Doanh nghiệp đưa giải pháp chống hạn mặn, nâng cao sản xuất

Đợt hạn mặn năm nay tại các tỉnh ĐBSCL xảy ra cực đoan. Dù vậy, công tác dự báo khá tốt, đặc biệt là các địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó. Nông dân còn được doanh nghiệp hướng dẫn các giải pháp như sản xuất cây trồng chịu được hạn mặn, túi dự trữ nước di động chứa nước ngọt có thể linh động trong tưới tiêu.

Giải pháp tạm thời nhưng hiệu quả

Những ngày qua, nhiều khu vườn cây ăn trái thuộc xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre có túi ni lông màu đen nằm giữa ruộng, với công dụng chứa nước ngọt để phục vụ tưới tiêu. Nhờ vậy, vườn cây tắc, cây bưởi da xanh rộng hơn 3.500m2 luôn có nước ngọt ổn định. Trước đó, hạn mặn đã làm chết 1.500m2 vườn cây sầu riêng giống. Đợt hạn kéo dài thêm nắng nóng cũng làm cho ao dự trữ nước ngọt mau “bốc hơi”. Muốn có nước ngọt phải mua với giá 120.000 đồng/m3, nhưng không phải mua là có liền. “Với túi nước do Tập đoàn Phát triển nông nghiệp Việt Nam kết hợp với Công ty cổ phần Lavifood tặng, có thể chứa hơn 7m3 nước kết hợp giải pháp tưới nhỏ giọt, có thể tưới được khu vườn trong vòng 3 ngày. Với tính năng linh động, túi nước có thể đặt gần sông để những khi nước sông không còn mặn là hứng nước thuận tiện”, ông Hồ Văn Khởi phấn khởi cho hay, nhờ túi chứa nước mà đợt hạn mặn tiếp sẽ bớt lo lắng hết nước ngọt.

Nhờ những túi chứa nước mà vườn của ông Hồ Văn Khởi (tỉnh Bến Tre) được “sống lại” trong những ngày hạn mặn


Theo Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, trong những tháng đầu năm 2020, thiên tai đã gây thiệt hại không nhỏ đến sản xuất. Lũy kế thiệt hại tính đến thời điểm này, xâm nhập mặn gây thiệt hại cho 1.041ha cây trồng, trong đó diện tích lúa bị thiệt hại 299ha; tình trạng thiếu nước tưới cũng ảnh hưởng đến 17.479 hộ cây trồng, có 26.269 hộ dân chưa có nước máy sử dụng, 89.743 hộ dân phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn. “Tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp công trình, phi công trình để phòng chống thiên tai và giảm thiểu các thiệt hại cho sản xuất, dân sinh. Tuy nhiên, tính đến nay ước thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng. Ngoài túi chứa nước, tỉnh được Tập đoàn Phát triển nông nghiệp Việt Nam kết hợp với Công ty cổ phần Lavifood đầu tư mô hình sản xuất lúa tím kết hợp với nuôi cá hoặc tôm theo phương pháp hữu cơ, hướng đến tính bền vững”, TS Văn Hữu Huệ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, bày tỏ vui mừng.

Đang thử nghiệm mô hình lúa tím, ông Đoàn Văn Tài (thành viên của HTX Tiến Đạt, tỉnh Vĩnh Long) cho hay, nhiều giống lúa đang trồng chịu hạn mặn rất thấp; với giống lúa tím sức chống chịu cao, chịu được sâu bệnh. Năng suất trung bình nhưng bù lại giá thành cao nên trên cùng diện tích thì giá trị cao hơn. Cụ thể, giống lúa bình thường đạt 7-8 tấn/ha, giá thành chỉ khoảng 5.000 đồng/kg; còn giống lúa tím năng suất thấp hơn 5-6 tấn/ha, nhưng giá bán lại cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg. Lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng/ha. Với chủ trương chung của địa phương, giống lúa tím này thu lợi cao nhất, còn phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, sản xuất thuận thiên kết hợp với nuôi cá, nuôi tôm.

Ông Đinh Hùng Dũng, Phó Tổng Giám đốc, đại diện nhà tài trợ Tập đoàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam và Lavifood chia sẻ "Chúng tôi cảm thấy cần phải tri ân người nông dân, vì thực tế, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc trồng trọt, người nông dân vẫn kiên trì bám trụ, linh động với nhiều giải pháp để vẫn có thể canh tác trên mảnh đất của chính mình, góp phần cung cấp các loại nông sản cho thị trường"

Hạn mặn không thể né tránh được mà cần có giải pháp ngắn hạn và dài hạn để không ảnh hưởng đến sản xuất cũng như nguy cơ thiếu an ninh lương thực. Ông Đinh Hùng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lavifood, chia sẻ, dự án tặng hơn 3.300 túi nước cho 8 tỉnh ảnh hưởng nặng nhất trong đợt này. Túi nước với độ bền 8-10 năm, không chỉ giúp sản xuất mà còn sinh hoạt. Trong khuôn khổ dự án còn 50ha mô hình trồng lúa tím kết hợp với nuôi cá hoặc tôm theo hướng hữu cơ tại Bến Tre (16ha), Vĩnh Long (17ha) và Sóc Trăng (17ha). Lúa tím là giống lúa thảo dược có nguồn gốc từ Nghệ An, có tác dụng hỗ trợ tim mạch, huyết áp, khớp, đặc biệt là giảm cân. Trước mắt, doanh nghiệp sẽ bao tiêu sản phẩm của nông dân. Sau khi dự án có kết quả thành công, mô hình sẽ được nông dân nhân rộng. Cùng với đó, doanh nghiệp phối hợp với các viện, trường, chuyên gia… tiếp tục nghiên cứu đưa ra quy trình cụ thể để nông dân sản xuất một cách hiệu quả. Về lâu về dài, ĐBSCL hướng đến canh tác thuận thiên, đạt hữu cơ, không còn ô nhiễm môi trường.


Theo dõi dự án để hỗ trợ doanh nghiệp 

Với những giải pháp từ doanh nghiệp, ông Trần Hoàng Tựu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho rằng, tỉnh đã có kế hoạch phân bổ túi nước chứa cho các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Măng Thít. Đồng thời các địa phương này sẽ giám sát hiệu quả từ túi nước để báo cáo với doanh nghiệp tìm giải pháp tốt nhất trong việc chống hạn mặn. Tương tự, HTX sản xuất mô hình sản xuất lúa tím để hướng đến hình thức nhân rộng, mô hình theo sản xuất bền vững. Bên cạnh đó, trên cơ sở dự báo của các cơ quan chuyên môn, UBND tỉnh đã chỉ đạo, triển khai rộng rãi công tác phòng chống hạn mặn đến tất cả các ngành: cung cấp thông tin qua tin nhắn, truyền thông qua các phương tiện; tập huấn bà con vận hành khai thác công trình thủy lợi trong điều kiện xâm nhập mặn; khuyến khích trữ nước trong ao, kênh nội đồng, túi chứa nước, điều chỉnh lịch thời vụ, khuyến khích sản xuất giống lúa chịu hạn, mặn; nạo vét kênh mương để trữ nước… Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng chống thiếu nước, hạn hán và xâm nhập mặn, ban hành phương án ứng phó hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước có thể xảy ra ở mức “rất nghiêm trọng”. 

Với địa phương sản xuất trồng trọt phải chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, ông Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, xác định, tỉnh tập trung chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trong thời gian tới. Do vậy, tỉnh cũng mong kết hợp với các viện, trường, doanh nghiệp để có thể giới thiệu giống mới có khả năng thích ứng với độ mặn nhằm phát triển kinh tế địa phương. Trước hết, UBND tỉnh nâng cao hệ thống chính trị, người nông dân, sau đó có điều chỉnh kinh tế để lựa chọn vật nuôi, cây trồng chủ lực. Từ đó có mô hình cụ thể nhằm đưa chính sách hỗ trợ cho sự chuyển đổi. Đó là việc làm khó, phức tạp; nhưng tỉnh sẽ có cơ chế chính sách để người nông dân thấy có lợi sẽ thực hiện. Tuy vậy, khi thực hiện mô hình này, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng, với tư cách là “người” sẽ nói cho lãnh đạo địa phương cũng như người nông dân biết tín hiệu, nhu cầu của thị trường. Từ đây, doanh nghiệp đặt ra tiêu chuẩn thị trường để địa phương tổ chức sản xuất theo tín hiệu. Doanh nghiệp sẽ là mắt xích quan trọng trong chuỗi phát triển của tỉnh để phát triển bền vững. 

PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ĐH Quốc gia TPHCM), nhìn nhận, có những dự án tạm thời, có những dự án lâu dài nhưng cùng giải quyết được hậu quả của thiên tai, biến đổi khí hậu. Đây cũng chính là giúp cho người dân tại vùng đất bị hạn mặn an tâm ở lại sản xuất thay vì rời mảnh đất này, cũng như tăng cường thu nhập và đảm bảo an sinh xã hội.

Tin cùng chuyên mục