Doanh nghiệp chạy đua kế hoạch năm

Còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2020 với quá nhiều biến động, ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Để hoàn thành kế hoạch doanh thu năm, hầu hết các doanh nghiệp (DN) chọn phương án tăng cường khuyến mãi, giảm giá hàng hóa để kích cầu tiêu dùng, đồng thời cắt giảm tối đa các chi phí nhằm giữ chân người lao động. 
Sản xuất trứng tại Công ty Vĩnh Thành Đạt. Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất trứng tại Công ty Vĩnh Thành Đạt. Ảnh: CAO THĂNG

Giảm lợi nhuận để tăng doanh thu  

Ông N.M.S., phó giám đốc một công ty đầu tư về hạ tầng viễn thông, cho biết, do hoạt động đặc thù nên từ đầu năm đến nay công ty gần như không có ngày nghỉ, kể cả thời điểm cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Mặc dù việc nhiều hơn nhưng doanh thu và lợi nhuận trong 8 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 50% kế hoạch, giảm khá mạnh so với cùng kỳ. Nguyên nhân do phải cắt giảm tiền thuê trạm thu phát sóng trong các tòa nhà, dịch bệnh nên phải tung ra nhiều chương trình khuyến mãi cho DN. Các hợp đồng đến kỳ thanh toán cũng chậm được thực hiện hơn so các năm trước... 

Trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng thực phẩm, tình hình cũng không mấy khả quan. Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Thành Đạt (một trong những DN chủ lực cung cấp các loại trứng gia cầm cho thị trường TPHCM), cho rằng, do thực hiện giãn cách xã hội nên công ty gần như mất hẳn nguồn thu bán buôn cho các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn; thay vào đó, kênh bán lẻ truyền thống lại đạt mức tăng trưởng khá. Dù vậy, cũng không “gánh” nổi mức sụt giảm của mảng bếp ăn tập thể.

Theo tính toán của ông Thiện: “Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt từ nay đến cuối năm, công ty sẽ đẩy mạnh hơn các kênh bán hàng khác để đảm bảo doanh thu tăng khoảng 10%, thay vì tăng 20% so với kế hoạch ban đầu. Doanh thu tăng không đồng nghĩa với lợi nhuận tăng, vì tại thời điểm này, để ổn định doanh thu, bắt buộc DN phải hy sinh lợi nhuận. Với Vĩnh Thành Đạt, việc doanh thu chỉ tăng khoảng 10% sẽ là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua”. 

Theo kết quả khảo sát thực hiện tháng 8-2020 của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đối với tốp 500 DN lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2020, có tới 60% số DN cho biết doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 giảm so với cùng kỳ 2019, gần 15% trong số đó có doanh thu bị sụt giảm mạnh. Tương tự, tình hình lợi nhuận cũng không mấy khả quan khi có tới 54% số DN cho biết lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm so với cùng kỳ 2019, trong số này có đến 31% DN bị sụt giảm mạnh về lợi nhuận, thậm chí thua lỗ nghiêm trọng. 

Nỗ lực giữ chân khách hàng 

Ông Đinh Quang Khôi, Trưởng phòng Marketing Công ty TNHH  MM Mega Market Việt Nam, chia sẻ năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn đối với ngành bán lẻ. Trong 8 tháng đầu năm, công ty đã 2 lần điều chỉnh kế hoạch doanh thu và đưa về mức ngang bằng năm 2019. Kể từ khi dịch bùng phát, toàn bộ doanh thu từ mảng bán sỉ cho các nhà hàng, khách sạn, trường học bị sụt giảm, thậm chí trong nhiều tháng hoàn toàn không có doanh thu. Để đảm bảo doanh thu ngang bằng năm 2019, DN cũng đề ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào việc cắt giảm tất cả chi phí không cần thiết, kể cả marketing, đồng thời tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Hiện tại nhiều mặt hàng bán trong hệ thống siêu thị này đang có mức giảm tới 50%, như các sản phẩm của gốm sứ Minh Long… 

Nhiều DN khác cũng đang thực hiện chiến lược xuyên suốt là tập trung vào tài nguyên hiện có, đặc biệt là nỗ lực giữ chân lượng khách hàng trung thành thông qua cải thiện dịch vụ khách hàng và tung ra nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi nhằm tăng sức mua, thúc đẩy tiêu dùng trong bối cảnh người dân đang dần thắt chặt và cắt giảm chi tiêu. 

Từ sau khi Covid-19 bùng phát, thói quen và hành vi của người tiêu dùng đã có những thay đổi đáng kể. Thay vì đến tận nơi, người tiêu dùng có thể mua sắm tại nhà thông qua hệ thống bán hàng trực tuyến. Thực tế này buộc DN phải thay đổi để bắt kịp với xu hướng của thị trường. Do vậy, chiến lược ưu tiên của DN trong năm nay là tìm kiếm và mở rộng thị trường, kết hợp với nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm mới và tiếp tục thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí. 

Bên cạnh đó, các DN rất cần sự giúp sức từ Chính phủ để vượt qua khó khăn, đó là tiếp tục gia hạn nộp thuế, tăng thêm các gói hỗ trợ cho DN bị ảnh hưởng và mở rộng phạm vi nhóm ngành hàng được ưu đãi, kết hợp với triển khai nhanh và đồng bộ các gói hỗ trợ cho DN. Điều quan trọng là cần ổn định kinh tế vĩ mô và tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh để DN mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh đáp ứng đầy đủ hàng hóa cho mùa mua sắm cao điểm cuối năm và Tết Tân Sửu 2021.

Từ ngày 6-10, Công ty TNHH  MM Mega Market Việt Nam sẽ tổ chức luân phiên những hội chợ mini kết hợp với khuyến mãi sâu để hỗ trợ các DN sản xuất, các nhà vườn đẩy mạnh đầu ra cho hàng tiêu dùng và hàng nông sản trong chương trình OCOP. Theo ông Đinh Quang Khôi, tại thời điểm này, lượng hàng tồn kho của các DN bị ứ đọng do không xuất khẩu được là rất lớn. Vì vậy, việc tổ chức các chương trình khuyến mãi vừa giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn khi mua sắm, từ đó giúp siêu thị tăng doanh thu, vừa hỗ trợ DN duy trì sản xuất để chờ qua “cơn bĩ cực”. 

Tin cùng chuyên mục