Doanh nghiệp Đà Nẵng vượt khó sản xuất cuối năm

Trước những dự báo tình hình sản xuất và xuất khẩu cuối năm 2022 và đầu năm 2023 sẽ có nhiều biến động do tình hình thế giới, doanh nghiệp tại các khu công nghệ cao (CNC) và các khu công nghiệp (KCN) ở Đà Nẵng nỗ lực xoay xở nhiều cách để duy trì việc làm cho người lao động.

1/2 nhân công ở Nhà máy ống thép Hòa Phát nghỉ luân phiên
1/2 nhân công ở Nhà máy ống thép Hòa Phát nghỉ luân phiên

Ít đơn hàng, lương giảm

Công ty TNHH Bao bì Tân Long (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) cho tạm ngừng sản xuất do hết đơn hàng để tổng vệ sinh lại các phân xưởng sản xuất, đồng thời điều chuyển bớt công nhân những bộ phận không có việc làm sang các bộ phận khác.

Vẫn miệt mài làm việc, anh Nguyễn Đức Thành, công nhân Công ty TNHH Bao bì Tân Long cho biết, những năm trước khoảng từ tháng 9 đến tháng 11, công ty tăng ca nhiều giờ vì đơn hàng làm không kịp. Nhiều lúc làm từ 5 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Nhưng, năm nay anh chỉ làm từ 8 - 9 tiếng.

“Mọi năm 10 đơn hàng thì nay chỉ còn 7 đơn hàng. Nếu có tăng ca chỉ tăng ca 2-3 tiếng”, anh Thành chia sẻ.

Doanh nghiệp Đà Nẵng vượt khó sản xuất cuối năm ảnh 1 Đơn hàng cuối năm giảm khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Tân Long, 6 tháng trở lại đây lượng hàng giảm mạnh 50-60%. Vì vậy, đơn vị đã có những chính sách để giải quyết việc làm cho công nhân, xúc tiến tìm kiếm đơn hàng. Trong đó, đơn vị khai thác đủ mọi phương diện như: giảm giá thành, tiết kiệm chi phí sản xuất tối đa, tổ chức hợp lý để người lao động sản xuất…Vì vậy sản phẩm vẫn cung ứng cho khoảng hơn 400 khách hàng. Doanh thu đạt khoảng 70%.

“Mặc dù sản lượng ít, lương giảm nhưng 100% công nhân (khoảng 420 lao động) vẫn có việc làm. Tùy bộ phận, chỗ công việc nhiều thì chuyển lực lượng chưa có công việc đến phân bổ lại công đoạn. Người nào cũng được làm, được phân bổ công việc”, bà Hà cho hay.

Tương tự, đang thời điểm cuối năm nhưng hoạt động tại Nhà máy ống thép Hòa Phát (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) khá vắng vẻ. Trong các phân xưởng chỉ khoảng 10 công nhân làm việc cầm chừng.

Doanh nghiệp Đà Nẵng vượt khó sản xuất cuối năm ảnh 2 Tổ chức hợp lý để người lao động sản xuất

Với công suất thiết kế nhà máy 18.000 tấn/tháng tương ứng khoảng 500 người lao động, ông Bùi Tấn Hữu, Giám đốc Nhà máy ống thép Hòa Phát cho biết, hiện nay trong kho còn khoảng 12.000 tấn thép, tương đương công suất sản xuất trong gần 1 tháng. Trong tháng 10 và 11 này, nhà máy phải giảm khoảng 60% công suất hoạt động. Áp lực lớn nhất của nhà máy bây giờ là công việc của cán bộ, công nhân viên, làm sao cho họ có thu nhập ổn định để gắn bó với doanh nghiệp. Bởi nếu công nhân thất nghiệp, không có thu nhập họ sẽ rời bỏ công ty, đơn vị lại phải tuyển dụng mới và phải mất chi phí đào tạo. Vì vậy, nhà máy bố trí cho 520 công nhân làm việc cầm chừng và nghỉ luân phiên, đảm bảo thu nhập cho công nhân.

Doanh nghiệp Đà Nẵng vượt khó sản xuất cuối năm ảnh 3 Nhà máy ống thép Hòa Phát có công suất thiết kế nhà máy 18.000 tấn/tháng tương ứng khoảng 500 người lao động

“Trước mắt là cho 50% cán bộ, người lao động luân phiên nghỉ làm việc trong 1 tuần. Tuần sau khối nghỉ lên bù sản xuất. Chính sách bảo hiểm xã hội công ty vẫn bảo đảm 100% khi cho công nhân nghỉ luân phiên hưởng 50% lương cơ bản và phụ cấp nhà ở, xăng xe vẫn đảm bảo cho công nhân có thu nhập”, ông Hữu cho biết.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Những tháng cuối năm 2022, khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp là tìm kiếm thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm, xử lý lãi suất cho vay tăng, giá cả nguyên vật liệu cũng tăng lên kéo chi phí sản xuất lên cao. Bên cạnh đó, vào thời điểm cuối năm, ngoài việc chi trả lương, các khoản bảo hiểm xã hội, các doanh nghiệp còn phải lo tiền thưởng và các khoản phúc lợi cho người lao động nên càng thêm khó khăn.

Qua khảo sát, dự kiến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 4, có khoảng 75% số doanh nghiệp hoạt động ổn định, 7% doanh nghiệp khó khăn do nguồn nguyên liệu, ít đơn hàng.

Khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp là việc tìm kiếm thị trường sản xuất, xử lý lãi suất cho vay tăng, giá cả nguyên vật liệu tăng kéo theo chi phí logistics tăng...

Theo ông Nguyễn Công Tiến, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu CNC và các KCN TP Đà Nẵng cho biết, để đồng hành, động viên, hỗ trợ cùng doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, thời gian qua Ban Quản lý theo dõi, nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Cụ thể như: hỗ trợ, hướng dẫn, xử lý nhanh các thủ tục hành chính; giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp kịp thời.

Doanh nghiệp Đà Nẵng vượt khó sản xuất cuối năm ảnh 4 Giải quyết thủ tục hành chính

Đối với trường hợp lao động bị mất việc theo quy định tại Điều 42,43 Bộ Luật Lao động thì Ban Quản lý phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội kịp thời đề nghị doanh nghiệp chi trả trợ cấp mất việc cho người lao lao động theo quy định.

Ngoài ra, Ban Quản lý phối hợp với Công đoàn Khu CNC và các KCN, các ngành thăm hỏi, động viên, chăm lo đời sống cho công nhân lao động trong dịp cuối năm, nhất là lao động có hoàn cảnh khó khăn, xa nhà...

Tin cùng chuyên mục