Doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để Việt Nam “hoá rồng”

Trưa nay (9-5), tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ (DNCN) Việt Nam, sau phiên thảo luận chung, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng, khẳng định vai trò của DNCN đối với sự phát triển của đất nước.

Trước khi Thủ tướng phát biểu, đại diện nhiều DNCN Việt Nam đã có các phát biểu làm rõ, góp ý, đề xuất cho Chính phủ nhiều ý kiến liên quan lĩnh vực này, nhằm mong muốn góp phần giúp cho sự phát triển của cộng đồng DNCN nói riêng và đất nước nói chung.

Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Be Group, cho biết, Be Group ra đời theo đuổi tư duy bền vững nhằm xây dựng hệ sinh thái số. Là công ty sở hữu ứng dụng vận tải, sau 5 tháng triển khai kế hoạch, công ty đã đạt được nhiều thành quả như hoàn thành 10 triệu chuyến xe.

Theo ông Trần Thanh Hải, môi trường khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam đã phát triển mạnh nhưng vẫn tồn đọng những bất cập. Chính sách điều kiện kinh doanh áp dụng cho các startup còn khá khắt khe, một số doanh nghiệp nước ngoài chưa tuân thủ các chính sách trong nước, nếu không thay đổi những vấn đề này thì chúng ta không làm chủ được công nghệ.

Ông Trần Thanh Hải cho rằng, các doanh nghiệp nên tập trung đầu tư bài bản, nghiêm túc, có chiều sâu, tránh phụ thuộc vào nước ngoài.

“Để vươn tới khu vực, chúng ta phải có nền tảng trong nước, phải nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, không để mất thị trường nội địa cho các doanh nghiệp nước ngoài, để công nghệ có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực đời sống…” - ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để Việt Nam “hoá rồng” ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian trưng bày những chiếc điện thoại thông minh "Made in Vietnam" tại triển lãm của Diễn đàn. Ảnh T.B
Ông Phạm Hải Văn, Giám đốc miền Bắc của Công ty Haravan chỉ ra rằng mỗi doanh nghiệp khi đưa các mảng kinh doanh lên thị trường trực tuyến đều tạo ra thay đổi tích cực.
Theo ông Phạm Hải Văn, Việt Nam đang có nhu cầu cao về công nghệ, điều này khiến các doanh nghiệp phải mở rộng kinh doanh vào lĩnh vực công nghệ. Dẫn chứng là mảng online đang đem lại doanh thu 10% cho những đơn vị hợp tác với Haravan như Vinamilk, hay tiết kiệm 50% chi phí cho Biti’s. Nhãn hàng giày tập trung vào đối tượng khách hàng trẻ, đây cũng là nhóm khách hàng sử dụng nhiều ứng dụng điện tử, điện thoại thông minh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC cho biết, sau 26 năm phát triển, CMC luôn trăn trở làm sao để đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Theo ông Nguyễn Trung Chính, công nghệ số sẽ giúp Việt Nam cất cánh trong tương lai. Hiện tại, Internet đang tác động đến mọi khía cạnh của đời sống. Xu thế của cách mạng 4.0 là hệ thống nền tảng và kinh doanh nền tảng ra đời. Thách thức của doanh nghiệp là năng suất, trí tuệ, tốc độ, kết nối và cung cấp công nghệ mọi lúc mọi nơi. Với bất kỳ doanh nghiệp nào, việc kết nối là yếu tố quan trọng trong kỷ nguyên số. Các quốc gia như Hàn Quốc thành công vì đã chiếm lĩnh được công nghệ.
Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc Công ty VCCorp thì khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như các nước phát triển công nghệ trên thế giới. Tiêu biểu như Vingroup có thể sản xuất tự động hóa 4.0, Viettel tự làm thiết bị mạng 5G... Trong mảng nội dung số có VNG với Zalo, VCCorp với nền tảng quảng cáo bằng công nghệ, hệ thống phân phối nội dung và hàng chục công ty khác.
Theo ông Nguyễn Thế Tân, Việt Nam có tiềm năng bởi sở hữu hàng trăm công ty khác trong nhiều lĩnh vực cùng đội ngũ hàng trăm ngàn lập trình viên. Trong khi các nước có nhiều chính sách phát triển ưu đãi về thuế, các chính sách, quy định của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Điều đó khiến nhiều công ty muốn làm nhưng không dám làm.
Ông Nguyễn Thế Tân đề xuất nhiều cơ chế hỗ trợ cái mới, bao gồm coi ngành nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm, phát triển thị trường trong nước bằng cách coi trọng các công ty Việt phục vụ thị trường Việt Nam, coi trọng các công ty có tiềm năng xuất khẩu sản phẩm/dịch vụ công nghệ trọn gói ra quốc tế (không phải outsourcing)…
Doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để Việt Nam “hoá rồng” ảnh 2 Thủ tướng cho rằng, DNCN là hạt nhân để thực hiện khát vọng về một dân tộc "hóa rồng" vào năm 2045. Ảnh T.B
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những vấn đề được các diễn giả nêu ra tại đây; đó là những thách thức cụ thể mà bản lĩnh trí tuệ Việt Nam phải giải quyết bằng những chính sách cụ thể nhằm phát triển các DNCN.
Thủ tướng giao Bộ Thông tin-Truyền thông phát triển Chiến lược phát triển DNCN Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý cho việc triển khai lộ trình nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển một cách bài bản. Việt Nam sẽ có thể theo kịp các nước phát triển nếu nắm bắt được các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo Thủ tướng, Việt Nam đã có nhận thức về vấn đề này, tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản, do vậy cần phải tìm giải pháp để chuyển từ nhận thức sang hành động.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định công nghệ là nhân tố chính để phát triển kinh tế, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành một nước phát triển. Muốn thúc đẩy điều này, chúng ta phải làm chủ công nghệ, khả năng quản lý, có năng lực phát minh, đi đầu trong việc thiết kế, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao.
“Việt Nam cần phải đi đầu về phát minh, sáng chế công nghệ. Đó là con đường duy nhất và tất yếu để hướng tới một quốc gia hùng cường. Dùng công nghệ nhân loại để giải quyết các bài toán Việt Nam, dùng Việt Nam làm cái nôi để đi ra toàn cầu” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để Việt Nam “hoá rồng” ảnh 3 Thủ tướng phát biểu kết thúc phiên thảo luận sáng của Diễn đàn quốc gia Phát triển DNCN Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức. Ảnh T.B
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, DNCN là hạt nhân để thực hiện khát vọng về một dân tộc "hoá rồng" vào năm 2045. Các DNCN Việt Nam có vai trò bản lề trong việc phát triển đất nước. Kinh tế số, kinh tế sáng tạo và kinh tế chia sẻ là xu hướng phát triển, đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Việt Nam dù đi sau vẫn có thể thành công nếu nắm được cơ hội. Diễn đàn DNCN Việt Nam sẽ là khởi đầu quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái các doanh nghiệp Việt Nam, giúp Việt Nam sớm hiện thực hoá mục tiêu trở thành nước phát triển.
Để thực hiện được điều đó, Thủ tướng yêu cầu cần phải hành động nhanh hơn và quyết liệt hơn. Chính vì vậy, cần bứt phá từ tư duy đến hành động. Những phương thức kinh doanh cũ kỹ cần phải được thay thế bằng những phương thức đổi mới sáng tạo.
“Cái chúng ta cần làm ngay là hành động, hành động, hành động và hành động kịp thời hơn nữa. Chúng ta cần xây dựng và tuyên bố một cách dứt khoát chiến lược về thúc đẩy các DNCN Việt Nam. "Make in Vietnam" là tuyên bố của chúng ta tại diễn đàn năm nay!” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục