Doanh nghiệp dệt may và chiến lược nội địa hóa

Cùng với các ngành hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ, chế biến gỗ… thời gian qua không ít doanh nghiệp (DN) chuyên xuất khẩu dệt may đã tập trung cho chiến lược nội địa hóa và bước đầu có những thành công nhất định.
Hàng dệt may của doanh nghiệp trong nước sản xuất được phân phối rộng rãi tại hệ thống siêu thị hiện đại
Hàng dệt may của doanh nghiệp trong nước sản xuất được phân phối rộng rãi tại hệ thống siêu thị hiện đại

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhận định, năm 2021 vẫn là năm thị trường dệt may tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là thị trường xuất khẩu bởi tình hình dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn được khống chế. Trong bối cảnh đó, nhiều DN ngành dệt may đã nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng và đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước. 

Điển hình có thể kể tới như Tổng công ty May 10. Theo DN này, trước tác động của dịch Covid-19, nhiều thị trường xuất khẩu bị “đóng băng”, thời gian qua May 10 đã có những kế hoạch tập trung phát triển thị trường nội địa và đã khẳng định được vị thế thương hiệu ở trong nước. Theo kế hoạch, trong thời gian tới, tổng công ty tiếp tục đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa với những sản phẩm phù hợp vừa đảm bảo chất lượng, vừa có giá cả phù hợp với người tiêu dùng. Với nhiều người tiêu dùng ở khu vực phía Bắc thì thương hiệu May 10 đã không còn xa lạ. Các dòng sản phẩm của DN này chinh phục được khách hàng ngoài giá cả phù hợp còn bởi yếu tố kiểu dáng được tính toán phù hợp kích cỡ và phong cách của người Việt Nam nhưng vẫn bắt nhịp với xu hướng thời trang quốc tế.

Một DN khác là Tổng công ty CP May Việt Tiến cũng đã khẳng định được tên tuổi và vị thế tại thị trường nội địa. Mục tiêu mà DN này theo đuổi chính là lấy chất lượng sản phẩm là tiêu chí cạnh tranh hàng đầu cùng với việc luôn cải tiến mẫu mã, đáp ứng nhiều phân khúc thị trường cho người tiêu dùng có thu nhập từ trung bình, khá đến cao cấp. Đây cũng là điều dễ hiểu khi Việt Tiến phát triển được 1.300 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó riêng thương hiệu Viettien, Viettien Smartcasual được bán tại 67 cửa hàng, 1.159 đại lý… 

Không ít DN trước đây vốn chỉ xuất khẩu thì nay đã chú trọng nhiều hơn tới thị trường nội địa. Có thể kể tới như Tổng công ty 28 với các sản phẩm veston nam, nữ, áo sơmi, quần Âu mang thương hiệu Agtex28, Belluni; Công ty CP May Phương Đông với nhãn hiệu F.house; Tổng công ty May Đức Giang với thương hiệu HeraDG, DGC, S.Pearl, Forever Young… đã và đang ngày càng quen thuộc với đông đảo người tiêu dùng Việt. 

Gần đây nhất, thương hiệu thời trang V-Sixtyfour được sáng lập bởi ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VITAJEANS), cũng gia nhập thị trường và gặt hái một số thành công nhất định. Theo tiết lộ của bộ phận marketing V-Sixtyfour, ngay từ khi ra mắt, thương hiệu này đặt mục tiêu cung cấp dòng sản phẩm denim chất lượng cao cấp, được điều chỉnh phù hợp nhất với chuẩn cơ thể người Việt, cùng những thiết kế cập nhật theo xu hướng mới của thế giới. Do đó, V-Sixtyfour đã thành công khi trở thành người dẫn lối cho phong cách sống hiện đại, phóng khoáng và mới mẻ của giới trẻ Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường nội địa với gần 100 triệu dân là thị trường tiềm năng cho các DN dệt may. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát thì xu hướng người tiêu dùng chuyển hướng lựa chọn các sản phẩm do Việt Nam sản xuất ngày càng tăng. Đây được cho là lợi thế rất lớn đối với các DN may mặc trong nước trong hành trình chinh phục người tiêu dùng Việt sắp tới.

Tin cùng chuyên mục