Doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất xanh

Để tham gia vào chiến dịch Tiêu dùng xanh, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển xanh, thân thiện môi trường.
Sản phẩm của doanh nghiệp xanh được người dân ưu tiên tiêu dùng tại hệ thống siêu thị Co.opmart
Sản phẩm của doanh nghiệp xanh được người dân ưu tiên tiêu dùng tại hệ thống siêu thị Co.opmart

Với việc triển khai chiến lược phát triển xanh dài hơi, sản phẩm của các DN cũng dần có vị thế vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng có xu hướng ưa chuộng sử dụng sản phẩm của DN xanh.

Đại diện Công ty TNHH Procter & Gamble Việt Nam (P&G) cho biết, công ty đã tập trung đẩy mạnh các dự án phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, trách nhiệm với môi trường sống cộng đồng luôn được công ty thực hiện xuyên suốt. Dễ thấy nhất là chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất được thu gom, xử lý. Số chất thải có thể tái chế cũng được công ty quan tâm. Về phía Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, trung bình mỗi ngày có khoảng 35 triệu sản phẩm của Unilever được sử dụng bởi người tiêu dùng trên toàn quốc. Với những cam kết, nỗ lực và kết quả đạt được trong chương trình phát triền bền vững của mình, Unilever Việt Nam rất vinh dự được Chính phủ Việt Nam trao tặng danh hiệu “DN phát triển bền vững hàng đầu” trong 3 năm liên tiếp (2016-2018).

Ở góc độ khác, nhiều DN không những đảm bảo tốt công tác bảo vệ môi trường phát sinh trong quá trình sản xuất, mà còn đầu tư nhiều dự án hỗ trợ cải thiện chất lượng môi trường sống cho cộng đồng. Đại diện Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam chia sẻ, việc đầu tư vào các dự án cộng đồng có sức ảnh hưởng lớn nằm trong danh sách ưu tiên của DN. Nhiều dự án đã được công ty triển khai, như bảo tồn tài nguyên nước và nông nghiệp bền vững tại ĐBSCL trước tác động của biến đổi khí hậu, đào tạo năng lực cho nông dân trồng mía, quản lý rác thải nhựa, sáng kiến Ekocenter với những hoạt động trao quyền làm chủ DN cho phụ nữ… Vừa qua, công ty được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chứng nhận là tốp 2 DN phát triển bền vững tại Việt Nam.

Cải thiện chất lượng môi trường sống cũng chính là góp phần bảo vệ sức khỏe của chính mình. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào cơ quan quản lý cùng những quy định hành chính về bảo vệ môi trường là chưa đủ. Để có thể làm được điều này, nhất thiết phải có sự tham gia của cộng đồng. Bởi, việc cộng đồng hưởng ứng tiêu dùng xanh là giải pháp sử dụng quyền của người tiêu dùng để kiến tạo ra một thị trường cạnh tranh công bằng hơn cho những DN thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Về lâu dài, hành động này cũng sẽ tạo động lực để ngày càng nhiều DN chưa thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường phải tự nỗ lực cải thiện mình, nếu muốn phát triển bền vững. Các DN đã thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường sẽ có động lực để đóng góp nhiều hơn giải pháp hỗ trợ cộng đồng sống xanh.

Theo các chuyên gia môi trường, cùng với việc tăng cường nhận diện sản phẩm của các DN thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường để người dân ưu tiên sử dụng, thì cần công khai thông tin những DN gây ô nhiễm môi trường cùng với danh sách sản phẩm do DN “đen” sản xuất, để người tiêu dùng thực hiện hành động tẩy chay sử dụng. Có như vậy mới thúc đẩy thị trường xanh hình thành và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Khảo sát gần đây của Trường Đại học Bách khoa TPHCM cho thấy, có đến hơn 82,3% người dân được hỏi có xu hướng ưu tiên tiêu dùng sản phẩm xanh và 88% khẳng định là xu hướng tiêu dùng xanh sẽ tăng trong thời gian tới. Điều này cho thấy, ý thức bảo vệ môi trường sống trong cộng đồng ngày càng tăng cao. Trên thực tế, chất lượng môi trường sống ô nhiễm đã và đang tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân, nhất là tại các thành phố lớn vốn có mật độ dân số cao. Theo Bộ Y tế, trung bình mỗi năm Việt Nam có 300.000 người mắc các bệnh ung thư. Trong đó, có trên dưới 100.000 người chết vì căn bệnh này, nguyên nhân một phần do tiếp xúc môi trường ô nhiễm.

Tin cùng chuyên mục