Doanh nghiệp công nghệ nên chọn việc khó

Truyền cảm hứng về cách làm, cách nghĩ sáng tạo và khơi gợi những việc khó phải làm… là thông điệp mà Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng gửi gắm đến doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) phía Nam tại buổi gặp gỡ vừa diễn ra ở Công viên Phần mềm Quang Trung (TPHCM). 

Sau khi nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Việt Nam muốn hùng cường, muốn thành nước công nghiệp phát triển, phải dựa vào công nghệ. Mà công nghệ thì chủ yếu là công nghệ số. Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Nhưng đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân, đến mọi lĩnh vực. Vậy ai sẽ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi này? Chính là các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, là các doanh nghiệp CNTT Việt Nam”.

Chuyển đổi số là kinh tế số, xã hội số. Như vậy, không gian của các doanh nghiệp IT bây giờ rất rộng. Không gian rộng lớn hơn, đòi hỏi cách nghĩ, cách làm phải khác đi. Dẫn chứng được nêu ra là nếu Misa - một công ty CNTT về phần mềm kế toán - cung cấp dịch vụ kế toán cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì việc chuyển đổi số về kế toán cho các doanh nghiệp sẽ diễn ra rất nhanh. Đồng thời cũng kích thích các hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp vì không phải đi thuê kế toán viên, vốn là việc rất khó, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Doanh nghiệp công nghệ nên chọn việc khó ảnh 1       Kỹ sư công nghệ thông tin làm việc tại Công ty FPT. Ảnh: CAO THĂNG

Theo đại diện hỗ trợ startup từ Tập đoàn Intel, mặc dù đã được hỗ trợ sản xuất máy tính thương hiệu Việt nhưng sản phẩm làm ra không được người tiêu dùng đón nhận. Do đó, cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Lý giải về điều này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, do sản phẩm chưa có gì nổi trội và công tác tiếp thị còn kém, nên cần làm ra sản phẩm tốt hơn, phải tạo sự đột phá…

Trả lời thắc mắc của đại diện một trường đại học về việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp như thế nào để tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý khi nhu cầu đến thì chắc chắn sẽ có sự hợp tác sâu rộng, còn hiện giờ, rõ ràng nhu cầu chưa đủ lớn. Qua đây, Bộ trưởng Bộ TT-TT khuyến khích các công ty, doanh nghiệp nên kết hợp với các trường đại học để tổ chức những buổi gặp gỡ và giao lưu với sinh viên.

Nhấn mạnh chủ thể tạo ra động lực phát triển xã hội là những doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp CNTT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, các doanh nghiệp CNTT cần có chung một khát vọng lớn. “Khát vọng lớn thì chúng ta sẽ thấy các chướng ngại trên đường đi như nhỏ lại. Khát vọng lớn thì thu hút được người tài tìm về, doanh nghiệp mới lớn được. Từ khát vọng lớn tạo ra mục tiêu cao, tạo ra áp lực cao cho cả tổ chức và từng người. Áp lực cao thì khai thác được tiềm năng vô hạn đang ngủ trong mỗi người”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, thế giới cần một cách tiếp cận mới về mạng xã hội (MXH). Những người sử dụng MXH phải được chia sẻ giá trị mà MXH đó tạo ra, họ phải được tham gia quyết định luật chơi, được bảo vệ trên đó. MXH là một xã hội, vậy nên những giá trị đạo đức căn bản của con người phải được tôn trọng, phải tuân thủ luật pháp của các quốc gia.

Những yêu cầu mới này của xã hội mở ra không gian cho các MXH mới, các công cụ tìm kiếm mới, cho một hệ sinh thái số mới. Các doanh nghiệp CNTT Việt Nam, các startups Việt Nam có cơ hội lớn để phát triển một hệ sinh thái với triết lý mới, với mô hình kinh doanh mới, không chỉ cho Việt Nam mà cho cả thế giới.

Tin cùng chuyên mục