷ đồng…

Nhà xưởng nơi Công ty TNHH Vina Haeng Woon Industry từng hoạt động
Ảnh: Thành Trí
Số nợ này chỉ mới tính trên số nợ thuế xuất nhập khẩu tại Cục Hải quan TP, chưa tính thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân tại cơ quan thuế. Đương nhiên, khi doanh nghiệp đã bỏ trốn thì số nợ sẽ không ngoại trừ quyết toán thuế bên cơ quan thuế. Và đương nhiên khi chủ doanh nghiệp đã bỏ nhà máy, rời Việt Nam thì việc thu hồi nợ là không thể.


Mặc dù lâu nay các chuyên gia đã cảnh báo ở các khu chế xuất thu hút doanh nghiệp FDI vào Việt Nam gia công, tận dụng mọi lợi ích quốc gia, như đất đai - đường - điện - nước - nhân công giá rẻ… nhưng không mang lại nhiều lợi ích cho đất nước. Quốc gia được gì từ hoạt động đầu tư này, là câu hỏi được nhiều người nhắc đến. Thậm chí, hiện nay lao động giá rẻ cũng đã khan hiếm, không còn là lợi thế để các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đầu tư, khai thác hưởng lợi, rồi bỏ trốn như thế. Do vậy, con số doanh nghiệp FDI nợ thuế bỏ trốn chính là hồi chuông cảnh báo để nhà nước xem xét lại hoạt động thu hút đầu tư trong lựa chọn, tinh lọc ngành nghề có giá trị gia tăng cao, hàm lượng chất xám lớn, đem lại lợi ích quốc gia và cả việc xem xét năng lực nhà đầu tư khi quyết định cho phép đầu tư.

Tin cùng chuyên mục