Doanh nghiệp đã sẵn sàng

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TPHCM đã có các động thái tích cực để chuẩn bị tái hoạt động sau chuỗi ngày phải thực hiện giãn cách xã hội. Phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận ý kiến các DN cho việc sẵn sàng trở lại hoạt động.
Lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch TPHCM với hành trình về nguồn “Hành trình xanh về vùng đất thép” tại huyện Củ Chi. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch TPHCM với hành trình về nguồn “Hành trình xanh về vùng đất thép” tại huyện Củ Chi. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông PHAN VĂN CÓ, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice: Chủ động kết nối đơn hàng xuất khẩu cho quý 4

Doanh nghiệp đã sẵn sàng ảnh 1 Ông Phan Văn Có
Thời gian qua, DN vẫn liên lạc với đối tác nên khi mở cửa trở lại sẽ ưu tiên giải quyết hàng hóa tồn được lưu tại các cánh đồng về kho. Để DN có thể yên tâm tái sản xuất trong điều kiện bình thường mới, yếu tố then chốt là cần có sự nhất quán trong quyết sách cho phép TPHCM và các tỉnh vốn là vùng cung ứng nguyên liệu sản xuất của DN thành phố cùng mở cửa hoạt động sản xuất. Bởi nếu chỉ cho phép TPHCM mở cửa nhưng vẫn đóng ở các tỉnh thành khác thì DN thành phố sẽ không có đủ nguồn nhân lực cũng như nguyên liệu để sản xuất. Cùng với yếu tố này, cần thiết phải tăng cường phủ vaccine. Trong đó, không chỉ tiêm vaccine cho người dân thành phố mà cần mở rộng cho lực lượng công nhân các địa phương trở lại thành phố làm việc.
Ông NGUYỄN NGỌC AN, Phó Tổng Giám đốc Lữ hành Fiditour-Vietluxtour: Lên kế hoạch phục vụ khách nội địa có “thẻ xanh”
Doanh nghiệp đã sẵn sàng ảnh 2 Ông Nguyễn Ngọc An
Hiện tại, DN vẫn duy trì hoạt động điều hành, nghiên cứu thị trường, giữ tương tác thường xuyên với đối tác, khách hàng để đảm bảo các dịch vụ luôn sẵn sàng hoạt động khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Song song với kế hoạch chuẩn bị, sẵn sàng đón khách quốc tế, Lữ hành Fiditour - Vietluxtour cũng lên kế hoạch phục vụ khách nội địa có “thẻ xanh”, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc đã khỏi bệnh; trong đó chú trọng mục tiêu đảm bảo an toàn cho nhân viên cũng như khách hàng, đối tác.
Trước mắt, Fiditour - Vietluxtour sẽ tổ chức “du lịch xanh”, khép kín, thời gian tham quan ngắn ngày đến Cần Giờ, Củ Chi (TPHCM); Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu)…
Bà HUỲNH PHAN PHƯƠNG HOÀNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel: Hoàn thiện các kịch bản để phục hồi hoạt động
Doanh nghiệp đã sẵn sàng ảnh 3 Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng 
DN đã chuẩn bị các kịch bản chi tiết về việc phục hồi du lịch, chỉ cần Chính phủ và ngành du lịch thống nhất phương án, có văn bản hướng dẫn cụ thể, thì DN có thể kích hoạt trở lại ngay. Ngoài việc phục vụ du khách Việt Nam đi du lịch trong nước, đối với mảng Inbound, Vietravel sẽ triển khai mạnh việc đón các chuyên gia, Việt kiều hồi hương, khách quốc tế thuộc “vùng xanh” hội đủ điều kiện nhập cảnh theo quy định của chính phủ Việt Nam… Vietravel đã và đang rà soát lại hệ thống dịch vụ, nhân sự phục vụ để tạo tâm lý an toàn cho du khách. Đồng thời phối hợp với nhà hàng, khách sạn xây dựng chính sách giá thu hút, cạnh tranh với các nước khác trong khu vực. 
Ông NGUYỄN AN KHANG, Phó Giám đốc Công ty TNHH Khuôn chính xác Duy Tân: Sắp xếp lại lao động cho hiệu quả hơn
Doanh nghiệp đã sẵn sàng ảnh 4 Ông Nguyễn An Khang
Để chuẩn bị cho việc tái sản xuất với quy mô như trước dịch, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương đẩy nhanh việc tiêm chủng vaccine cho công nhân. Tới nay, 50% công nhân của chúng tôi đã được tiêm  mũi 2. Do đó, chúng tôi đã có kế hoạch bố trí người tiêm đủ 2 mũi được về nhà sau giờ làm và người tiêm 1 mũi ở lại tại công ty để tăng năng lực cho sản xuất. 
Hiện công ty cũng đã chuẩn bị sẵn một số lượng lớn nguyên liệu sản xuất và chấp nhận tốn phí tồn kho nhiều hơn nhằm tránh bị động trong sản xuất. Công ty còn kết hợp với nhà cung cấp và công ty mẹ đặt hàng với số lượng lớn với đối tác để giúp họ giảm chi phí giao hàng. Nhìn chung, tùy theo tình hình tiêm chủng vaccine cũng như tình hình mở rộng giãn cách của Chính phủ mà chúng tôi sẽ tiếp tục có phương án phù hợp.
Ông NGUYỄN NGỌC HÒA, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM: Tăng khả năng lưu thông cho hàng hóa
Doanh nghiệp đã sẵn sàng ảnh 5 Ông Nguyễn Ngọc Hòa
Để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất từ ngày 1-10, trước hết thành phố cần tính đến việc nâng cao năng lực của hệ thống logistics cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Với thị trường xuất khẩu, cần thiết tập trung tái đầu tư nâng cấp hệ thống cảng biển - khu vực cửa khẩu xuất khẩu hàng hóa. Trên thực tế, tình trạng đứt gãy chuỗi logistics trên toàn cầu do dịch Covid-19 bùng phát đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của DN. Vấn nạn này vốn đã xảy ra nhiều năm nay nhưng khi dịch bệnh bùng phát, nhiều đơn vị vận chuyển hàng xuất khẩu gặp khó khi đến Việt Nam khiến cho những thiếu hụt trong hoạt động logictics tại Việt Nam ngày càng nghiêm trọng. 
Còn với thị trường trong nước, nhất là tại TPHCM - thị trường đông dân nhất cả nước, cần nâng cấp hệ thống logistics cho 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn, trong đó tập trung tái đầu tư kho, kho lạnh để hỗ trợ tiểu thương lưu chứa và bảo quản hàng hóa, giảm nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. 
Vấn đề tiếp nữa là nhà lưu trú công nhân. Để DN tái lập và duy trì ổn định sản xuất cần phải đầu tư các khu lưu trú công nhân đảm bảo điều kiện vệ sinh, khoảng cách an toàn… Tuy nhiên, để tạo được những khu lưu trú phù hợp với mức lương của công nhân phải có sự hỗ trợ từ lãnh đạo thành phố trong việc cung ứng quỹ đất, hỗ trợ vốn xây dựng cho các nhà đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân và DN sử dụng lao động hỗ trợ một phần giá thuê nhà cho công nhân. 

Tin cùng chuyên mục